Cách ly 4 vòng chống dịch, đòi hỏi quyết tâm từ toàn xã hội
- 5 người liên quan “bệnh nhân thứ 17” đang cách ly tại Khánh Hòa đều âm tính
- Thêm 8 ca nhiễm COVID-19 là khách du lịch cùng chuyến bay "bệnh nhân thứ 17"
- Bác sĩ khám cho "bệnh nhân thứ 17" chủ động đến bệnh viện cách ly
Vừa qua, sự việc bệnh nhân thứ 17 N.H.N và bệnh nhân thứ 21 N.Q.T được xác định dương tính với COVID-19 khiến cho việc kiểm soát tình hình lây nhiễm trở nên khó khăn và Hà Nội đối mặt với nguy cơ dịch lan rộng.
Sau khi phát hiện bệnh nhân thứ 21 đã thực hiện nhiều hoạt động tập trung tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bộ Y tế đã xác định hơn 500 người có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 21 thuộc diện phải cách ly, trong đó liên quan nhiều đến những cán bộ trung ương và địa phương.
Điều này cho thấy , hậu quả của việc bệnh nhân F0 không được cách ly y tế sớm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy rất nghiêm trọng, làm xáo trộn nặng nề quy luật sinh hoạt, làm việc của rất nhiều người, đặc biệt các cán bộ làm việc trong hệ thống chính trị.
Việc cách ly theo dõi 4 vòng theo quy định không loại trừ một ai. Vậy nên, những ngày qua, dư luận nóng lên khi có thông tin một Chủ tịch HĐQT Công ty điện gió ở Quảng Trị bố trí nhân viên cách ly thay mình. Điều này cho thấy, việc thực hiện cách ly 4 vòng trong một xã hội năng động và nhiều người vẫn coi trọng sự thoải mái của bản thân hơn cả, thật sự là điều không hề dễ dàng.
Nhìn lại lịch sử, nhân loại đã từng trải qua các loại dịch…Và việc cách ly vẫn là một giải pháp hữu hiệu để hạn chế sự lan truyền dịch bệnh.
Trong cuộc chiến về dịch bệnh SARS vào năm 2003, bác sĩ Carlo Urbani, người Italy, qua đời ở tuổi 46 vì dịch SARS - căn bệnh mà ông là người đầu tiên nhận diện Hội chứng hô hấp cấp nặng. Ông cũng là người tự cách ly điều trị dù sau đó đã qua đời vì bệnh quá nặng.
Trước khi mất, ông đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình làm tiêu bản nghiên cứu. Hai tuần sau khi ông qua đời, nhờ lá phổi đó, giới khoa học phát hiện virus corona và tìm cách khống chế đại dịch SARS. Ngày 28/4/2003, WHO ghi nhận Việt Nam là quốc gia đầu tiên kiểm soát được đại dịch SARS sau khi cách ly điều trị thành công các bệnh nhân tại bệnh viện Việt - Pháp.
Dẫn chứng việc cách ly trong lịch sử y tế để thấy rằng, hiện đây vẫn là giải pháp chủ yếu nhằm hạn chế, phòng ngừa sự lây lan của dịch bênh. Mặc dầu vậy, vấn đề khó khăn hiện nay vẫn là xác định các đối tượng thuộc diện cách ly, bởi thông tin hiện vẫn chủ yếu dựa trên sự trung thực khai báo và thái độ, ý thức của người tiếp xúc với nguồn bệnh và bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm.
Vấn đề cốt lõi hiện nay chính là thực hiện nghiêm túc việc cách ly người bệnh, người nghi nhiễm và những người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh. Điều này không chỉ có trách nhiệm của ngành chức năng, mà mỗi người trong diện cách ly phải thật sự nhận thức cao về nguy cơ nhiễm bệnh, khi dịch COVID-19 có thời gian ủ bệnh ít nhất là 14 ngày.
Việc cách ly 4 vòng đòi hỏi quyết tâm cao của xã hội, ý thức công dân của mỗi người trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang gây ra những xáo trộn và thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế và đời sống của nhân dân.