Điểm mặt chương trình vũ khí laser tuyệt mật của Liên Xô

Thứ Hai, 06/11/2017, 14:28
Ngày nay, khi nhắc tới vũ khí laser năng lượng cao người ta thường nghĩ ngay tới Mỹ với hàng loạt kiểu mẫu được thử nghiệm trên máy bay, tàu chiến, xe tải nhưng nếu nhìn vào lịch sử chính Liên Xô mới là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ đầu tiên trong lĩnh vực này.


1K17 "Compression", chiếc xe tăng không bao giờ hết đạn

Cỗ máy chiến đấu từng một thời là tuyệt mật của giới quân sự Liên Xô đã được phát triển từ những  thập niên 1970. 1K17 "Compression hay còn gọi là SLK về bản chất là một máy chiếu laser công suất cao đa tần lắp đặt trên khung thân một pháo tự hành  2S19 Msta-S.

Khí tài chống trinh sát quang học 1K17 "Compression.

Các kỹ sư Liên Xô đã sử dụng tới 30 kg "đá ruby nhân tạo" vốn là một loại tinh thể được chế tạo từ neodymium tráng bạc. 12 ống tạo tia với bước sóng 1064 nm sẽ được gộp vào trong một hộp thép đặt trên khung thân pháo tự hành Msta-S.

Nhiệm vụ của SLK là vô hiệu hóa các hệ thống trinh sát quang học của đối phương, cách thiết kế sử dụng tới 12 máy chiếu laser với các tần số khác nhau nhằm tránh trường hợp đối phương trang bị các bộ lọc ánh sáng ở những tần số nhất định.

Vào năm 1982, nguyên mẫu đầu tiên SLK 1К11 có tên mã là Stiletto đã tiến hành một cuộc thử nghiệm trong đó máy quét laser đã truy tìm và vô hiệu hóa thiết bị quang học giả định của đối phương, thậm chí trong một số trường hợp nó còn "đốt cháy" các thiết bị này.

Một năm sau nguyên mẫu thứ hai của SLK mang tên Sangvin thậm chí còn có màn trình diễn ấn tượng hơn khi nó đã phá hủy hoàn toàn thiết bị trinh sát quang học trên một trực thăng đang bay ở khoảng cách 10km, trong bán kính 8 km Sangvin có thể làm mù tất cả các điểm quan trắc quang học của đối phương.

Liên Xô từng dự định sử dụng laser năng lượng cao như một vũ khí phòng không.

Vào năm 1986, các nhà khoa học Liên Xô còn tạo ra một thiết bị tương tự có tên Sanguine có thể gắn lên các tàu quân sự. So với SLK, Sanguine có công suất còn mạnh hơn, nó được sử dụng cho các lực lượng đặc biệt khi muốn vô hiệu hóa các thiết bị quang điện tử được trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của đối phương.

Dù Liên Xô cố gắng giữ bí mật tuyệt đối chương trình SLK tuy nhiên Lầu Năm Góc vẫn có được thông tin do một kẻ đào tẩu tiết lộ. Sau biến cố 1991, chương trình SLK bị đình vô thời hạn, chỉ có hai nguyên mẫu của chương trình này còn tồn tại, trong đó 1 chiếc được trưng bày tại Bảo tàng Kỹ thuật Quân sự gần Moscow.

A-60 lá chắn tên lửa trên không của Liên Xô

Gần 20 năm trước khi Không quân Mỹ khởi động chương trình Boeing YAL-1 với mục đích tạo ra một khẩu súng laser công suất cao biết bay thì Liên Xô đã có một chương trình tương tự. A-60 là một máy bay vận tải IL-76 với máy phát laser công suất cao gắn ở mũi.

Mục đích của A-60 và YAL-1 khá là tương đồng khi chúng được sinh ra với mục đích bắn hạ tên lửa đạn đạo của đối phương ở giai đoạn đầu. Chúng đều có khả năng tác chiến ngay trên lãnh thổ của kẻ thù và khả năng bắn gần như không bao giờ hết đạn.

Nguyên mẫu A-60 của Liên Xô.

A-60 sử dụng hệ thống phát laser 1LK222 do tổ hợp TANTK tại Taganrog chế tạo. A-60 còn có một radar APU AI-24 dùng để tìm kiếm vào khóa mục tiêu. Chương trình A-60 được phát triển từ năm 1981. Trong 3 năm liền phức hợp này được dùng để thử nghiệm laser cho hệ thống vệ tinh quân sự Polyus (Skif DM) tuy nhiên chương trình bị công bố là thất bại vào tháng 5-1987.

Nguyên mẫu đầu tiên và duy nhất  chương trình A-60 của Liên Xô bị phá hủy trong một vụ hỏa hoạn tại Chkalovski vào cuối năm 1980 (có thông tin cho rằng vụ hỏa hoản xảy ra vào tháng 8-1999)

Và Boeing YAL-1 ra đời sau đó gần 20 năm.

Nga đã xây dựng lại một nguyên mẫu thứ hai vào năm 2009 được trang bị thiết bị phát laser Sokol-Eshelon (Falcon-Echelon). Bộ Quốc phòng Nga dự định sẽ thử nghiệm và xây dựng một phi đội gồm từ 10 đến 12 chiếc A-60.

Tương lai nào cho những vũ khí laser trong quân đội Nga

Liên Xô biến mất cũng khiến hàng loạt "kiệt tác" khoa học và quân sự như tàu sân bay Lenin, máy bay phản lực Yak-141, hay tàu vũ trụ Buran... trở thành dĩ vãng. Giới quân sự Nga đang cố gắng khôi phục một phần những dự án này tuy nhiên một trong những khó khăn lớn ngăn cản họ là kinh phí.

Kinh tế Nga gặp khó khăn do giá dầu giảm và cấm vận từ Phương Tây đang là rào cản để những kiệt tác khoa học quân sự Liên Xô quay trở lại. Quân đội buộc phải chọn những dự án những chương trình khả thi nhất hoặc có tính cấp bách cao hơn giữa hằng hà sa số các tham vọng của các nhà khoa học.

Riêng với dự án vũ khí laser thì vào tháng 8-2016, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nga Yuri Borisov từng tuyên bố quân đội nước này sẵn sàng tiếp nhận vài loại vũ khí như vậy vào trang bị. Song từ đó đến nay Nga chưa công bố thêm thông tin nào về sự tiến triển của những dự án như vậy.

Chương trình vũ khí laser năng lượng cao sẽ là nanh vuốt chính cho các căn cứ ngoài trái đất.

Chương trình A-60 thậm chí nhận sự nghi ngờ ngay trong nước. Nhà bình luận quốc phòng Igor Korotchenko từng nói với Vesti.ru về việc một loại vũ khí như A-60 sẽ được sử dụng trong thực tế. Ngoài rào cản về ngân sách khổng lồ mà nó cần để phát triển, thì A-60 có tính khả thi. 

Theo ông Korotchenko, một máy bay A-60 muốn tiêu diệt các tên lửa chiến lược của kẻ thù thì cần phải tiếp cận không phận của đối phương và điều đó dẫn tới khả năng nó bị tiêu diệt rất cao.

Nhiều chuyên gia quân sự thì cho rằng Nga chỉ nên phát triển vũ khí laser trang bị trên các tàu chiến hoặc phương tiện thiết giáp và cũng chỉ cần một số lượng nhất định chứ không phát triển trên tất cả các phương tiện một điều vốn chỉ có ngân sách quốc phòng như Mỹ mới kham nổi.

Hậu Nghệ
.
.
.