Từ bài học tin dân ngẫm về “Khoán 10” trong kinh tế

Thứ Hai, 14/08/2017, 14:10
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh: Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, sức dân là sức nước, được lòng dân là được tất cả. Hầu hết các triều đại phong kiến nước ta đều ý thức được sức mạnh và lực lượng to lớn của nhân dân, biết dựa vào dân, đoàn kết toàn dân để khơi dậy, nhân lên nguồn sức mạnh đó.



Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh: Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, sức dân là sức nước, được lòng dân là được tất cả. Hầu hết các triều đại phong kiến nước ta đều ý thức được sức mạnh và lực lượng to lớn của nhân dân, biết dựa vào dân, đoàn kết toàn dân để khơi dậy, nhân lên nguồn sức mạnh đó.

Thế kỷ XIII, vó ngựa chiến của đế quốc Nguyên Mông đã giày xéo lên nhiều quốc gia, dân tộc trải từ Đông sang Tây, Á sang Âu và dã tâm chinh phục Đại Việt chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi đó, điều kiện dân số, kinh tế, quân sự… của Đại Việt so với đế quốc Nguyên Mông đương nhiên có sự chênh lệch rất lớn. Vua tôi nhà Trần không khỏi lo lắng, thậm chí có người nao núng trước cuộc chiến không cân sức với đội hùng binh của “Thiên triều”. Song, bằng Hội nghị Diên Hồng, Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng Triều đình đã quy tụ được lòng dân, khích lệ tinh thần bất khuất và nhân lên nguồn sức mạnh đoàn kết của con dân nước Việt. Kết quả là, ba lần quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt thì cả ba lần chúng đều chuốc lấy thảm bại. Đó chính là nhờ nhà Trần đã tin vào sức mạnh của dân và được dân tin, dân ủng hộ để tạo thành nguồn sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc…

Đến Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, toàn dân tộc Việt Nam chỉ trong khoảng 2 tuần đã vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên chính thể dân chủ cộng hòa. Đây là một cuộc cách mạng xã hội triệt để và hầu như không phải đổ máu – điều rất hiếm trong lịch sử các cuộc cách mạng xã hội của nhân loại xưa nay. Thực tế đó chứng minh: Cách mạng Tháng Tám là ý chí, nguyện vọng của toàn dân; những người lãnh đạo là Việt Minh, mà nòng cốt gồm khoảng 5.000 đảng viên Cộng sản đã đoàn kết và huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân.

Trong sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước cũng vậy. Tuy luôn phải đối đầu với những kẻ thù mạnh hơn gấp bội, luôn phải lấy ít địch nhiều, nhưng biết dựa vào dân và phát huy sức mạnh toàn dân, thắng lợi cuối cùng đã thuộc về dân tộc ta; đất nước ta được hoàn toàn độc lập, thống nhất, vững bước tiến vào chặng đường mới để có được ấm no, hạnh phúc.

Cách mạng thành công hơn 70 năm, Tổ quốc thống nhất hơn 40 năm và chiến tranh cũng đã lùi xa. Tuy nhiên, chúng ta không khỏi trăn trở bởi đất nước vẫn đứng trước những thử thách to lớn để trở thành nước công nghiệp hiện đại, xã hội thịnh vượng, văn minh. Bên cạnh đó là những nguy cơ về tham nhũng, lãng phí, tụt hậu về kinh tế và những đe dọa về sự toàn vẹn lãnh thổ… Dù tự hào về những thành tựu to lớn, song chúng ta cũng tỉnh táo thừa nhận chỉ trong khoảng thời gian 40 – 30 năm, đã có những nước láng giềng Đông Á hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, dù xuất phát điểm của họ rất thấp và điều kiện quốc tế không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, dựng xây đất nước giàu đẹp, văn minh, chúng ta chỉ có thể dựa vào sức mạnh của toàn dân, vào nội lực đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế.

Để dựa vào dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân, trước hết phải tin dân và trọng dân.

Để minh chứng điều này, xin được ôn lại một bài học điển hình trong quản lí kinh tế nông nghiệp. Trước năm 1988, sau nhiều năm thực hiện hợp tác hóa, sản xuất nông nghiệp ngày càng đình đốn, sản lượng lương thực sụt giảm, thiếu đói triền miên; mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực để đáp ứng nhu cầu “đủ ăn”. Còn nhớ, vào những năm 60 đã từng có một “Kim Ngọc” trong khoán nông nghiệp, mạnh dạn giao tư liệu sản xuất cho nông dân. Nhưng do bối cảnh lịch sử và nhận thức hạn chế cho rằng, nông dân được giao ruộng đất là xóa bỏ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sẽ tái diễn tình trạng phát canh thu tô, người bóc lột người. Vì thế mà mô hình khoán của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc bị đình lại, thậm chí bị phê phán gay gắt; đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp tiếp tục đình đốn thêm nhiều năm nữa.

Đến khi có Nghị quyết số 10 của Đảng (tháng 4 năm 1988) về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, lập tức sức sản xuất được giải phóng; ngay năm đó đã không phải nhập khẩu lương thực, thậm chí Việt Nam từng bước trở thành nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo!

Chính vì tin dân, biết dựa vào dân mà một nghị quyết của Đảng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách “thần kỳ” như thế và trở nên nổi tiếng với cái tên “Khoán 10”!

Cùng với Khoán 10, tư duy quản lí kinh tế cũng được đổi mới, từng bước thoát khỏi sự giáo điều, cứng nhắc và xa rời thực tế. Sự vận hành của nền kinh tế nhiều thành phần, rồi kinh tế thị trường định hướng XHCN đã giải phóng, huy động được nguồn lực trí tuệ và vốn to lớn trong dân, làm cho sản xuất phát triển, nền kinh tế có sự tiến bộ vượt bậc; cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, khẳng định vai trò trong nền kinh tế quốc dân. Đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có thương hiệu uy tín mang tầm quốc tế, có những triệu phú, tỉ phú USD… Chính vì tin dân, biết khơi dậy sức dân mà chúng ta có được những thành tựu đó.

Tuy nhiên, bước vào thời kì mới, thực tế cuộc sống đòi hỏi phải tiếp tục có những điều chỉnh trong đường lối, chính sách lãnh đạo, quản lý phát triển kinh tế. Trên tinh thần cầu thị, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) vừa qua đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng về lãnh đạo và quản lí kinh tế, gồm Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 10 phản ảnh rõ quan điểm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.

Như vậy, Đảng ta khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”. Trên tinh thần đó, phải xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.

Kinh tế tư nhân phải được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan toả rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Như vậy, với việc thông qua các nghị quyết về lãnh đạo và quản lý kinh tế tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, đặc biệt là Nghị quyết số 10 ngày 3-6-2017 “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Đảng ta đã thực sự cầu thị, tin dân, tin vào vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân, có chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh và bình đẳng với các thành phần kinh tế. Tin tưởng rằng, Nghị quyết số 10 (Hội nghị Trung ương 5, khóa XII) sẽ là một “Khoán 10” đối với nền kinh tế quốc dân, sẽ tạo nên sức bật mới cho sự phát triển của đất nước.



Trần Duy Hiển
.
.
.