Phải ngăn chặn tình trạng giải quyết mâu thuẫn bằng… giang hồ

Thứ Năm, 04/05/2017, 17:20
Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi nhóm đối tượng sử dụng tuýp sắt, cây ba chỉa, bình xịt hơi cay xông vào quán kem nhãn Chú Tám trên đường Trương Hán Siêu, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh đập phá đến nay quán vẫn đóng cửa im ỉm. Anh Giang Kim Đạt (37 tuổi, chủ quán) cho hay "Chỉ sợ mở cửa ra các nhóm đối tượng lại trở lại quậy phá thì có nước mất khách dẹp tiệm luôn".

Theo lời của anh Đạt, khoảng 23h ngày 23-4, nhân viên của quán kem nhãn chuẩn bị đóng cửa thì có hơn 10 thanh niên cầm tuýp sắt, cây ba chỉa, bình xịt hơi cay xông vào quán đập phá bàn ghế, nồi cơm điện, tủ kính. Chưa dừng lại, một trong số thanh niên này đã sử dụng bình xịt hơi cay xịt thẳng vào phía trong của quán khiến 7 người dính hơi cay bị bỏng rát, trong đó có 2 đứa con gái 6 và 19 tháng tuổi, con anh Đạt.

Vụ việc khiến anh Đạt nghi ngờ có khả năng do cạnh tranh buôn bán không lành mạnh. Cuối năm 2016, anh Đạt nhận nhượng lại quán kem nhãn Chú Tám kinh doanh thì cạnh quán anh có một quán kem nhãn khác mở ra. Quán anh Đạt và quán kem nhãn số 4 đã thương lượng với nhau là khách dừng xe ở quán nào thì vào quán đó ăn, không chèo kéo khách.

Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó "qui ước" trên bị phá bỏ, quán kem nhãn số 4 liên tục chèo kéo khách khiến anh Đạt bức xúc và xảy ra lớn tiếng với người bên quán kem số 4. Vụ mâu thuẫn đêm 3-1, anh Đạt bị đánh thương tích vùng đầu, tay, chân. Vụ việc giằng co thêm nhiều lần nữa, đỉnh điểm là tối 13-4, do bức xúc, anh Đạt đánh nhân viên quán kem nhãn số 4, sau đó mang quà sang xin lỗi. Tưởng mọi chuyện êm xuôi thì tối 23-4, lại xảy ra vụ việc nói trên.

Hiện Công an quận 1 đã xác định được danh tính  của các đối tượng, bắt được một đối tượng tên Phan Thanh Vàng (25 tuổi, quê Hậu Giang) để điều tra về hành vi "hủy hoại tài sản". Các đối tượng trong nhóm quậy phá quán anh Đạt được xác định hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê núp bóng dưới hình thức hoạt động kinh doanh game bắn cá, cầm đồ. Nhóm đối tượng này chủ yếu sống tại khu vực phường 1, 2 quận Bình Thạnh.

Các đối tượng quậy phá quán kem đang bị truy nã.

Cũng rơi vào tình cảnh như anh Đạt là bà N.T.X. (62 tuổi, ngụ phường 3, quận Bình Thạnh, chủ quán cà phê M.Đ ở khu chung cư Miếu Nổi). Không nghề nghiệp, một mình nuôi con nên bà X. chọn  cách buôn bán nước giải khát tại khu vực chung cư. Làm ăn khấm khá, bà thuê mặt bằng để mở quán giải khát M.Đ..

Vào thời điểm bà X mở quán thì các quán cà phê tại khu Miếu Nổi cũng mọc lên tạo thành một dãy quán cà phê xôm tụ. Trải qua mười mấy năm kinh doanh, chưa hề xích mích cạnh tranh với ai nhưng một năm gần đây, quán cà phê của bà X. liên tục gặp rắc rối.

Bắt đầu từ việc quán cà phê cạnh quán bà X. sang chủ, những mâu thuẫn nhỏ nhặt bắt đầu xảy ra liên quan đến việc đón khách, chỗ đậu xe. Bà X. và người chủ mới của quán kế bên qua lại nói chuyện để giải quyết cho công việc kinh doanh ổn thỏa. Tuy nhiên những mâu thuẫn nhỏ nhặt cứ liên tiếp xảy ra.

Tối 12-10-2016, một khách quen dẫn bạn đến quán bà X. uống cà phê thì  ba thanh niên từ quán bên cạnh cầm ba chiếc ghế chạy sang đuổi đánh gây náo loạn cả tuyến đường. Sau đó 10 ngày, một nhóm đối tượng đi trên xe taxi cầm hung khí lao vào quán bà X. đập phá đồ đạc trong quán, dùng bình xịt và roi điện tấn công nhân viên giữ xe của quán.

Thuê mướn giang hồ, "xã hội đen" để giải quyết mâu thuẫn, đòi nợ, cạnh trạnh dẫn đến thương tích cho đối thủ đang có chiều hướng gia tăng, với tính chất manh động và phức tạp. Một điều đáng báo động khác là các băng nhóm hoạt động theo dạng đòi nợ thuê liên tiếp xuất hiện.

Không chỉ kéo băng nhóm "đánh lấy tiếng", hiện nay xuất hiện thêm một hình thái hoạt động mới của các băng nhóm xã hội đen chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê để nhiều người biết đến khi có nhu cầu, đó là đăng thông tin "rao" dịch vụ đòi nợ thuê trên mạng xã hội.

Để "thu hút" người có nhu cầu thuê người giải quyết mâu thuẫn, trả thù cá nhân các nhóm đối tượng lập các trang mạng xã hội, thành lập luôn diễn dàn một cách công khai. Sau khi khách có nhu cầu sẽ liên hệ trực tiếp qua số điện thoại, 2 bên sẽ bàn bạc xác định mức độ "nặng nhẹ" của thương tích, rồi mới thống nhất giá cả. Các nhóm đối tượng còn công khai khoe thành tích, khoe hung khí sử dụng khi thực hiện các bản hợp đồng đòi nợ thuê, dằn mặt đối thủ cạnh tranh của khách hàng.

Ngoài ra, trên những trang mạng xã hội này còn công khai lôi kéo những thành phần khác tham gia với nhóm của mình. Nhan nhản những lời rao vặt như "chuyên đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, giá phải chăng" hay "dịch vụ giải quyết mâu thuẫn", thêm vào những lời rao này là những dòng ghi chú: uy tín, chất lượng, đảm bảo bí mật, không làm lộ thông tin khách hàng, giải quyết tùy theo nhu cầu mức độ mà khách hàng yêu cầu, xong việc mới nhận tiền…".

Tâm lý e ngại, sợ bị trả thù của một số nạn nhân khi đối đầu với các nhóm xã hội đen nên hầu hết nạn nhân không dám đứng ra tố cáo mà thường chấp nhận các yêu cầu, yêu sách của chúng để được làm ăn yên ổn. Đa phần những vụ trọng án “đâm thuê chém mướn” liên quan tới quyền lợi cá nhân, khi lợi ích của bản thân bị xâm phạm, các đối tượng đã chọn cách hành xử kiểu "giang hồ" để xử lý khiến nạn nhân hoang mang, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Không còn là hiện tượng, giờ đây hoạt động theo dạng xã hội đen đang là nỗi lo lắng của nhiều người, nhất là các hộ kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, dễ dẫn đến việc thuê người để làm hại lẫn nhau khiến an ninh trật tự trong xã hội bất ổn.

Mạnh Đức-Văn Hào
.
.
.