Nhóm tội phạm dùng chiêu “tráo sổ, tráo người”
Bằng các phương thức mới và kỳ công, Vũ Quý Lãm và đồng bọn đã thực hiện trót lọt hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng tại nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ riêng tại Đà Nẵng, các đối tượng đã gây ra 4 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 5,6 tỷ đồng. Do việc công chứng mua bán và sang tên sở hữu đất tại các Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện suôn sẻ nên có thể nhiều nạn nhân vẫn chưa biết mình bị lừa.
Làm giả sổ hồng để đánh tráo
Đại tá Võ Văn Lanh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP Đà Nẵng cho biết, Võ Quý Lãm (SN 1986, trú huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) giữ vai trò chủ mưu thực hiện các vụ lừa đảo. Còn Nguyễn Thị Hậu (1969, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là đồng phạm có vai trò tích cực nhất trong số các đối tượng tiếp tay cho Lãm. Nhóm lừa đảo này thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để đối phó với cơ quan chức năng, đồng thời tìm kiếm những “con mồi” mới.
Tháng 8-2020, Vũ Quý Lãm chỉ đạo Nguyễn Thị Hậu tìm “diễn viên” đóng vai chủ các lô đất cần bán và người thân như “kịch bản” đã từng thực hiện trót lọt trước đó ở một số địa phương khác. Khi biết Trần Văn Mão (1987, trú Sóc Sơn, Hà Nội) đang thất nghiệp và đang tìm kiếm việc làm, Hậu nói Mão vào Đà Nẵng sẽ có người giúp đỡ. Vài ngày sau, Mão đi xe khách vào đến Bến xe Trung tâm Đà Nẵng thì có một thanh niên lạ mặt đón rồi thuê nhà nghỉ cho Mão ở, mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt của Mão đều do người này chi trả, sau này Mão mới biết thanh niên kia là Vũ Quý Lãm. Ở được hơn một tháng, Lãm nói chưa có việc làm nên Mão quay về Hà Nội.
Cuối tháng 10-2020, Lãm đọc được tin ông H (trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang rao bán một lô đất với giá gần 3 tỷ đồng trên một trang web mua bán đất động sản. Trong tin đăng, ông H có đính kèm ảnh chụp 2 mặt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) và số điện thoại liên hệ. Lãm đã tải hình ảnh đó về để làm “nhái” một sổ hồng với nội dung tương tự. Theo “quy trình” quen thuộc, sau đó Lãm gọi điện hỏi mua lô đất và hẹn đến nhà ông H để thương lượng giá cả. Tại đây, Lãm đề nghị ông H cho xem bản chính sổ hồng. Khi ông H đưa sổ hồng cho Lãm xem, đối tượng giả vờ đang khát do đi đường xa và xin ông H cho ly nước.
Lợi dụng lúc chủ nhà xuống bếp lấy nước, Lãm nhanh tay đánh tráo sổ hồng giả đã chuẩn bị sẵn để lấy sổ hồng thật. Lãm giả vờ mặc cả rồi đồng ý mức giá mà ông H đưa ra, đồng thời đề nghị ông H cho chụp ảnh sổ hộ khẩu và CMND với lý do để soạn trước hồ sơ công chứng. Vì chủ ý lừa đảo ngay từ đầu nên đối tượng không đặt cọc trước như lệ thường mà hẹn sẽ thanh toán đủ số tiền khi hai bên ra công chứng việc mua bán đất.
Sau khi đánh tráo được sổ hồng và có thông tin về sổ hộ khẩu và CMND của ông H, Lãm nhắn tin cho Mão là đã tìm được việc, bảo Mão đón xe vào ngay Đà Nẵng. Đồng thời, Lãm yêu cầu Nguyễn Thị Hậu tìm gấp một người chừng 55 tuổi để đóng vai chủ đất. Hậu liên hệ với một người tên Bình nhờ tìm người theo yêu cầu của Lãm và hứa sẽ cho Bình 20 triệu đồng. Bình giới thiệu Đàm Xuân Khuê (SN 1963, trú xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) với Hậu. Vốn là một con nghiện đang cần tiền, nên khi nghe Hậu nhờ đứng tên chủ lô đất để làm thủ tục vay vốn ngân hàng, Khuê liền đồng ý. Hậu mua vé máy bay, cùng Khuê nhanh chóng vào Đà Nẵng để gặp Lãm, chuẩn bị cho một vụ lừa đảo mới.
