Vốn sống và bản lĩnh cầm bút củaTrần Tử Văn
- Một nhà văn Hà Nội
- Nhà văn Chu Lai khiến nhiều nghệ sĩ sân khấu sững sờ
- Nỗ lực mới của nhà văn Lê Hoài Nam trong tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”
- Nhà văn Hòa Bình và “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”
1. Có những nhà văn khi bước vào làng văn nghệ, hầu như trước đó, họ chưa chuẩn bị gì. Thế nhưng, họ lại có những thành công rực rỡ.
Thời “tiền chiến” có thể kể đến nhà văn Lê Văn Trương, từ một thầu khoán, khai khẩn đất hoang, thậm chí cả buôn lậu vượt biên giới, với tập sách "Trước cảnh hoang tàn Để Thiên, Đế Thích" (1934), lập tức ông trở thành một cây bút sáng giá. Do cực kỳ nổi tiếng, ngay cả nhà văn Nam Cao khi vào nghề và có sách in, để sách bán chạy, nhà xuất bản phải cậy đến Lê Văn Trương viết tựa - mà tên ông in ngoài bìa to gấp mấy lần tên tác giả.
Nói như thế để thấy rằng, dù nhấn mạnh đến yếu tố nào đi nữa, thì vốn sống của một nhà văn luôn cần phải có. Vốn sống là một trong những yếu tố mà người mới vào nghề, muốn đi đường dài không thể thiếu... Và thế hệ chúng tôi, phải kể đến các đồng nghiệp như Trần Tử Văn, Võ Phi Hùng, Mạc Can v.v… Họ đã đến với nghề, dựng lên trang viết qua vốn sống cực kỳ phong phú. Nói cách khác vốn sống ấy, những gì đã trải qua chính là chất liệu mà người khác khó có thể “cạnh tranh”, nhờ vậy họ có được lối đi riêng biệt.
Nhà văn Trần Tử Văn vừa có tập sách "Vô bờ" (NXB Hội Nhà văn), ngoài bìa ghi rõ “Tuyển tập thơ văn kỷ niệm 40 năm cầm bút của tác giả 1977-2017” đã chứng minh điều đó. Tác phẩm dày đến 730 trang in là một thành quả lao động bền bỉ mà anh đã gặt hái được. Ở tập sách này, bạn đọc sẽ nhận ra ngồn ngộn vốn sống của một nhà báo lão luyện đã tác nghiệp bằng cảm hứng, bản lĩnh và kinh nghiệm.
Thời điểm tháng 5.1990, lúc ở đường Đồng Khởi (TP Hồ Chí Minh) rộ lên thông tin các cổ vật thời Khang Hy, Càn Long được bày bán công khai. Do đâu mà có? Tại sao cổ vật cực kỳ quý hiếm này lại tuồn ra thị trường?
Trần Tử Văn cho biết anh cùng đồng nghiệp Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã bỏ ra ròng rã 6 tháng trời điều tra vụ việc, “một loạt bài mà chưa lúc nào phải tốn nhiều công sức đến thế”. Lại nữa, khi được chọn là nhà báo duy nhất của thành phố được tham gia Đoàn Nhà báo Việt Nam quan sát các trại giam giữ thuyền nhân Việt Nam tại Thái Lan, Trần Tử Văn có những bài báo gây chấn động dư luận.
Cùng là sự kiện của báo chí, chất liệu của đời sống, thời cuộc đang diễn ra, với nhà báo chỉ dừng lại các bài báo, nhưng nhà văn lại khác. Một loạt tác phẩm của Trần Tử Văn qua hơn 30 đầu sách, 9 bộ phim truyện đã xuất bản, đã thực hiện không thể thiếu vốn sống ấy.
