Không thể phủ nhận hiện thực sinh động về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:45
Ở nước ta, Lễ Thiên chúa Giáng sinh, cũng như Lễ Phật đản ngày nay không chỉ là một ngày hội của đồng bào theo đạo Phật hay đạo Thiên Chúa, mà đã trở thành ngày hội chung của cả dân tộc.

Lễ Giáng sinh (còn được gọi là Lễ Thiên chúa Giáng sinh, Noel hay Christmas) là ngày lễ kỷ niệm Chúa Giêsu ra đời tại Bethlehem thuộc xứ Judea (ngày nay là một thành phố của Palestine), khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên.

Ở nước ta, Lễ Thiên chúa Giáng sinh, cũng như Lễ Phật đản ngày nay không chỉ là một ngày hội của đồng bào theo đạo Phật hay đạo Thiên Chúa, mà đã trở thành ngày hội chung của cả dân tộc.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có một số tôn giáo du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo... và một số tôn giáo ra đời trong nước như Cao Ðài, Hòa Hảo... Số người theo đạo Phật là nhiều nhất, rồi đến người theo đạo Thiên Chúa. Đến nay, ở Việt Nam có 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 80.000 chức sắc và khoảng 26.000 cơ sở thờ tự. Hằng năm nước ta có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo hoặc tín ngưỡng cấp quốc gia và địa phương được tổ chức.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng bào các tôn giáo, trong đó có Thiên Chúa giáo đã có nhiều đóng góp sức người, sức của trong cách mạng giành độc lập dân tộc và trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bà con thực hiện phương châm sống tốt đời đẹp đạo. Những đóng góp của đồng bào nổi bật trên các lĩnh vực, giáo dục, y tế, xã hội.

Chẳng hạn ngoài hệ thống trường, lớp mầm non của các dòng tu, còn xây dựng nhiều lớp học tình thương, lớp xoá mù chữ, bổ túc văn hoá mở tại các giáo xứ để quy tụ trẻ em đường phố, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật.

Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau của dân tộc Việt Nam, đồng bào Công giáo trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực,  hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS do các linh mục, dòng tu, giáo dân khởi xướng để khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. Điển hình là: Trung tâm Mai Hoa, cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em khuyết tật Thiên Phước tại thành phố Hồ Chí Minh…

Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

Thế nhưng, vì những động cơ chính trị thâm độc, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã lợi dụng niềm tin tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào có đạo vi phạm pháp luật.

Luận điệu của họ là xuyên tạc, bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống lại chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Giữa năm nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra “Phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo thế giới” 2016, trong đó đã xuyên tạc tình hình tôn giáo Việt Nam.

Cũng như các năm trước, Phúc trình 2016 vẫn đánh giá thiếu khách quan chính sách và thực tiễn tự do tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với đó, các thế lực thù địch luôn tìm cớ kích động, gây rối, xuyên tạc, vu cáo chính quyền “đàn áp tôn giáo”, “phân biệt ứng xử với tôn giáo”…

Ở trong nước có thể kể đến những hành vi vi phạm pháp luật của một vài linh mục và bà con có đạo ở Nghệ An, Hà Tĩnh kiếm cớ “đòi Fomosa bồi thường”. Những clip còn lưu lại trên mạng Internet cho thấy một số giáo dân Nghệ An, Hà Tĩnh còn gây rối, đập phá tài sản và tấn công lực lượng chức năng, bao vây, gây rối tại trụ sở cơ quan Nhà nước, làm mất trật tự, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sản xuất của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật (như hành vi của linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam).

Hành vi trên không những không làm tròn bổn phận chăn chiên, xa rời kinh thánh, mà còn biến nhà thờ thành nơi tuyên truyền chống Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của quê hương, đất nước. Tính nghiêm trọng của những thủ đoạn lợi dụng quyền tự do tôn giáo là liên quan đến an ninh quốc gia.

Mục tiêu sâu xa của của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo nhằm tạo cớ cho những thế lực thù địch nước ngoài can thiệp vào nội bộ nước ta như nhiều vụ việc đã diễn ra trên thế giới. Chẳng hạn như ở châu Phi, Trung Đông, trong cái gọi là “cuộc cách mạng sắc mầu”.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Nghị quyết TW 7, khóa IX 2003).

Đảng và Nhà nước ta “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân; thực hiện bình đẳng, đoàn kết giữa các tôn giáo”, đồng thời xử lý nghiêm “những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và đoàn kết dân tộc, chống phá CNXH và ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”.

Nhân dịp lễ Thiên chúa Giáng sinh năm nay, ngày 15-12-2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã tới Tòa Tổng giám mục Hà Nội, Hội thánh Tin lành Việt Nam (khu vực phía Bắc) và Ủy ban Đoàn kết tôn giáo Việt Nam để chúc mừng. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc mừng Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội và qua Hồng y, gửi lời chúc Giáng sinh an lành, hạnh phúc tới các vị tu sĩ và bà con giáo dân.

Chiều 21-12, tại TP Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và chúc mừng Giáo phận Thanh Hóa; Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế, Giám quản Giáo phận Thanh Hóa Nguyễn Chí Linh nhân dịp Noel 2017. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã tới thăm hỏi, chúc mừng các chức sắc, bà con giáo dân.

Đó không chỉ là  trách nhiệm và tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị, mà còn là tình cảm của tất cả các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng Việt Nam đối với đồng bào Thiên Chúa giáo.

TS. Cao Đức Thái - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người
.
.
.