Sự tỏa sáng của một nữ diễn viên đoản mệnh

Thứ Ba, 13/02/2018, 13:30
Phi Nga đã gây được ấn tượng đặc biệt khiến khán giả không thể quên, không phải vì chị là nữ diễn viên đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam mà là đã thực sự tỏa sáng, để lộ một tài năng về diễn xuất và những tố chất quý hiếm của một diễn viên điện ảnh. Bởi khi đó – lúc đóng phim “Chung một dòng song”, ở tuổi 24, Phi Nga hoàn toàn là người “ngoại đạo”...


Đến hôm nay, nền điện ảnh nước ta đã có bước phát triển đáng kể với nhiều tác phẩm có giá trị lớn về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, cùng nhiều tên tuổi nghệ sỹ nổi tiếng, trong đó có nhiều gương mặt nữ diễn viên sáng giá. Tuy vậy, người ta vẫn không thể quên một người ngay từ lần đầu tiên xuất hiện đã gây được ấn tượng sâu đậm cho người xem bởi lối diễn hết sức giản dị, mộc mạc nhưng có chiều sâu và lột tả được hết tính cách, tâm trạng của nhân vật.

Điều này không phải ai cũng đạt được. Ngay cả những diễn viên lớn, nổi tiếng ở trong nước cũng như thế giới không ít người phải tới những phim về sau mới gặt hái được thành công.

Chắc bạn đọc đã nhận ra. Đó là Phi Nga – người sắm vai Hoài trong bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam có tên “Chung một dòng sông”. Như đã nói, Phi Nga đã gây được ấn tượng đặc biệt khiến khán giả không thể quên, không phải vì chị là nữ diễn viên đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam mà là đã thực sự tỏa sáng, để lộ một tài năng về diễn xuất và những tố chất quý hiếm của một diễn viên điện ảnh. Bởi khi đó – lúc đóng phim “Chung một dòng song”, ở tuổi 24, Phi Nga hoàn toàn là người “ngoại đạo”.

Phi Nga trong vai Hoài, phim "Chung một dòng sông".

Năm 1959, đến thời điểm bộ phim này ra đời, trước đó nước ta chưa sản xuất được phim truyện mà mới chỉ có phim thời sự, phóng sự, tài liệu. Đây là phim truyện đầu tiên nên có thể nói toàn ngành văn hóa lúc đó – chứ không chỉ điện ảnh - để tâm đến tác phẩm này. Lúc còn sống, đạo diễn Phạm Kỳ Nam  (Phạm Hiếu Dân) kể lại: Khi được trao nhiệm vụ cùng Hồng Nghi đạo diễn phim này, mọi việc đã chuẩn bị xong. Hai nhân vật chính của phim là Vận và Hoài là đôi uyên ương yêu nhau nhưng bị quân ngụy bên bờ Nam sông Bến Hải chia rẽ, phá. Vận đã có diễn viên Mạnh Linh thủ vai.

Nhưng Hoài – cô gái sống ở bờ Nam - thì tìm mãi vẫn chưa được. Hai đạo diễn và các trợ lý bổ đi tìm khắp nơi, đến nhiều đoàn văn công ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác vẫn chưa tìm ra. Người có ngoại hình, gương mặt phù hợp thì vì là diễn viên sân khấu nên diễn cứng, có phần lên gân, mà diễn xuất trong phim lại đòi hỏi phải hết sức dung dị, tự nhiên như cuộc sống đời thường vậy, không thể có sự ước lệ, cách điệu như trên sân khấu.

Kế hoạch hoàn thành bộ phim mỗi ngày mỗi cận kề khiến đoàn làm phim rất sốt ruột. Đúng lúc đó, có một cô gái ăn mặc giản dị, thậm chí là xuềnh xoàng đến xin thử vai. Mới chỉ quay thử có một “đúp”, đạo diễn và các thành phần khác của đoàn làm phim đều reo lên: “Hoài đây rồi! Không thể kiếm ở đâu được nữa”. Và cô gái chính thức được chấp nhận.

Đó là Phi Nga, khi ấy chưa được đào tạo một chút gì về diễn xuất trong phim. Đáng ngạc nhiên là mặc dù vậy nhưng cô vào vai rất “ngọt”, rất thuần thục, cứ như đã lâu năm trong nghề và từng đóng nhiều phim với lối diễn dung dị, có chiều sâu nội tâm, không thiên về ngoại hình như nhiều người vẫn mắc và lột tả được đúng tính cách nhân vật.