2.Tôi tin chắc rằng đã đọc các truyện ngắn truyện dài thuộc thể loại hình sự, trinh sát của Trần Tử Văn, ta phải “chịu” rằng: Ở đó hầu như không có chỗ của trí tưởng tượng, hư cấu mà cứ như thể các tình huống ấy, từ đời sống bộn bề, bụi bặm, gai góc đã bước vào trang văn. Đó là tình huống của tay du đãng, lưu manh trộm cướp hoàn lương; là cái trò lừa đảo khoác dưới lớp áo trí thức mê tranh nghệ thuật; là nỗi lòng của một người có con chó quý bị mất trộm, phải gian nan đi tìm cách chuộc ra làm sao; là thủ đoạn lừa tình để cướp đoạt tài sản; là tấm lòng của anh Cảnh sát khu vực chia sẻ với những mảnh đời dưới đáy xã hội v.v…
Tổng thể ở thể loại này của Trần Tử Văn vẫn là một bức tranh xã hội được phản ánh qua lăng kính tinh tế của một nhà văn. Mà nhờ do lấy chất liệu, tình tiết từ những gì đã chứng kiến, quan sát, thậm chí có lúc Trần Tử Văn đã “hóa thân” vào vai nhân vật, do đó, đọc anh, ta cảm thấy có sức hấp dẫn riêng. Chẳng hạn, truyện ngắn "Con chó trắng", dù cốt truyện không gì gây cấn nhưng bằng lối kể chuyện nhanh và gọn, tác giả đã lôi tầm mắt người đọc phải “đi tiếp” theo mạch câu chuyện, không thể “dừng lại” trên từng dòng chữ.
Tôi đã rợn cả người rồi toát ra một niềm cảm xúc khi đọc đến chi tiết lúc nhân vật xưng “tôi” đi theo bà chủ nhà vào một lò mổ chó rồi chứng kiến: “Thật bất ngờ, trong gian phòng tối tăm, hôi hám ấy, tôi thấy một gã đàn ông, đúng hơn là một thanh niên đang ngồi thu mình bên cột bêtông. Tóc anh ta phủ dài, quần áo nhăn nhúm, nhơ nhớp. Thấy người lạ, anh ta chồm lên nhưng thân người bị ghì lại bởi sợi dây xích sắt khóa chặt đôi chân vào cây cột. Người đàn bà giọng thều thào: “Ngồi yên đấy, đừng quấy khách”. Trần Tử Văn cho biết đó là con trai của gia chủ. Chưa hết, bà chủ nhà còn còn than thở về số phận của người chồng: “Ông ấy chưa già lắm, mới sáu mươi thôi, chết do chó cắn”.
Những chi tiết rất thật, rất đời đã nói lên điều gì? Trần Tử Văn không lý luận, bình luận, cứ bình tâm như không và dẫn câu chuyện đi tiếp cho đến lúc đặt cầu chấm cuối cùng. Anh viết rất “có nghề”, qua đó, khép lại truyện ngằn này thì dư vang của nó vẫn còn dội lại trong tâm trí người đọc.
Trần Tử Văn đã chọn cho mình một hướng đi không khác gì lớp đàn anh Nguyễn Quang Sáng. Nghĩa là, câu chuyện trong tác phẩm của anh đâu ra đó, có lớp lang, mạch lạc như vốn có và thừa sức lôi cuốn người đọc.
Nhưng chỉ có thể thôi ư?
Không, vốn nắm được yếu tố cần phải gây bất ngờ, Trần Tử Văn có thừa “ngón nghề” dẫn bạn đọc phải deo đuổi câu chuyện kể của anh. Tôi muốn thí dụ với tác phẩm "Kế hoạch J.96" từng đoạt Giải nhì Cuộc thi văn học do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức (1995), sau đó chuyển thể thành phim "Đô la trắng" (15 tập) của Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh. Ở đây, qua mỗi mạch chuyện, anh rất ý thức “bật mí” về sự dẫn dụ hấp dẫn kế tiếp. Chẳng hạn, sau "Cuộc tập kích trên đường 9", "Quán cà phê màu tím", lập tức anh chuyển qua “cao trào” gây cấn với "Lệnh truy nã của FBI". “Tông nóng” ấy, lập tức lắng xuống với "Cô gái đến từ Bangkok" để rồi anh lại chuyển đột ngột qua "Sói rừng sa bẫy", "Cái chết đầy bí ẩn" v.v… Nghĩa là thủ pháp của điện ảnh đã vận dụng khéo léo của một “đạo diễn” có tay nghề.
