Thăng tiến “thần tốc” và bài học về công tác cán bộ

Thứ Hai, 17/04/2017, 08:12
Thời gian vừa qua, “thần tốc” là thuật ngữ được báo chí sử dụng nhiều với cái nghĩa tiêu cực trong công tác cán bộ của một số cơ quan đơn vị ở nhiều nơi trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Dư luận xôn xao trường hợp Trần Vũ Quỳnh Anh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Thanh Hóa được thăng tiến “thần tốc”. Sinh năm 1986, từ nhân viên tạp vụ, trong một thời gian ngắn, Quỳnh Anh từ chuyên viên đã lên chức Trưởng phòng và còn tiếp tục được quy hoạch chức danh Phó Giám đốc sở.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ra nghị quyết cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách ở T.Ư đối với ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, theo nguyện vọng của ông này.

Từ ngày 20-3 đến 15-8-2013, trong vòng 5 tháng, ông Cảnh từ chủ một doanh nghiệp tư nhân đã “thần tốc” trở thành Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh Bình Định. Sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội, đến ngày 28-11-2014,

Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn thông báo đồng ý chủ trương điều ông Cảnh về làm Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Dư luận cũng đặt ra nhiều băn khoăn trước việc bổ nhiệm “thần tốc” ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương đối với ông Phạm Văn Kháng. Ông Kháng được tiếp nhận về công tác tại Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) kể từ ngày 15-2-2016 theo QĐ số 02/QĐ – SNV ký ngày 3-2-2016.

Theo quyết định bổ nhiệm không qua thi tuyển công chức, ông Kháng được xếp ngạch chuyên viên mã số 01.003, bậc 3, hệ số lương 3.00 kể từ ngày nhận công tác. Cùng ngày, Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã có QĐ số 308 về việc tiếp nhận bổ nhiệm cán bộ đối với ông Phạm Văn Kháng vào vị trí Phó trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động. Thời hạn giữ chức vụ 5 năm (kể từ ngày 15-2-2016 đến 15-2-2021). Ông Kháng được hưởng phụ cấp 0,3 kể từ ngày được nhận bổ nhiệm.

Rồi ở những cơ quan khác như Bộ Công Thương, theo kết luận của cơ quan chức năng ngoài Trịnh Xuân Thanh còn bổ nhiệm sai 96 trường hợp, Sở NN&PTNT Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 trường hợp. Liệu còn bao nhiêu cơ quan, địa phương, những hiện tượng thăng tiến “thần tốc”, bổ nhiệm “thần tốc” như thế chưa được phát hiện, xử lý?

Vậy với những trường hợp như trên, đâu là nguyên nhân? Dư luận đặt ra câu hỏi, suy diễn sự việc ra theo nhiều hướng khác nhau, có thể là có “ông nọ, người kia” chống lưng, dùng tiền mà “chạy chức, chạy quyền”, tham ô, tham nhũng trong công tác cán bộ thì mới thăng tiến “thần tốc” như vậy, hay “chỉ có thần tiền mới làm được”? Kết quả cụ thể một số trường hợp sai phạm đã được kết luận, có trường hợp cơ quan chức năng đang tiếp tục vào cuộc làm rõ.

Những sự việc trên, rõ ràng công tác cán bộ còn nhiều tồn tại, để lại những hậu quả nghiêm trọng, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Những người vì “tư lợi”, “tình riêng” “con ông cháu cha”, tham ô, tham nhũng… từ công tác cán bộ. Họ không xuất phát từ lợi ích chung, vì công việc mà quy hoạch, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ sai quy định, quy trình, “nhắm mắt” làm liều, bổ nhiệm chức quyền ấy cho người không đủ tiêu chuẩn là vì “tư tình”, lợi ích riêng, không thế thì cũng là tạo ê kíp để củng cố cái ghế quyền lực của mình thật chắc. Đây là một dạng nghiêm trọng của suy thái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra.

Đối với cá nhân dùng tiền, dùng những hình thức tiêu cực khác để có quyền, có “ghế”, có vị trí thật nhanh, thật cao… là con người “tham quyền”. Trong những trường hợp này thì “vị trí ấy”, cái quyền ấy không hợp với lòng dân, không dân chủ. Vậy những quyết sách, việc làm của quan “tham quyền”, “thần tốc” như vậy với danh nghĩa là thực thi công vụ, vì lợi ích của dân có phù hợp với lợi ích nguyện vọng của dân? Những việc làm cho dân ấy liệu có gắn những lợi quyền của cá nhân? “Quan” tham quyền mà tại vị ở đó, “nhầm ghế” thì thật là tai hại.

Bên cạnh đó, những cán bộ, đảng viên khác những người có năng lực, có tâm huyết, có đạo đức vì những việc như trên mà bị loại ra, không được đề bạt, bổ nhiệm, không được nhìn nhận một cách đúng mức, họ cũng “tâm tư”, chán nản. Nhiều người không vững vàng về tư tưởng chính trị, qua đó mà suy nghĩ tiêu cực, bi quan, bè phái, mất đoàn kết, nhiều trường hợp bị kích động trở thành kẻ chống đối, cơ hội chính trị,  “trở cờ”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ở một khía cạnh khác, có những trường hợp như Kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ công bố từ năm 2011 – 2014, Bộ Công Thương đã bổ nhiệm sai 96 trường hợp, có những trường hợp diễn ra vẫn “đúng quy trình”, vẫn đưa ra cấp ủy, tổ chức mà không đủ tiêu chuẩn. Song cấp ủy, cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám đấu tranh, không dám nói thật, nói thẳng vì sợ, vì nể nang hay vì những lý do khác nhau… cũng là một hình thức tiếp tay cho những sai phạm nêu trên.