Phạm Kỳ Nam là đạo diễn đầu tiên ở nước ta được đào tạo chính quy, bài bản ở Pháp vốn dĩ rất khó tính trong nghệ thuật. Nhận được lời khen của ông không dễ. Vậy mà ông phải nói: “Không dễ gì có được một Phi Nga thứ hai. Cô ấy chưa được học gì về nghề mà diễn được như thế. Nếu được đào tạo và là diễn viên chuyên nghiệp hẳn là còn tiến xa hơn nhiều”. Lúc Phạm Kỳ Nam còn sống, với tư cách phóng viên nghệ thuật ở một tờ báo, tôi thực hiện một bài phỏng vấn ông. Khi tôi hỏi: “Ông là một đạo diễn giỏi, rất có uy với các thành viên trong đoàn làm phim, vậy có bao giờ gặp phải trường hợp diễn viên không nghe theo lời ông chỉ đạo mà muốn diễn khác đi không? Khi ấy ông có khó chịu?”.

Phạm Kỳ Nam cho biết, không những ông không khó chịu, mà còn rất thích nếu diễn viên thực sự muốn sáng tạo chứ không phải là tỏ vẻ giỏi hơn người khác. Và ông dẫn chứng luôn trường hợp Phi Nga trong phim “Chung một dòng sông” – bộ phim đầu tiên ông hành nghề sau khi học ở Pháp về. Ông kể, trong phim có chi tiết nhân vật Hoài (Phi Nga đóng) là một cô gái sống ở bờ Nam sông Bến Hải có nhan sắc, lại dịu hiền nên được tên đồn trưởng ngụy có tên Xếp Xướng rất mê, có ý muốn lấy làm vợ. Tên này một lần sai thuộc hạ xách hai con vịt đến nhà Hoài để tặng nhằm lấy lòng cô và người mẹ già. Hoài đi vắng, chỉ có mẹ ở nhà.

Bà không nhận, tỏ thái độ khó chịu. Giữa lúc đó thì Hoài về. Tên lính lại tiếp tục thuyết phục cô nhận và nói: “Cô được đồn trưởng để ý là phúc tổ đó”.

Đã có người yêu sống bên bờ Bắc, lại vốn dĩ ghét tên đồn trưởng hống hách, bị dân coi khinh nên Hoài kiên quyết yêu cầu tên lính cầm đôi vịt về. Hoài nói với tên lính: “Ông cầm về đi”. Cô chỉ nói có thế với sắc mặt không thể vui tươi như vốn dĩ vẫn có.

Đạo diễn Phạm Kỳ Nam nói với Phi Nga: “Hai mẹ con cô rất ghét cái thằng đồn trưởng này. Nó biết rõ cô đã có chồng chưa cưới mà vẫn cố tình tán tỉnh, ve vãn. Hẳn là cô rất khinh và bực mình. Vậy cô chỉ phản ứng như vậy thôi sao? Phải mạnh mẽ hơn nữa chứ”.

Phi Nga nói với đạo diễn: “Em nghĩ nhân vật Hoài là một cô gái miền biển có tính cách rất chân phương, hiền lành. Dù sao thì mẹ con cô và dân làng vẫn phải hàng ngày sống trong sự kiềm tỏa của chính quyền ngụy, gây hấn khiến tên đồn trưởng thù ghét sẽ chỉ có hại cho cuộc sống hàng ngày nên em nghĩ chỉ cần phản ứng như thế. Nếu biểu hiện thái độ mạnh hơn, ví như nói nặng, xúc phạm đến thể diện của nó thì nó sẽ cay cú, thành oán thù sẽ bất lợi. Vậy nên đạo diễn hãy cho phép em biểu hiện như thế”.

Bức tranh đạo diễn, họa sĩ, nhà thơ Phan Vũ vẽ Phi Nga – người vợ ông rất đỗi yêu quý, cảm thương.

Nhiều người gật gù, tán thưởng. Phạm Kỳ Nam nghe thấy có lý và chấp nhận. Ông càng quý người nữ diễn viên trẻ khi ấy không là diễn viên chuyên nghiệp mà có bản lính, có chủ kiến và độc lập suy nghĩ, không chỉ làm theo đạo diễn như một cái máy.

