TPP và cơ hội, thách thức đối với Việt Nam

Thứ Tư, 07/10/2015, 08:03
Sau những phiên đàm phán căng thẳng, phiên đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Hoa Kỳ) đã kết thúc vào chiều 5/10 (theo giờ Việt Nam). Đây là bước ngoặt lịch sử đối với các nước thành viên TPP, trong đó có Việt Nam, tác động tới 40% GDP toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa TPP mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức với Việt Nam.

Trả lời báo giới sau khi kết thúc đàm phán TPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, trong kinh tế, thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của chúng ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, ví dụ như chăn nuôi.

Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực. Đối với các ngành kinh tế khác, cạnh tranh cũng có thể xảy ra nhưng ở mức độ không lớn bởi vì các nền kinh tế TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp (DN), trước hết là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít ngành nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.  Ảnh: An Khang.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trước đây cũng công bố báo cáo về tác động của TPP tới kinh tế Việt Nam. Theo đó, GDP Việt Nam có thể tăng cao nhất nếu hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nổi bật nhất so với các nước khác. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP; GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác. Tham gia vào TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội và thuận lợi cơ bản, đó là: Mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường xuất khẩu nông sản. Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản... 

TPP được ký kết, bên cạnh những thách thức, áp lực có thể đến với các nước thành viên khi TPP đi vào thực thi, các tổ chức kinh tế quốc tế nhìn chung đều đưa ra những nhận định tích cực về hiệp định mang tầm thế kỷ này. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá thỏa thuận đạt được giữa các nước đang tham gia TPP là một bước phát triển rất tích cực. Thỏa thuận này không chỉ quan trọng vì quy mô của nó, khi các nước ký kết chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, mà còn thúc đẩy phạm vi thương mại và đầu tư hàng hóa, dịch vụ sang những khu vực mới, nơi có lợi ích đáng kể.

Theo đó, IMF sẽ xem xét lại tất cả các chi tiết trước khi đưa ra một đánh giá toàn diện.  Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Sudhir Shetty - cho hay, TPP sẽ giúp các quốc gia tiếp cận thị trường mà trước đây chưa tiếp cận được, tạo ra cú hích cho thương mại đầu tư. TPP bao gồm một nhóm các nước lớn có trọng lực kinh tế. Khi các rào cản được xóa bỏ, dòng chảy thương mại sẽ tăng lên mạnh mẽ.

Bên cạnh những thuận lợi lớn, tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các DN Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Theo VEPR, ngành chăn nuôi nói chung và các DN đầu tư trong lĩnh vực này là một trong những ngành sẽ phải đối diện với cạnh tranh gay gắt nhất từ hàng ngoại nhập khẩu khi Việt Nam tham gia TPP.

Hầu hết các ngành sẽ bị thu hẹp khi tham gia TPP, song ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn thịt sẽ bị thiệt nhất về sản lượng và phúc lợi. Đồng tình với nhận định này, ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng như các DN trong ngành này với quy mô hiện tại rất khó có thể cạnh tranh được với các nước TPP.

“Phần lớn các DN chăn nuôi của Việt Nam đều ở quy mô rất nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, trong khi trong nhóm đàm phán hiệp định TPP, các nền kinh tế này có ngành chăn nuôi rất hiện đại và được đầu tư rất lớn, đó là cả ngành công nghiệp. Theo tôi, để cạnh tranh và tồn tại được, các DN đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, bên cạnh đó, Nhà nước cần tính toán có thể sẽ cần sự đầu tư ở quy mô lớn hơn cho ngành này để có thể biến nó thành ngành công nghiệp thực sự chứ không phải là ngành kinh tế hộ gia đình như hiện nay”, ông Fumihico khuyến nghị.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các cơ quan Nhà nước và các DN cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ. Về phía các cơ quan Nhà nước, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn. 

Lưu Hiệp
.
.
.