Định hướng phát triển văn hóa Việt Nam theo tinh thần Đại hội XII của Đảng
- Xung kích tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
- Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về đảm bảo quốc phòng, an ninh
- Tổng cục Cảnh sát học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
- Quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cán bộ lãnh đạo khối báo chí, xuất bản
Kế thừa có chọn lọc Văn kiện Đại hội XI và phát triển những quan điểm chỉ đạo, những định hướng lớn của Đảng về văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định bốn đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Văn kiện Đại hội đã XII nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Ngày nay, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu; “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
(1). Có thể thấy rõ hai điểm quan trọng trong nội dung này:
Thứ nhất, xây dựng, phát triển nền văn hóa phải gắn với xây dựng, phát triển con người.
Thứ hai, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần xã hội mà còn là sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Nếu như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI và các văn kiện của Đảng trước đây xác định quan điểm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và nói đến yếu tố con người như là một nguồn lực quan trọng trong phát triển thì Nghị quyết Đại hội XII đã bổ sung nhân tố xây dựng con người gắn với xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần với hàm ý văn hóa và con người là cặp đôi biện chứng, trong đó con người là chủ thể sáng tạo văn hóa và hưởng thụ các giá trị, sản phẩm văn hóa.
Về mặt lý luận, nói tới văn hóa là nói tới con người, vì vậy mọi hoạt động văn hóa, dù phát triển phong phú, đa dạng thế nào cũng đều hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển con người.
Trong Báo cáo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội XII của Đảng khi nói về phát triển văn hóa và con người Việt Nam nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật”.
Ngoài yếu tố văn hóa liên quan đến phát triển nhân cách và trí tuệ con người thì Đại hội XII còn đề cập đến những điểm rất mới, đó là văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị, đề cập đến những chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan tọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”...
Văn hóa chính trị, văn hóa Đảng cũng là một bộ phận của văn hóa dân tộc, bộ phận tiên tiến nhất, ưu tú nhất, bởi “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Văn hóa trong Đảng, trong chính trị càng sâu sắc bao nhiêu thì hiệu quả mang lại càng cao bấy nhiêu, bởi trong bất kỳ thời đại nào văn hóa, nhân cách, đạo đức không thể tách rời con người.
Còn trong kinh tế, Unesco từng chỉ ra rằng, nền kinh tế nào mà chỉ quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế, bỏ quên yếu tố con người, yếu tố văn hóa thì sẽ dẫn tới hệ lụy kinh tế không phát triển được mà xã hội cũng có nhiều điều bất an.
Bởi vậy, Đại hội Đảng lần thứ XII định hướng: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong hội nhập văn hóa, phải tìm hiểu yếu tố nào là truyền thống, cốt lõi của văn hóa Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng cốt cách của mình, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc. Có thể thấy mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế, chính trị và văn hóa ngày càng chiếm vị trí đặc biệt trong đường lối xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện tầm nhìn sáng suốt của Đảng về quá trình phát triển bền vững đất nước.
Đại hội XII đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa gồm: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Đề cao nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa.
Như vậy, hệ thống quan điểm của Đảng về lãnh đạo sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành văn hóa mà là của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Những điểm mới về văn hóa nêu trong Văn kiện Đại hội XII phản ánh bước tiến về tư duy lý luận của Đảng và là những định hướng chính trị hướng dẫn toàn Đảng, toàn dân phấn đấu triển khai, tạo những chuyển biến mới trong đời sống văn hóa, xã hội.
************
Ghi chú: [1]. Nghị quyết 33, Hội nghị trung ương 9 khoá XI.