Tại Đà Nẵng, Hậu nhanh chóng chụp ảnh, lấy dấu vân tay của Đàm Xuân Khuê để phục vụ việc làm giả sổ hộ khẩu, làm giả CMND mang tên ông H. Nhằm mục đích kéo dài thời gian, không để ông H bán lô đất cho người khác, Lãm liên hệ với ông H, đưa ra lý do để trì hoãn việc ra công chứng như đã thỏa thuận. Mặt khác, với lý do “cần bán gấp do vỡ nợ”, Lãm đăng tin trên nhiều trang web rao bán lô đất trên với giá thấp hơn khoảng 30% so với giá thị trường. Nhiều khách hàng quan tâm đến lô đất đã liên hệ hỏi mua, trong đó có anh K (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Lúc này, Khuê được hướng dẫn đóng vai chủ lô đất, Lãm đóng vai con trai của chủ đất để gặp anh K. Sau khi gặp “chủ đất” và được xem các giấy tờ có liên quan, anh K nhanh chóng quyết định mua lô đất trên với giá 2,142 tỷ đồng. Lãm và Khuê hẹn anh K sáng 5-11-2020 ra công chứng, hoàn tất thủ tục mua bán.
Sáng 5-11, Lãm không cùng đồng bọn đến phòng công chứng mà đi riêng và ở bên ngoài, đề phòng nếu bị bại lộ thì nhanh chóng lẩn trốn, mặc kệ đồng bọn. Lãm dặn Mão nếu người mua đất hỏi con trai của chủ đất đâu thì trả lời là bận không đến được nên có cháu, tức Mão đi cùng. Lãm dặn khi nào giao dịch xong thì Mão lấy tiền bỏ vào ba lô mang ra giao cho Lãm, Mão không cần đếm tiền kỹ mà chỉ cần đếm theo cọc.
Mọi việc tại văn phòng phòng công chứng diễn ra suôn sẻ như dự tính của các đối tượng lừa đảo. Nhân viên công chứng không phát hiện được giấy CMND và sổ hộ khẩu giả mạo nên đã làm hợp đồng công chứng việc mua bán. Bên mua là anh K đưa trước cho Khuê và Mão số tiền 1,7 tỷ đồng. Mão nhận tiền xong rồi cùng Khuê ra về đưa tiền cho Lãm. Số tiền còn lại, anh K hẹn sẽ chuyển qua tài khoản. Đầu giờ chiều 5-11-2020, Lãm bảo Mão dẫn Khuê đến ngân hàng ACB chi nhánh Sơn Trà (Đà Nẵng), dùng giấy CMND giả mang tên ông H để mở tài khoản và dùng số điện thoại đã liên lạc với bên mua đất để đăng ký dịch vụ Mobile Banking, sau đó nhắn số tài khoản và bên mua đất đã chuyển tiếp số tiền 442 triệu đồng. Số tiền này, Lãm cho Hậu và các “diễn viên” trong màn kịch một phần nhỏ, Lãm nhận lấy phần lớn…
Công chứng viên vạch mặt kẻ gian
Tự tin hành vi lừa đảo của mình chưa bị phát hiện, sau một thời gian, Lãm tiếp tục đến Đà Nẵng để hoạt động. Tháng 2-2021, Lãm và Hậu đã thuê Nguyễn Văn Hà (SN 1989, trú xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) giả mạo chủ đất là ông D, lừa bán một lô đất tại quận Liên Chiểu cho bà T (trú tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chiếm đoạt số tiền 1,78 tỷ đồng. Tháng 3-2021, các đối tượng tiếp tục thuê Nguyễn Thị Hoàn (SN 1985, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội), Văn Hữu Thuận (SN 1979, trú TP Pleiku, tỉnh Gia Lai đóng giả vợ chồng ông N, lừa bán đất cho vợ chồng ông T, chiếm đoạt 1,67 tỷ đồng. Do không biết bị lừa, một khách hàng tiếp tục rao bán lô đất đã mua lên các trang web mua bán nên người chủ đất thật sự biết được, trình báo cơ quan Công an.
