Nên hành xử thế nào với TPP?

Chủ Nhật, 11/10/2015, 08:19
Một số người lại coi việc hoàn tất đàm phán về TPP là “bước ngoặt lịch sử”, đánh giá “Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất”, thậm chí chỉ rõ GDP, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cụ thể bao nhiêu tỷ đôla, bao nhiêu phần trăm (!?); ngược lại không ít người đưa ra những dự báo đầy bi quan, nào là Việt Nam sẽ thua trên sân nhà, ngành hàng này hoặc ngành kia sẽ lụn bại…


Mấy hôm nay cụm từ “TPP” (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) xuất hiện với tần suất rất cao. Những bài bình luận về ý nghĩa, tầm vóc, cái lợi, cái hại xuất hiện ào ào, giọng cao không ít, giọng trầm không thiếu. Một số người lại coi việc hoàn tất đàm phán về TPP là “bước ngoặt lịch sử”, đánh giá “Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất”, thậm chí chỉ rõ GDP, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cụ thể bao nhiêu tỷ đôla, bao nhiêu phần trăm (!?); ngược lại không ít người đưa ra những dự báo đầy bi quan, nào là Việt Nam sẽ thua trên sân nhà, ngành hàng này hoặc ngành kia sẽ lụn bại…

Trước những bình luận chéo ngoe như vậy, cần trấn tĩnh suy ngẫm xem nên thế nào cho phải.

Tán dương TPP là “sự kiện lịch sử” có phần hơi bốc nhưng quả thật nó ẩn chứa rất nhiều nét mới, lần đầu mới có. Nói gọn lại, Khu vực thương mại tự do (TPP) này lớn chưa từng thấy về quy mô; rộng chưa từng thấy về lĩnh vực thỏa thuận; sâu chưa từng thấy về nội dung cam kết.

Còn Việt Nam có được hưởng lợi nhất hay không, GDP và kim ngạch xuất khẩu có tăng hàng chục phần trăm hay không thì khó dự báo được chuẩn xác vì điều đó tùy thuộc nhiều điều, trong đó thực lực và kế sách của ta có ý nghĩa quyết định nhất. “Thực lực” nói ở đây là khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như của từng ngành hàng; “kế sách” nói ở đây là mưu lược của Nhà nước và của từng doanh nghiệp xoay xở ra sao. Lúc này nên tránh hào hứng quá mức đồng thời cũng chẳng nên gây hoang mang phân tâm; điều cần nhất là cả Nhà nước và doanh nghiệp đồng lòng hợp lực bắt tay ngay vào hành động một cách thiết thực, cụ thể mới có cơ may tận dụng được cơ hội, hóa giải được thách thức.

Cần nhận thức rõ thời cơ và thách thức của TPP.

Nhiều bài nói, bài viết tạo cảm giác như các cam kết có hiệu lực ngay tắp lự. Thật ra không hẳn như vậy, vì TPP và các thỏa thuận về các FTA khác mới mang tính nguyên tắc và còn phải qua nhiều khâu kỹ thuật và thủ tục pháp lý. Hơn thế nữa, nội tình nhiều nước rất rối rắm, ngay ở nước Mỹ trong nội bộ Đảng Dân chủ cầm quyền chứ chưa nói gì tới Đảng Cộng hòa cũng năm bè bảy cánh, nhất là chiến dịch vận động bầu cử đã bắt đầu. Nói vậy không có nghĩa là có thể đủng đỉnh mà cần ra sức tận dụng thời gian để chuẩn bị. Nhân đây cũng cần nói rằng, không phải nước ta đi từ số “0” trong việc chuẩn bị mà từ khi đổi mới, mở cửa, nhất là từ khi hội nhập AFTA (Khu vực thương mại tự do ASEAN) năm 1995 đã tiếp cận những luật chơi hội nhập kinh tế quốc tế rồi.

