Nga hé lộ "quốc bảo" S-500 đã được thử lửa trên chiến trường Syria

Thứ Tư, 02/10/2019, 15:43
Thành tố quan trọng nhất thuộc tổ hợp tên lửa phòng không S-500 Prometey, được mệnh danh là "quốc bảo" của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, đã hoàn tất thử nghiệm trên chiến trường ở Syria.


Nhật báo Nga Izvestia ngày 2-10 dẫn các nguồn tin từ Bộ Quốc phòng và tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga cho biết, các yếu tố quan trọng nhất của hệ thống phòng không S-500 Prometey do Nga chế tạo đã được thử lửa trên chiến trường Syria.

Tên lửa phòng không Nga được triển khai trong căn cứ Hmeymim ở Syria. Ảnh: TASS

Nguồn tin nhấn mạnh các thử nghiệm trên đều đã hoàn thành và được coi là "thành công". Những tổ hợp S-500 đầu tiên theo đó sẽ được bàn giao cho quân đội Nga ngay trong năm 2020.

Truyền thông Nga, trong khi đó, dẫn lời các chuyên gia khẳng định Moscow thường thử nghiệm từng bộ phận của vũ khí mới trong mọi điều kiện khắc nghiệt và trong tình huống hoạt động hết công suất, để từ đó phát hiện thiếu sót và sửa chữa.

Cựu phó chỉ huy Không quân Vũ trụ Nga, Trung tướng Aitech Bizhev, nhận định radar có thể là hệ thống được triển khai đến Syria bởi tình hình ở đó luôn bất ổn, khiến các hệ thống radar phải hoạt động liên tục. Từ khi Nga tham chiến ở Syria, nước này đã thử nghiệm và triển khai hàng trăm loại khí tài.

S-500 là hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ tiếp theo của Nga, được chế tạo hàng loạt từ tháng 6. S-500 ra đời cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa để thay thế hệ thống đánh chặn A-135 và tăng dầy lưới phòng không bảo vệ các cứ điểm quan trọng cùng hệ thống S-400.

Các chuyên gia vũ khí Nga xác nhận S-500 có thể bắn hạ các mục tiêu ở độ cao khoảng 200km, ở khoảng cách 600km. Hệ thống radar và đài điều khiển hỏa lực hiện đại cho phép một khẩu đội S-500 cùng lúc đánh chặn được tới 10 tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh, bay ở tốc độ 7 km/s.

Điểm nổi bật của S-500 so với các loại tên lửa đánh chặn hiện có là khả năng “hit-to-kill” (truy đuổi, tiêu diệt), tức phá hủy mục tiêu bằng động năng sinh ra từ vụ va chạm chính xác vào mục tiêu, thay vì nổ phân mảnh khi áp sát mục tiêu.

Theo lời Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Nga Rostec, ông Sergei Chemezov, Nga chưa có kế hoạch bán các tổ hợp này dù người mua trả "bất cứ khoản tiền nào". Hệ thống này trước hết phải được được dành cho quân đội Nga.

Thiện Minh
.
.
.