Sau thành công ở “Chung một dòng sông”, Phi Nga được tham gia đóng nhiều phim khác như “Vật kỷ niệm”, “Trên vĩ tuyến 17”, “Rừng O Thắm”, “Vợ chồng anh Lực”… Vai chị Lành trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” là vai cuối cùng Phi Nga đóng phim nhựa. Dù là vai phụ nhưng khi đã nhận, chị cũng diễn hết mình, hoàn tất một cách tốt đẹp đối với yêu cầu của các đạo diễn.

Là một diễn viên tài năng nhưng ta thấy số lượng phim chị tham gia không nhiều là bởi, ngay từ lúc chưa đến 40 tuổi, chị đã mắc bệnh tim, không thể làm được những việc nặng, mà đóng phim nhiều khi là một thứ lao động rất vất vả. Rồi chị bị tai biến mạch máu não. Sau 10 năm chống chọi với căn bệnh quái ác này, chị vĩnh viễn ra đi ở tuổi 49 (1984).

Không may mắn do sớm bị bạo bệnh, nhưng chị đã có được một người chồng hết lòng yêu thương, chăm sóc mình chu đáo. Một người chồng bình thường có phẩm chất đó đối với vợ đã là rất đáng quý. Chồng chị lại là một văn nghệ sỹ có tài và nổi tiếng... đào hoa. Ông là đạo diễn, nhà biên kịch, họa sỹ, nhà thơ Phan Vũ, từng được không ít bóng hồng vây quanh. Mặc dù rất thân và quý Phan Vũ nhưng từng có người bạn khi thấy Phi Nga yêu và định lấy đạo diễn này đã khuyên chị nên dừng lại, chọn người khác vì sớm muộn sẽ chuốc lấy đau khổ. Nhưng Phi Nga đã tuyên bố xanh rờn: “Nếu tìm được ai hệt như Phan Vũ, em sẽ nghe theo lời khuyên”.

Chị “say nắng” Phan Vũ từ một lần chứng kiến đạo diễn dàn dựng một vở kịch. Thấy một diễn viên làm mãi không đạt được ý mình, Phan Vũ tỏ ra rất phiền lòng, bức xúc và phản ứng mạnh mẽ. Cô phát thanh viên ở Đài Phát thanh Nam Bộ khi ấy đã rung động cái tính cách rất đàn ông và sự nghiêm túc, khó tính trong nghệ thuật của người đạo diễn mà mê chàng.

 Về phía Phan Vũ, tuy chưa phải là một cú sét ái tình khi gặp Phi Nga, nhưng ông cảm mến, bị thuyết phục bởi sự dịu dàng, vẻ đôn hậu của cô gái rất chân thành với mình. Và ông mang điều đó theo suốt cuộc đời để dành cho cô những sự ân cần đặc biệt khi sống đời sống vợ chồng. Lúc Phi Nga ngã bệnh, ông một tay chăm sóc. Ông đèo xe rồi cõng vợ vào những nơi gặp mặt, hội họp hoặc xem phim vì vợ không thể vận động.

Có lần Phi Nga được chồng cõng suốt cả chục cây số từ nhà đến bệnh viện vì không thể chở bằng xích-lô, bởi bất cứ va động nào cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng, mà thời đó chưa có taxi như sau này. Những ngày cuối đời, khi đã mất trí nhớ, mỗi khi Phi Nga tỉnh, muốn yêu cầu việc gì là chỉ gọi một tiếng “Vũ”. Còn Phan Vũ nói rằng, mình đa cảm, dễ rung động nên không tránh khỏi có những giây phút xao xuyến trước các bóng hồng nhưng cứ nghĩ đến vợ là lại không thể dấn thân vì rất thương vợ, sợ nàng tổn thương.

Dẫu số lượng phim Phi Nga đóng chưa nhiều do sớm mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng chị cũng đã kịp để lại những dấu ấn không dễ phai mờ trong lòng công chúng và bạn bè đồng nghiệp. Thật tiếc cho một tài năng sớm ra đi. Nếu không sớm bị trọng bệnh ở tuổi 30, hẳn là Phi Nga còn để lại thêm nhiều vai diễn giá trị.

Nguyễn Đình San
.
.
.