Song nguy hại hơn, qua những sự việc nêu trên đã tạo dư luận xấu, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào công tác cán bộ, vào chế độ; tạo điều kiện để các thế lực thù địch xuyên tạc vào đường lối độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò làm chủ của nhân dân.

Thực tế qua những sự việc vừa qua cho thấy, những nơi không có dân chủ trong Đảng thường đi đôi với lãnh đạo, quản lý gia trưởng, thậm chí độc đoán chuyên quyền. Có tình trạng dân chủ không đi đôi với kỷ luật, kỷ cương điều lệ Đảng, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, chấp hành nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ bất chấp nguyên tắc, quy định. Có như vậy vì nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng bị vi phạm.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng. Nguyên tắc quy định mọi công việc của Đảng đều phải đưa cho toàn thể đảng viên bàn bạc một cách hoàn toàn dân chủ, rồi tập trung mọi ý chí và hành động của từng tổ chức Đảng cho tới đảng viên vào các trung tâm lãnh đạo của từng cấp.

Những trung tâm đó không bao giờ là một cá nhân mà là một tập thể đã được toàn thể đảng viên trong tổ chức Đảng lựa chọn và bầu cử bằng phiếu kín, không chịu áp lực của bất cứ thế lực nào. Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó khi vận dụng vào công tác cán bộ, không cho phép bất cứ cá nhân nào thao túng để mưu tính lợi riêng. Thảo luận công việc thì hoàn toàn tự do, không ai cấm ai được nói hết ý của mình nhưng khi biểu quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số, có biên bản ghi chép và được đọc lại cho toàn chi bộ nghe rõ.

Ai cần bảo lưu ý kiến được ghi vào biên bản, báo cáo cấp trên xem xét. Nguyên tắc "tập trung dân chủ" không cho phép bất cứ đảng viên nào được nói và làm trái nghị quyết chung. Khi cấp ủy bàn bạc để triển khai nghị quyết của tổ chức Đảng thì phải thực hiện "Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Không ai có quyền "xông" vào lĩnh vực mình không được tập thể phân công.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tập trung dân chủ trong Đảng chặt chẽ, biện chứng với tập trung dân chủ ngoài xã hội nhằm xây dựng được một cơ chế quản lý tập trung và phân cấp hợp lý trong toàn hệ thống chính trị.

Thực hiện dân chủ trong Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề căn cơ trong công tác cán bộ tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ bí thư, cấp ủy viên các cấp về vai trò, bản chất, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định liên quan đến nguyên tắc tập trung dân chủ trong các quy định. Nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực hiện theo đúng tinh thần của Điều lệ Đảng, đồng bộ với các nguyên tắc phê bình và tự phê bình, đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Hai là, phát huy sức chiến đấu của tổ chức Đảng, vai trò của cán bộ, đảng viên phê bình và tự phê bình. Mỗi cán bộ, đảng viên có quyền tham gia quyết định công việc của Đảng, được chất vấn, phê bình trong phạm vi tổ chức về hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên ở mọi cấp; quyền được thông tin, thảo luận, nêu ý kiến riêng, được bảo lưu ý kiến và trình bày ý kiến trong tổ chức Đảng. Tuy nhiên, thiểu số phải phục tùng đa số, khi Đảng đã có nghị quyết thì mỗi đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết.

Tổ chức Đảng, đảng viên chấp hành nghiêm túc các quy định về chế độ báo cáo, chế độ tự phê bình và phê bình. Cán bộ, đảng viên được bầu chọn đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo phải chịu sự giám sát của tổ chức và đảng viên, phải báo cáo hoạt động trước tổ chức đã bầu ra mình, thường xuyên báo cáo tình hình của tổ chức và hoạt động của mình đến các tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên.

Ba là, kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước và đoàn thể nhân dân. Phát huy dân chủ chống đặc quyền, đặc lợi trong Đảng sẽ có tác động quyết định đến việc chống quan liêu, tham nhũng trong công tác cán bộ, thực hành dân chủ, làm lành mạnh các quan hệ xã hội.

Bốn là, nâng cao chất lượng đảng viên. Đảng viên là lực lượng xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; là lực lượng trực tiếp động viên, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương đó; là tấm gương để quần chúng noi theo.

Năm là, tập trung giải quyết mất đoàn kết nội bộ hoặc đơn, thư khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Cấp ủy cấp trên cần lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình, nhất là những nơi có biểu hiện nội bộ mất đoàn kết, có biểu hiện sai phạm; có vấn đề phức tạp nảy sinh, vấn đề bức xúc mà đảng viên và nhân dân phản ánh, tạo cơ sở và sự chủ động cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Lê Thế Cương (TS. Học viện Chính trị CAND)
.
.
.