Hà Huy Tập - Cây bút lý luận giàu tính chiến đấu
- Hội thảo khoa học “Đồng chí Hà Huy Tập với công tác xây dựng Đảng”
- Nhiều hoạt động hướng đến lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Là một người có nền học vấn vững vàng, ngay từ khi mới tham gia Hội Phục Việt, Hà Huy Tập đã tỏ rõ là người có năng lực tư duy lý luận, quan tâm nhiều đến các vấn đề lý luận, tổ chức và xây dựng Đảng. Sang Mátxcơva, vào học một khóa chính quy dài hạn của Trường Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập có điều kiện đi sâu nghiên cứu, trang bị cho mình vốn lý luận cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, về lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế; được tiếp xúc trực tiếp với một số tác phẩm kinh điển của các lãnh tụ hàng đầu của giai cấp vô sản thế giới như “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa”… Tất cả đã góp phần đào tạo anh trở thành một nhà lý luận sắc sảo, giàu tính chiến đấu, đóng góp vào việc xây dựng Đảng ta về chính trị - tư tưởng và tổ chức ở một thời kỳ nhất định.
Trước hết, có thể nói đồng chí Hà Huy Tập là một trong những người đầu tiên có ý thức đi sâu nghiên cứu lịch sử Đảng ta, chú trọng tổng kết các kinh nghiệm lịch sử, thành công và chưa thành công, ở những thời kỳ đã qua của Đảng để soi sáng cho các vấn đề hiện tại. Nhiều ý kiến cho rằng, có thể coi Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một trong những ngườiđầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành khoa học lịch sử Đảng về sau này.
Đồng chí Hà Huy Tập. |
Trong những năm ở Mátxcơva, Hà Huy Tập đã soạn thảo nhiều bài viết và công trình về lịch sử Đảng ta những năm đầu thời kỳ dựng Đảng. Ngay từ năm đầu tiên mới vào Trường Đại học Phương Đông, ông đã bắt tay vào viết “Lịch sử của Tân Việt Cách mệnh Đảng” (1929). Kỷ niệm hai năm thành lập Đảng, Hà Huy Tập viết bài “Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương” (1931).
Đặc biệt là “Thư gửi Ban Biên tập Tạp chí Bônsơvích” (1932), đây có thể được coi là một luận văn xuất sắc của Hà Huy Tập, thể hiện trình độ lý luận vững vàng và tính chiến đấu mạnh mẽ trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận. Bài “Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất” cũng là một luận văn quan trọng của Hà Huy Tập, cắt nghĩa tính tất yếu ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Nói đến cống hiến của Hà Huy Tập vào công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm“Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”.Cuốn sách viết bằng tiếng Pháp gồm ba phần, chia thành 10 chương. Đây là tác phẩm dày dặn đầu tiên viết về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng ta từ đầu cho đến tháng 3-1933. Như lời tác giả viết ở đầu sách: “Hy vọng có thể phục vụ cho các đảng viên trẻ và công nhân cách mạng để họ có thể hiểu Đảng chúng ta, tránh những sai lầm và rút ra những kinh nghiệm bổ ích trong ba năm đấu tranh anh hùng của quần chúng lao động Đông Dương và người lãnh đạo họ, Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Đồng chí cũng đánh giá đúng mức vai trò lịch sử của tác phẩm “Đường cách mệnh”của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn đầu truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, được coi như “là sách phúc âm đối với tất cả mọi đảng viên; họ đã học gần như thuộc lòng”. Hà Huy Tập cũng đã sớm khẳng định địa vị lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cách mạng Việt Nam.
Đồng chí viết: “Sau khi Quốc dân Đảng thất bại trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, còn lại một mình Đảng Cộng sản Đông Dương trên vũ đài cách mạng, cho nên chỉ có Đảng là người tổ chức quần chúng đấu tranh"... “mặc dù có nhiều nhược điểm và khuyết điểm, Đảng ta đã đóng một vai trò tiền phong lớn lao trong phong trào cách mạng… Đảng đã đấu tranh chinh phục và giữ vững bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong phong trào...”.
Điều dễ nhận thấy là“Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương”không viết theo phương pháp lịch sử Đảng như ta quan niệm hiện nay mà thiên vềphương pháp chính luận - lịch sử,ít trình bày bối cảnh, sự kiện, diễn biến của phong trào mà chủ yếu lựa chọn ra một số sự kiện và vấn đề chính yếu nhất để phân tích, bình luận, đánh giá. Tác phẩm được viết ra một cách vội vàng, chưa có điều kiện tham khảo, đối chiếu tư liệu, sự kiện một cách đầy đủ, chính xác nên như chính tác giả đã tự thấy trước “nó sẽ có nhiều thiếu sót”.