Một cây bút rành rẽ, chuyên nghiệp về thủ pháp bao giờ cũng khiến ta ngạc nhiên. Bởi chính điều này góp phần tạo nên diện mạo, bản sắc của một cây bút đeo đuổi và sống được với nghề.
3.Thơ của anh cũng thế. Nhiều tứ thơ bật ra bất ngờ, sắc lẹm và đã hằn vết trong trí nhớ. Chẳng hạn một kẻ “trưởng giả học làm sang”, tìm niềm vui bằng cách săn bắn chim chóc, thú rừng... Rồi số phận hắn ta thế nào? “Viên đạn cuối cùng của khẩu súng hơi/ Xuyên qua óc kẻ vui chơi tàn nhẫn/ Súng cướp cò hay oan khiên rửa hận/ Luật đất trời soi thấu luật nhân gian”.
Với các thể loại khác, nhà văn có thể che giấu mình nhưng với thơ thì không thể. Qua thơ, nội tâm tác giả hiện ra rõ nét lắm. Tôi ngạc nhiên khi anh quan sát đàn chim sà xuống sân, cất tiếng hót líu lo, rồi bỗng dưng vút cánh bay. Tại sao? Nào ngờ anh bật ra tứ thơ sắc và gọn: “Một thoáng bồi hồi/ Tôi chợt nhận ra/ Chim ta không tin/ Lòng dạ con người”. Nếu chỉ phản ánh hiện thực, cần gì phải dụng công đến thơ nữa? Phải từ hiện thực đó, nâng lên tầm một triết lý có tính khái quát chăng? Đúng thế”.
Nhận xét này đúng quá đi chứ. Và bây giờ đọc lại phần thơ của anh, nhiều người sẽ thật ngạc nhiên khi nhìn thấy ở đó còn là một sự “dự báo”.
Tôi sẽ không nói rõ thêm điều gì. Hãy cứ đọc thử một đoạn, để thấy Trần Tử Văn đã nói thế nào về một sự kiện vừa gây ầm ĩ trên báo chí: “Hồ sơ củi làm rạng danh phim Việt(?)/ Một khúc quanh lịch sử đến ngàn năm/ Một giấc mơ đẹp tựa ánh trăng rằm/ Đã cứu vãn cả một nền văn hóa”. Đọc xong, ắt ta lại tủm tỉm cười khi anh đã nhìn thấy sự kết thúc ngay từ lúc thiên hạ đang ồn ào, khua chiên gõ trống: “Hồ sơ củi đến bất ngờ và hủy diệt thật nhanh/ Như thánh tích Inca, giờ tựa như một bãi tha ma, lạnh tanh, cô độc”.
Thế đấy ai dám bảo thơ chỉ là thành quả của trí tưởng tượng trăng gió vu vơ?
4.Với ý nghĩa “Tuyển tập thơ văn kỷ niệm 40 năm cầm bút của tác giả 1977-2017”, khi đọc "Vô bờ", bạn đọc sẽ suy nghĩ đến nhiều vấn đề về cảm hứng của nghệ thuật. Và tôi cũng đã vừa phân tích qua góc nhìn của mình. Khi khép lại tập sách, tôi còn nghĩ thêm đôi điều sau trang sách bởi lẽ "văn là người”: Ấy là tình, cái nghĩa của Trần Tử Văn khi nhắc đến thế hệ đi trước, những đàn anh Huỷnh Bá Thành, Nguyễn Anh Linh, Vũ Quang Hùng… đã “tiếp lửa” cho anh từ ngày mới vào nghề. 40 năm rồi còn gì? Anh vẫn nhớ. Không quên. Cảm động lắm.
Với tôi, ngoài văn chương, điều mà tôi quý mến vẫn còn là nhân cách của nhà văn đó đó nữa.