Nhà văn Hòa Bình và “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”

Chủ Nhật, 17/09/2017, 14:13

“Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”, cái tên sách khiến người đọc dễ gờn gợn cảm giác ớn lạnh. Thế nhưng tác giả tập truyện – nhà văn, nhà báo Hòa Bình với nụ cười giòn tan, trong veo trong chiều mưa bão trên phố Sách Hà Nội lại  khẳng định: Thiên Đường ở đây không chỉ có nghĩa đen, bạn đừng e ngại! 


Nhà văn Hòa Bình hiện nay đang là phóng viên báo Người lao động. “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” là tập truyện  ngắn mới nhất của chị sau hàng loạt tập sách: Vòng tròn im lặng (truyện ngắn năm 1997), Ngày hôm qua (truyện ngắn năm 1999), Sông phù sa (truyện ngắn năm 2000), Gọi con người (tiểu thuyết năm 2009), Cocktail café, kem và mặt trời (truyện ngắn năm 2015).

Nhà văn Hòa Bình đầy vẻ tinh nghịch cùng tập truyện "Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường"

Trao đổi về tập truyện còn vương mùi giấy mới, nữ nhà văn cho biết, thời gian qua chị nhận được rất nhiều thắc mắc từ bạn đọc rằng tại sao là “Cuộc hẹn ở cổng Thiên Đường”? Tên sách mang lại cảm giác sờ sợ cho người yếu bóng vía. 

Tuy nhiên, nếu đọc sách, độc giả sẽ dần nhận thấy, thiên đường còn mang một nghĩa khác. Ngay từ cái bìa sách, hoạ sĩ trẻ Quốc Anh đã bày tỏ sự đồng cảm với tác giả cuốn sách, bằng cách tạo ra một cái bìa hai lớp, ở giữa có khoét một chiếc cổng cách điệu rất … Thiên Đường.

Tập truyện "Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường" 

Bao gồm 12 truyện ngắn, được sắp xếp theo mùa: xuân, hạ, thu, đông, “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường” mang lại nhiều cảm xúc, từ sự lãng mạn, trẻ trung của tuổi thanh xuân với trái tim yêu cuồng nhiệt đến sự hồi hộp từ những lằn ranh sinh tử mà có thể bước qua sẽ là chốn thần tiên. Nhưng, không phải ai cũng chọn bước tiếp. Họ chọn quay trở lại để tiếp tục dấn thân với cuộc đời.

Giao lưu với bạn đọc tại phố Sách, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan nhận định: ở tập truyện “Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường”, Hòa Bình tìm lối khám phá nỗi cô đơn, cảm giác lẻ loi thậm chí cô độc của những cư dân đô thị trung niên và còn trẻ. 

Tình trạng bất toàn hay khiếm khuyết nhân cách - thân thể có một xuất phát điểm là những cá nhân đơn độc. Khiếm khuyết mà các nhân vật ở đây phải đối mặt dường như phát lộ bởi những thành đạt của họ.

Các trang sách đậm đặc sự cô đơn của con người trong đời sống xã hội hiện đại

 Trong truyện “Người đi đâu” nữ nhân vật chính là một kiểu mẫu người-trong-mơ với xã hội hiện đại. “Bà ấy” là một bà mẹ đơn thân, không “cặp” với ai quá ba tháng mà không chán, rồi bỗng rơi vào say đắm một anh trai trẻ. Sự thành đạt có thể mang nhiều diện mạo khác. Nhân vật “anh” trong truyện “Đi về phía vô cùng” hiện ra như một “cổ cồn” điển hình, một trang nam nhi thành đạt mắc chứng rối loạn cương dương không dám nói ra dù với bác sĩ.

 Hay là, còn thời thượng hơn, kiểu thành đạt của ba người đẹp trong truyện “Vòng ôm hoàn hảo của người mua nỗi buồn,” ba thiếu phụ lộng lẫy được gọi tên “Số Một, số Hai, số Ba”. Hai tiếng “tình yêu” từ đối thoại của ba thiếu phụ mỹ miều vang lên nghe có vẻ thách thức và xa xỉ, gần như một thứ gì đó bên ngoài thân thể.

Hòa Bình bên giá sách và tập truyện mới

 Dường như các câu chuyện “tình yêu” xuyên suốt chi phối tất cả những truyện trong tập này đều nắm giữ vai trò mã hóa sự biểu hiện của một nhân cách. Sự hầu như tê liệt của “tình yêu” (phương diện tinh thần) trong truyện “Đi về phía vô cùng” cũng có hiệu quả đó. Nó khiến ta thấy rằng nỗi cô đơn xét cho cùng là một biểu hiện, hay là một kích thước của thiếu hụt nhân cách.

Có thể nói, sau “Cocktail, café, kem và mặt trời” thì Hòa Bình dường như dành tập truyện này cho những bước thăm dò về những cảnh trạng cô đơn trong náo nhiệt, những cái lẻ loi dù sao cũng vẫn rất đa dạng sôi động lôi cuốn và thấm đẫm đam mê của cõi trần.

Về phía nữ nhà văn cũng cho biết, “đam mê cõi trần” của chị thì vô cùng. Dù bận rộn với cuộc sống, công việc làm báo đến thế nào, Hòa Bình tự hứa với độc giả và với chính mình rằng ít nhất, 2 năm chị sẽ có 1 đầu sách để ra mắt bạn đọc. Đơn giản, với chị, viết văn không chỉ là đam mê nhất thời nữa…

N.H
.
.
.