Đề xuất xây dựng 6 thủy điện trên sông Hồng: Cảm tính hay hoang đường?

Thứ Năm, 05/05/2016, 14:03
Mới đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo Thủ tướng về chủ trương đầu tư Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – vận hành) với đề xuất khai thông.

* Giá bán điện tối thiểu 1.900 đồng/kWh và tăng dần lên 3.560 đồng/kWh?


Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng: Sông Hồng là sông lớn duy nhất của miền Bắc có thể tổ chức liên vận hàng hóa giao thương xuyên Á với Trung Quốc và chuyển tải ra cảng biển. Khu vực miền núi phía Bắc là khu vực có nhiều mỏ khoáng sản, nhu cầu vận chuyển quặng, hàng hóa giao thương trong khu vực, hàng hóa quá cảnh từ Trung Quốc là rất lớn.

Tuy nhiên, do sông Hồng chưa được cải tạo nên hàng hóa hiện nay đang phải vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt. Các tuyến đường bộ, đường sắt hiện trong tình trạng quá tải, địa hình miền núi khó khăn, hiểm trở, thường bị sụt trượt, sạt lở về mùa mưa lũ.

Bên cạnh nhu cầu giao thông thủy, sông Hồng đoạn Yên Bái – Lào Cai có tiềm năng lớn về thủy điện do có độ dốc và lưu vực rộng lớn. Do vậy, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng việc đầu tư, nâng cấp tuyến sông Hồng sẽ tận dụng được tiềm năng sông ngòi sẵn có, tận dụng được ưu thế của vận tải thủy trọng vận tải hàng rời, hàng siêu trường, siêu trọng...

Các dự án thủy điện dự kiến được xây dựng trên sông Hồng có mức giá đề xuất rất cao cùng với nhiều ưu đãi khác.

Xác định mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải là số 1, quy mô dự án được xác định là xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì – Lào Cai (chiều dài 288km); kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng học tuyến: Cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). 

Dự án được dự kiến thực hiện trong vòng 6 năm (2016 – 2021) và nhà đầu tư sẽ tự tổ chức quản lý, khai thác dự án theo thỏa thuận hợp đồng; thành lập các trạm thu phí hoặc kết hợp với đơn vị quản lý công trình, cảng vụ.

Các bậc thang thủy điện nhỏ trên sông Hồng theo đề xuất dự án chưa có trong quy hoạch phát triển điện VII (giai đoạn 2011- 2020) và cũng chưa có trong quy hoạch các ngành thủy lợi, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phòng chống lũ và đê điều. Báo cáo cho biết có 31 xã ở Lào Cai và Yên Bái nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do các công trình đập dâng nước, âu tàu và thủy điện của dự án.

Ước tính 120 hộ dân (600 nhân khẩu) sẽ bị di dời do nằm trong phạm vi xây dựng công trình dự án. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 120 ha. Tổng mức đầu tư dự án là 24.510 tỷ đồng, gồm 30% vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư, 70% là vốn vay.

Sông Hồng sẽ chịu nhiều hệ lụy về môi trường nếu xây dựng thêm các nhà máy thủy điện. Ảnh: CTV.

Đáng chú ý, báo cáo này đề xuất rất nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư (một số trong đó được Bộ Tài chính cho rằng chưa đúng quy định của pháp luật). Cụ thể, dự án tạm tính mức thu phí dự kiến là 10.000 – 15.000 đồng/tấn, đoạn Việt Trì – Yên Bái và đoạn Yên Bái  - Lào Cai là 40.000 – 45.000 đồng/tấn. Hàng quốc tế mức thu gấp đôi hàng nội địa, được miễn thu 3 năm đầu, miễn toàn bộ phí đối với các phương tiện dưới 50 tấn.

Với dự kiến cấp điện khoảng 912 triệu kWh/năm, dự án đề xuất mức giá bán điện là 1.900 đồng/kWh trong 5 năm đầu (cao hơn giá bán bình quân đến tay người tiêu dùng hiện nay là 1.622,4 đồng/kWh) và có lộ trình tăng giá theo thời gian như một “đặc thù cho công trình”, “hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình”. Theo đó, 5 năm tiếp theo, giá điện sẽ là 2.380 đồng/kWh, các năm tiếp theo “tối thiểu 2.970  - 3.560 đồng/kW và theo quy định của ngành điện”.

Chưa hết, dự án còn đề xuất được miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng; miễn thuế thu nhập DN đến thời điểm hoàn vốn; Mức phí luồng tuyến và phí qua âu được điều chỉnh theo thời gian. Theo tính toán này, lợi nhuận thuần của dự án là 1.296 tỷ đồng, tỷ số lợi ích/chi phí là 7,83% và thời gian hoàn vốn là 25 năm (kể cả thời gian xây dựng).

Việc xây dựng thủy điện trên sông Hồng sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Ảnh minh họa.

Đánh giá ảnh hưởng của dự án đến môi trường, xã hội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng: “Mực nước dâng lại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó, ít ảnh hưởng ngập lụt (nhưng không rõ ít là bao nhiêu - pv), không ảnh hưởng đến môi trường và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng”.

“Những tác động của dự án đến môi trường đã được đánh giá sơ bộ cho thấy tác động tiêu cực đến môi trường là không lớn và có thể giảm thiểu”. Tuy vậy, các biện pháp giảm thiểu lại phải đảm bảo các nguyên tắc “phù hợp với quy mô công trình và nguồn tài chính cho phép của dự án”.

Chưa nói đến các đánh giá hiệu quả và tác động đều rất sơ sài và nặng cảm tính (không có số liệu chứng minh và các căn cứ thực tiễn đáng tin cậy được đưa ra trong báo cáo trình Thủ tướng), việc dự án đề xuất mức giá điện rất cao như vậy là hoang đường và không phù hợp với lộ trình tiến tới giá điện theo thị trường của Chính phủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về dự án này với đánh giá từ các chuyên gia trong các bài viết tiếp theo.

Vũ Hân
.
.
.