Thiếu sót quan trọng nhất của tác giả là thuộc về quan điểm phương pháp luận chỉ đạo việc nghiên cứu lịch sử Đảng ta những năm đầu mới thành lập. Mỗi Đảng Cộng sản ra đời và hoạt động trong những điều kiện lịch sử nhất định, trong một bối cảnh chính trị - xã hội nhất định và chịu sự chế ước của các điều kiện đó. Như Đảng ta sau này đã xác định trong văn kiện“Chung quanh vấn đề chiến sách mới”rằng: “Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là một bộ kinh thánh mà là kim chỉ nam cho cách mệnh hành động”... Chiến sách mới của Đảng là chiến sách theo điều kiện hiện thực ở xứ Đông Dương, theo kinh nghiệm tranh đấu của Đảng, học kinh nghiệm của Quốc tế Cộng sản và kinh nghiệm của cuộc vận động cộng sản thế giới, không phải đem kinh nghiệm xứ này sang xứ khác một cách như máy”.
Hà Huy Tập được đào tạo rất cơ bản theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI (1928) của Quốc tế Cộng sản, quán triệt đường lối "giai cấp chống giai cấp" và tinh thần bônsơvích triệt để, có ý thức rất cao trong chấp hành các chỉ thị của Quốc tế Cộng sản. Tiếc rằng các chỉ thị đó không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tiễn các nước phương Đông, nhất là với các nước thuộc địa chậm phát triển như Đông Dương…
Trên mặt trận đấu tranh vạch trần bộ mặt giả hiệu cách mạng, đầu cơ cách mạng của bọn tờrốtxkít, Hà Huy Tập là một trong những cây bút sắc sảo. Ngay từ khi còn ở nước ngoài, vào các năm 1931, 1932, khi kẻ thù khủng bố tàn bạo, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống, bọn tờrốtxkít phụ họa với luận điệu của chủ nghĩa đế quốc, đã vội la lên: “Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị tiêu diệt!”. Trong bài “Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất”, Hà Huy Tập đã chỉ rõ: "Năm 1932 không phải là một năm thất bại của chủ nghĩa cộng sản, mà là một giai đoạn phát triển mới của cách mạng.
Những cuộc mít tinh, biểu tình của nông dân Hà Tĩnh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Cao Miên; những cuộc bãi công của những người phu xe ở Huế, Sài Gòn, Gia Định, của công nhân nông nghiệp Kôngpôngchàm,... là những bằng chứng nói lên sự phát triển của phong trào cách mạng ở Đông Dương. Đấy cũng là những bằng chứng tốt nhất để vạch trần những giọt nước mắt cá sấu của bọn thủ tiêu và bọn tờrốtxkít ở Đông Dương". Sau khi về nước, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội thời kỳ Mặt trận dân chủ, Hà Huy Tập đã lãnh đạo cuộc tiến công trên mặt trận lý luận, báo chí nhằm vạch mặt bọn đội lốt cách mạng "cực tả" tờrốtxkít phá hoại cách mạng.
Giữa lúc cuộc tranh luận về vấn đề Mặt trận dân chủ Đông Dương đang diễn ra sôi nổi thì Hà Huy Tập đã cho xuất bản cuốn “Tờrốtxky và phản cách mạng” dưới bút danh Thanh Hương. Cuốn sách đã trình bày có hệ thống về quá trình Tờrốtxky chống lại Lênin, Đảng Cộng sản Liên Xô, Quốc tế Cộng sản, Mặt trận nhân dân Tây Ban Nha, chính sách Quốc - Cộng hợp tác của Đảng Cộng sản Trung Quốc,... và đi tới kết luận: Tờrốtxky và tổ chức Đệ tứ Quốc tế của ông ta là một tổ chức phản động quốc tế, là “đội tiền phong của giai cấp tư sản phản động quốc tế”.
Sau khi luận điệu chống phá chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương của họ bị thất bại, Tạ Thu Thâu và những người tờrốtxkít lại chuyển sang chủ trương lập “Mặt trận công nông”, “Mặt trận những người bị bóc lột chống kẻ bóc lột” rồi lại “Mặt trận công nông duy nhất” và “Mặt trận vô sản”,... Đồng chí Hà Huy Tập kết luận: Đúng là Thâu... tiêu biểu cho chủ nghĩa “xoay chong chóng” của Tờrốtxky. Cuốn sách của đồng chí Hà Huy Tập đã góp một phần rất quan trọng vào cuộc tranh luận nhằm đập tan các luận điệu xằng bậy của bọn cách mạng đầu lưỡi, bọn giả danh cách mạng, đưa tư tưởng và lý luận chân chính của Đảng đến với quần chúng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương.