Va chạm giao thông gây… trọng án

Thứ Năm, 31/12/2015, 15:15
Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ án mạng liên quan đến va chạm giao thông, bồi thường hư hỏng phương tiện khiến dư luận giật mình. Giật mình vì thấy mạng người quá nhỏ nhoi. Và ngạc nhiên vì nhiều cái chết đến từ những nguyên nhân lãng xẹt?

Thay vì nhường nhịn bỏ qua cho nhau hoặc nhờ lực lượng chức năng giải quyết thì nhiều người lại lao vào "choảng" nhau đến chết, chẳng khác nào những sinh vật máu lạnh thời tiền sử!

Khi cơn hăng máu lên ngôi

Đã không ít vụ va chạm giao thông diễn ra và hậu quả của nó không chỉ khiến phương tiện bị hư hại mà còn gây ra những vụ hỗn chiến đổ máu, thậm chí dẫn đến án mạng. Đáng buồn hơn, sự việc đau lòng này diễn ra ngày càng nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bây giờ ra đường, người ta vô cùng sợ va chạm giao thông. Chỉ sơ sảy một chút là chẳng biết sẽ đến đâu bởi ngày càng nhiều người tỏ ra manh động, thích thể hiện trước người khác.

Anh Phạm Văn Phường, 25 tuổi, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre lưu thông trên đoạn đường thuộc xã Thành Thới A, Mỏ Cày Nam về xã Ngãi Đăng thì bất ngờ xảy ra va quệt giao thông với xe máy của Huỳnh Văn Phương và Lê Văn Tèo người địa phương đi theo chiều ngược lại. Sau cú va chạm, các đối tượng nổi máu côn đồ vây đánh anh Phường. Mặc dù người dân can ngăn, nhưng hai tên Phương và Tèo chạy vào nhà dân lấy dao đâm anh Phường tử vong tại chỗ. Gây án xong, cả hai lên xe máy bỏ trốn khỏi hiện trường với tốc độ cao và tiếp tục gây ra vụ va chạm với một xe khác khiến cả hai ngã xuống đường. Phương bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, còn Tèo đã bị Công an bắt giữ ngay sau đó.

Nguyễn Trung Hậu tại cơ quan Công an.

Trước đó, chiều 13-7, Nguyễn Trung Hậu 31 tuổi, Việt kiều Mỹ, điều khiển xe gắn máy chở vợ là Lưu Yến Châu lưu thông trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TP Hồ Chí Minh thì va chạm với xe gắn máy do anh Nguyễn Đăng Long ngụ quận 10 cầm lái. Hai bên xảy ra cự cãi. Bị Hậu và bạn tên C. đuổi đánh, anh Long đã gọi điện kêu người đến giúp. Khi anh Long cùng bạn trở lại hiện trường thì bị Hậu dùng dao thủ sẵn trong người đâm một nhát. Anh Long được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Sau khi gây án, Hậu chạy về nhà vợ trên phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, lẩn trốn thì bị bắt.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh, ngày càng có nhiều vụ trọng án xuất phát từ va chạm giao thông. Đặc biệt, không chỉ có thanh niên hư hỏng, các đối tượng côn đồ mà ngay cả những người dân bình thường, có học thức cũng có thể gây án khi mất bình tĩnh. Va chạm là tình huống giao thông xảy ra như cơm bữa trên các tuyến đường nội thị với mật độ xe đông đúc. Dường như không có một ai chưa từng là người trong cuộc của các vụ va chạm, không to thì nhỏ. Chuyện ai đúng ai sai thì tùy tình huống có sự đánh giá riêng. Nhưng cái đáng bàn trước hết chính là cách ứng xử của chúng ta sau khi xảy ra va chạm.

Thực tế, những sự việc chẳng có gì mà dẫn đến tai nạn là tại cả đôi bên. Nhiều thanh niên bây giờ đi ra đường luôn mang sẵn "hàng" để… tiện sử dụng! Khi đã có vũ khí trong người, họ không còn biết sợ, chẳng coi ai ra gì, thậm chí chủ động gây va chạm để đánh nhau cho sướng? Câu nói "chuyện to hay nhỏ, âu cũng là do mình" có lẽ thật thích hợp trong cách ứng xử của mỗi người sau khi xảy ra va chạm. Qua một số vụ việc kể trên, người ta dễ dàng nhận thấy, không chỉ tai nạn giao thông mới có thể cướp đi mạng sống của người tham gia giao thông. Rõ ràng cách hành xử giữa những người đi đường với nhau cũng có thể khiến người ta mất mạng.

Đòi tiền "được" mất mạng

Cảnh người va chạm giao thông to tiếng, thậm chí là ẩu đả đã không còn là chuyện hiếm của giao thông nước ta. Sau va chạm, việc đầu tiên của nhiều người sẽ là "làm ầm lên" với người kia, không cần biết là mình đúng hay sai? Họ ra sức trách cứ, mắng mỏ, kêu gào về những rắc rối của họ đang phải gánh chịu từ người kia. Nếu người còn lại cũng tức tối, hơn thua thì xô xát chỉ còn là vấn đề thời gian. Bên cạnh đó, người ta còn chứng kiến rất nhiều kiểu "ăn vạ" sau khi bị va chạm trên đường. Họ làm vậy để đòi tiền bồi thường một cách quá đáng và cũng là nguyên nhân dẫn đến án mạng đau lòng.

Hiện trường vụ án ngày 27-12 xuất phát từ va chạm giao thông.

Điển hình, lúc 16 giờ ngày 27-12, anh H.H. quê Quảng Bình, T.V.K quê Quảng Trị và H.Đ. là anh trai của H., điều khiển xe máy lưu thông trên đường ĐT 743 đoạn qua KP3, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương, đã xảy ra va chạm giao thông với một người đàn ông khiến xe máy bị hư hỏng. Sau đó, người này cùng nhóm của anh K. tới tiệm sửa xe để sửa. Trong quá trình sửa xe, do phát sinh mâu thuẫn về tiền sửa xe nên giữa hai bên xảy ra cãi nhau dẫn đến xô xát, cả hai bên dùng thanh sắt, tuốc-nơ-vít lao vào nhau… Do vết thương quá nặng, anh K. và anh H. tử vong tại chỗ, còn anh Đ. bị thương nặng.

Anh Nguyễn Văn Lượm, chủ tiệm sửa xe, kể lại: Chiếc xe của H. được anh Lượm sửa xong với chi phí hết 480.000đ, người đàn ông gây tai nạn đã trả số tiền nói trên. Tuy nhiên, phần dè trước của xe anh H. bị nứt nhưng tiệm không có phụ tùng để thay mới nên anh Lượm nói với H. rằng, anh đến hãng để thay với giá 130.000đ.

Anh Lượm đang sửa xe máy cho người dân.

Thấy anh Lượm gọi điện lên hãng để hỏi giá, anh H. kéo anh vào bên trong và dặn cứ báo giá cho người đàn ông kia là thay dè trước hết 600.000đ, H. sẽ lấy 500.000đ và "thưởng" cho anh Lượm 100.000đ. Tuy nhiên, anh Lượm không đồng ý vì sợ làm vậy sẽ mất khách. Sau đó, anh H. ra ngoài, kêu người đàn ông gây tai nạn đưa tiền để H. đem xe đến hãng sửa. Người đàn ông gây tai nạn nói với anh H. là ông không còn tiền và yêu cầu H. hoặc ai đó đi cùng mình về nhà lấy tiền nhưng không được nhóm H. đồng ý.

Lúc này, có một người bạn của người đàn ông gây tai nạn chạy xe máy đến và thương lượng với nhóm của H. Anh Đ. cũng lấy điện thoại ra gọi cho một thanh niên tên L. đến để gây áp lực. Sau một hồi thương thuyết bất thành, giữa hai bên xảy ra cự cãi. "Nhóm của H. và Đ. vào trong quán giật mấy thanh sắt của tôi làm vũ khí để đánh nhau. Khi tôi gom đồ xong và chạy ra để can ngăn thì thấy K. đã nằm gục ngay trước cửa tiệm. Đ. và H. nằm gục trên vũng máu cách tiệm tôi vài chục mét" - anh Lượm cho biết thêm.

Một điều nhịn, chín điều lành

Theo một chuyên gia tâm lý học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Một trong những nguyên nhân chính do con người ngày nay chịu sức ép quá lớn về thời gian, căng thẳng thậm chí là stress trong cuộc sống. 