Gì thì gì, thời gian còn lại khá eo hẹp, lúc này nên dành ưu tiên cho những công việc cụ thể, sát sườn để tranh thủ cơ hội, gắn liền với giải quyết những công việc mang tính dài hạn như tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao mạnh mẽ khả năng cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Khâu đầu tiên là hiểu biết. Qua nhiều bài viết và những phát ngôn trong những ngày qua có thể thấy còn khá nhiều lỗ hổng về thông tin. Nay Bộ Công Thương đã đưa lên mạng những thông tin ban đầu, nhiều thông tin cần thiết còn thiếu vắng, nên đã nảy sinh nhiều sự ngộ nhận, hiểu sai. Khi điều kiện cho phép thì bên cạnh thông tin “thô”, rất cần có sự giải thích, hướng dẫn thấu đáo, rạch ròi từng điều khoản, từng nội dung, từng việc làm cụ thể cho các doanh nghiệp. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công thương mà cần có sự vào cuộc của tất cả các bộ ngành liên quan và các hiệp hội ngành nghề, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đã đến lúc chấm dứt cái cách nói nước đôi “chỉ có đúng” ví như “cơ hội thách thức đan xen”, “trong cơ hội có thách thức, trong thách thức có cơ hội”…(!?). Thay vào đó, nên phân tích các cam kết một cách cụ thể, chỉ ra cơ hội chỗ nào, thách thức ra sao đối với toàn bộ nền kinh tế - xã hội và nhất là đối với từng ngành hàng cần phải làm gì, làm thế nào. Ví dụ đối với ngành dệt may ai cũng bảo sẽ “ăn bẫm” vì thuế suất sẽ giảm mạnh, thậm chí có thể bằng “0”. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy, vì kèm theo đó là điều kiện về “xuất xứ từ sợi”, tức là nguyên liệu từ sợi trở đi phải có xuất xứ Việt Nam hay từ các nước tham gia TPP mới được hưởng thuế suất đó. Bao năm nay ta loay hoay chưa làm được và “ăn sẵn” hàng “Made in China”, vậy bây giờ sửa thế nào, còn kịp không? Muốn đáp ứng yêu cầu này thì Nhà nước sẽ có chính sách gì? Thật tiếc, nếu ta không làm thì vẫn chịu cái kiếp gia công vì không ít doanh nghiệp từ các nước không tham gia TPP rất thính, đang tích cực lót ổ, tranh phần của ta!

Hiểu rõ TPP để chủ động tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản.

Nhiều phát ngôn gây sốc, tạo tâm lý hoang mang về triển vọng nông nghiệp nước ta, ví dụ những sự la lối rằng ngành chăn nuôi “chết đến nơi”! Sự cảnh tỉnh đó không phải không có lý, song cũng nên phân tích toàn diện mặt thuận, mặt nghịch. Nông nghiệp không chỉ có chăn nuôi và nhiều ngành hàng nông sản khác sẽ có lợi. Nói riêng về chăn nuôi thì có phải toàn dân ta có tiền để ăn thịt bò Mỹ, thịt bò Úc đâu, ngay đối với thịt gà thì dân ta vẫn chuộng gà đồi, gà nhà chứ đâu chỉ gà đông lạnh… Do vậy, ngành chăn nuôi sẽ vẫn còn “đất” sống chứ đâu chết hết. Nói như vậy không có nghĩa là có thể nhởn nhơ mà ngành nông nghiệp cần cấp bách hướng dẫn, hỗ trợ bà con cải tiến cung cách làm ăn.

Một điều nữa ít được dư luận và cả cơ quan nhà nước phân tích, mổ xẻ là các khía cạnh xã hội và cả khía cạnh chính trị, an ninh do làn sóng hội nhập mới đặt ra. Nói tóm lại, lúc này nên giữ cái đầu lạnh, tỉnh táo nhận định, tránh lạc quan tếu nhưng cũng không nên quá bi quan. Điều cần nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, ai làm trọn phận việc của người đó, tích cực chủ động bắt tay ngay vào những công việc thiết thực thì mới mong tận dụng được cơ hội, hóa giải được thách thức.

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
.
.
.