Tiến hành xác minh, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Đà Nẵng phát hiện một giao dịch đất đai bất thường ở quận Liên Chiểu. Theo đó, chủ sở hữu thật sự không hề bán đất và đang giữ sổ hồng giả, còn sổ hồng mà bên mua đất đang nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai để sang tên lại là sổ hồng thật. Trong lúc cơ quan Công an đang điều tra vụ án thì cuối tháng 4-2021, một vụ lừa đảo mua bán đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn bị chặn đứng nhờ sự cảnh giác của công chứng viên Văn phòng công chứng H.
Vào thời điểm trên, công chứng viên Văn phòng Công chứng H đang làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thấy đôi vợ chồng đứng tên trong sổ hồng bán đất có biểu hiện lo lắng, căng thẳng. Sau vài câu hỏi thăm dò cả bên bán và bên mua, công chứng viên nghi ngờ nên không thực hiện ngay việc công chứng và nói rằng cần kiểm tra lại thông tin cá nhân. Lo sợ hành vi lừa đảo bị phát hiện, đôi vợ chồng bán đất chạy khỏi phòng công chứng, bỏ lại sổ hồng cùng sổ hộ khẩu và CMND. Nhận được thông tin về vụ việc, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Đà Nẵng đã khẩn trương vào cuộc. Kết quả xác minh cho thấy, các đối tượng đã đánh tráo sổ hồng, sử dụng thông tin của chủ lô đất để làm sổ hộ khẩu và CMND giả. Tuy nhiên, dấu vân tay của đối tượng trong CMND và trên hợp đồng công chứng là trùng khớp với nhau. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan Công an đã xác định 2 đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ lừa đảo là Nguyễn Văn Tĩnh (SN 1976) và Lê Thị Thu Thủy (SN 1982, cùng trú huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi hành vi lừa đảo bị bại lộ, các đối tượng đã bỏ trốn. Qua truy xét, đến tháng 6-2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt giữ được hai đối tượng này.
Tĩnh và Thủy khai nhận đã được Lãm và Hậu thuê đóng vai chủ đất để lừa bán lô đất tại quận Ngũ Hành Sơn cho người khác với giá 1,4 tỷ đồng. Trong đó, Hậu là người chủ động đặt vé máy bay, khai báo y tế và hướng dẫn cho các đối tượng giả mạo luyện ký chữ ký giả, nhái chữ ký của chủ đất thật, đồng thời chụp ảnh, lấy vân tay của Tĩnh và Thủy để làm CMND giả, hướng dẫn các đối tượng đóng giả chủ đất thực hiện giao dịch tại các phòng công chứng…
Từ vụ việc này, cơ quan Công an đã lần ra nhiều đối tượng đường dây lừa đảo do Lãm và Hậu cầm đầu. Trước và sau khi thực hiện 4 vụ lừa đảo tại Đà Nẵng như trên, Lãm và đồng bọn đã thực hiện 12 vụ lừa đảo khác tại Hà Nội, 1 vụ ở Khánh Hòa, 1 vụ ở Lâm Đồng và một số vụ khác ở các tỉnh miền Tây. Riêng Vũ Quý Lãm từ tháng 7-2020, đã bị Công an TP Hà Nội truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong khi bỏ trốn, đối tượng tiếp tục thực hiện các vụ lừa đảo tại Đà Nẵng và một số địa phương khác với cùng phương thức, thủ đoạn.
Ngày 30-12-2021, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố bị can, bắt giữ các đối tượng trong đường dây lừa đảo gồm các đối tượng: Đàm Xuân Khuê, Văn Hữu Thuận, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Thị Hoàn. Công an TP Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa và Công an TP Hà Nội tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Văn Mão và Nguyễn Thị Hậu. Mão và Hậu là 2 bị can trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác bị Công an hai tỉnh thành này đang thụ lý; Khuê đang bị tạm giam tại Bắc Giang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Công an Đà Nẵng cũng tiến hành truy nã đối với Vũ Quý Lãm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý các đối tượng khác có liên quan.
Cơ quan điều tra yêu cầu còn ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo trên, liên hệ Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Đà Nẵng để cung cấp thông tin.