Khi ra đường, họ muốn đi một cách nhanh nhất để giải quyết công việc. Khi va chạm giao thông do bị căng thẳng áp lực sau một ngày làm việc mệt nhọc nên đã không kiềm chế được. Do không làm chủ được cảm xúc, hành vi của mình, họ sẵn sàng "bùng nổ" gây hấn, mắng chửi người va quệt vào mình, rất dễ mất bình tĩnh. Nếu con người hiểu biết pháp luật, trưởng thành và mạnh mẽ trong suy nghĩ, sống có mục đích, họ sẽ rất trân trọng cuộc sống của mình và của người khác, với những chuyện nhỏ như va chạm trên đường, họ có thể giải quyết một cách êm đẹp.

Nhóm bị cáo từng bị xét xử về hành vi giết người sau va chạm giao thông.

Trong những năm gần đây, lực lượng Công an đã khám phá, thu giữ hàng trăm nghìn vũ khí các loại. Kiểm tra cốp xe gắn máy nhiều đối tượng phát hiện dao, kiếm, thậm chí cả súng. Khi xảy ra va chạm, có vũ khí trong tay, mức độ hung hãn lại càng trở nên nguy hiểm. Chỉ những va quệt nhẹ, nhưng nhiều người đã biến nó thành sự hằn học, hận thù… Những cái chết và nỗi đau cũng bắt đầu từ đó.

Hiện nay, vấn đề phòng vệ và ứng xử ra sao khi đi đường được đông đảo người dân quan tâm. Để giảm thiểu những va chạm không đáng có, những cái chết thương tâm từ va chạm giao thông không chỉ cần mỗi người tạo cho mình văn hóa tham gia giao thông, biết nói lời xin lỗi, mà cần có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Rất nhiều người khi xảy ra va chạm giao thông, chỉ vì một phút nóng giận mà trở thành tội phạm. Và nếu như tất cả người dân ai cũng chấp hành tốt Luật Giao thông thì việc va chạm, gây tai nạn sẽ hạn chế đi nhiều.

Trong trường hợp không may phương tiện có va chạm, mọi người nên bình tĩnh, cùng đứng lại để giải quyết cho ổn thỏa hoặc thông báo cho Cảnh sát giao thông, Công an nơi gần nhất. Ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân hiện nay còn rất kém. Lái xe với tốc độ cao, vượt đèn đỏ, không đội  mũ bảo hiểm, kẹp 3 , kẹp 4, rẽ không xi nhan, bóp còi inh ỏi... là các lý do khiến các vụ tai nạn, va chạm xảy ra. Nhiều trường hợp, sau khi gây tai nạn, người gây tai nạn còn cố tình bỏ chạy để trốn trách nhiệm.

Cần phải nói rằng, trong bất cứ trường hợp nào, nếu mọi người có cách ứng xử lịch sự, nhã nhặn với nhau thì sự việc sẽ được giải quyết ở mức tổn thương giảm thiểu. Va chạm nào trên đường cũng là những sự cố đáng tiếc. Nhưng sau đó, người tham gia giao thông hành xử như thế nào mới là quan trọng. Phương tiện hỏng hóc ít nhiều, đều có thể sửa chữa lại. Một khi sự việc xảy ra, ít nhiều có lỗi của mình. Thế nên, thượng sách là xin lỗi, bỏ qua, đi cho lành.  Ngược lại, ganh đua đúng - sai, cãi vã, đánh lộn lẫn nhau, có khi mất mạng. Ngay cả khi bắt nguồn từ một hành vi vi phạm giao thông nhưng xảy ra va chạm là chuyện không một ai mong muốn. Vì vậy, sự thông cảm từ phía người bị va chạm và sự áy náy, lo lắng đến đối phương của người gây ra va chạm nên là suy nghĩ nền tảng.

Bên cạnh đó, cần tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Nếu có va chạm, đặc biệt là chỉ va chạm nhẹ thì phải hết sức bình tĩnh để xử lý tình huống. Nếu cần thiết thì nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng. Không nên vì một việc nhỏ mà chửi bới, xúc phạm hay hành hung người khác. Các cơ quan chức năng cũng cần phải xử phạt thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Giao thông, và cả các trường hợp vì va chạm giao thông mà hành hung người khác để răn đe các đối tượng có ý định vi phạm.

Đức Mừng
.
.
.