Nghệ nhân Nguyễn Bá Lam: Một đời đam mê nghệ thuật tuồng

Thứ Hai, 12/12/2016, 08:25
Cụ Nguyễn Bá Lam 96 tuổi- Nghệ nhân ưu tú duy nhất trong lĩnh vực nghệ thuật tuồng ở tỉnh Bắc Giang từng hóa thân vào biết bao vai hoàng tử tài hoa, phong trần nhưng ngoài đời ông lại rất giản dị và đích thực là một nông dân chính hiệu. Đặc biệt, khi nói về tuồng, bao đam mê lại trỗi dậy trong ông.


Duyên phận với tuồng

Bước vào con ngõ sâu hun hút và hẹp chỉ đủ cho hai người đi bộ tránh nhau, sau vài bận hỏi đường cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nhà “cụ Lam tuồng”. Ở cái làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên này nếu hỏi cụ Lam thì nhiều nhiều còn ngờ ngợ chứ cứ hỏi về “Cụ Lam tuồng” thì nam nữ, lão ấu tất cả đều tường tận. Còn ở tỉnh Bắc Giang còn duy nhất làng Thổ Hà giữ được nghệ thuật tuồng cổ và cả tỉnh cũng chỉ có cụ Lam được phong danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực này.

Ngôi nhà cụ Lam ở chung với con cháu chỉ cách sông Cầu vài bước chân. Các lối nhỏ từ ngõ và sân được phơi kín giàn bánh đa nem. Không giống với hình dung ban đầu của tôi về một nghệ sĩ quắc thước vẫn thường thấy ở sân khấu tuồng, cụ Lam có vóc dáng nhỏ thó và khuôn mặt thanh tú. Ở tuổi 96, cụ Lam được xem là còn rất minh mẫn và tinh anh.

Được chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về tuồng, nghệ nhân liền hào hứng và rất nhiệt tình. Cụ bảo, tuồng của làng có từ thời các cụ. Tuy tất cả diễn viên ở đây không được đào tạo qua trường lớp nào cả, chủ yếu là người trước truyền dạy người sau, lớp trẻ đi theo những bậc tiền bối trong làng “học lỏm” lẫn nhau, qua sách vở và xem tivi nhưng họ diễn rất chuẩn mực và giữ được “khuôn vàng thước ngọc” từ thời các cụ ngày xưa.

Cái duyên hát tuồng đến với cụ Lam khá sớm, khi lên 10 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Bá Lam ngày đó đã đi theo phục vụ phường tuồng của làng. Thấy nhanh nhẹn lại ham học hỏi nên sau này được người chú ruột là trùm trưởng phường tuồng tên là Nguyễn Bách Cốc ưu ái chọn đi diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Lam cao hứng với một đoạn tuồng cổ.

Làng những năm 40 của thế kỷ trước có tận 2 phường tuồng do trùm cụ Cốc và trùm cụ Tre đứng đầu. Nghệ nhân bảo: "Hồi đó nghèo nhưng được đi diễn thì vui và hãnh diện, trang phục diễn đều phải tự bảo nhau may sắm, sau mỗi vở được dân làng mời ăn cơm và cho chút tiền thì thích lắm".

Phận tằm muôn kiếp nhả tơ

Ngần ấy tuổi, cụ Lam chẳng biết nghệ thuật tuồng có ở đây từ thuở nào, chỉ biết rằng hết đời này qua đời khác, người dân vẫn trao truyền cho nhau từ kịch bản, tích truyện, trang phục, vai diễn cho đến cách hóa trang, điệu bộ, cử chỉ riêng. Từ thuở thiếu thời, nghệ nhân đã từng sắm nhiều vai chính diện và thuộc diện “hát hay, diễn đẹp” trong các vở tuồng cổ như: Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tống Địch Thanh, Tam nữ đồ vương, Chinh Đông chinh Tây... Giờ tuổi cao nhưng hễ biết làng có diễn tuồng ở sân đình là cụ lại chống gậy hoặc nhờ con cháu đưa ra xem.

Cụ bảo: “Thấy người ta diễn mà tôi phấn khích quá, chân tay cứ rung lên bần bật như muốn bước ngay ra sân khấu”. Nói rồi cụ cũng vung tay chao đảo diễn cho chúng tôi coi một đoạn, giọng điệu dù đã hụt hơi nhưng vẫn rất hào sảng: “Từ thuở... Tây thành biệt phủ/Qua... ký Bắc tầm sư”.

Như để chúng tôi hiểu thêm, cụ phân bua ngắt quãng: "Đó, khi ra sân khấu diễn viên thường chào hỏi bạn diễn bằng câu nói ấy. Cụ tiếp tục nhập vai Lã Vọng: "Nay gặp buổi... trời êm... gió mát/ Ta mau tới chốn.. thạch bàn/ Ngộ là... đặng này ta... câu cá".

Nghệ nhân chia sẻ: Với tuồng cổ, mỗi lời nói, cử chỉ, động tác, mỗi bước chân đi đều phải theo bộ, có bộ mới ra tuồng. Diễn đúng chất cổ thì diễn viên luôn phải nhìn theo hướng tay vung, như vậy mới khôn tuồng. Diễn tuồng vất vả, nếu không có sức khỏe thì không thể diễn được và ngược lại, nếu diễn thường xuyên thì thấy người cường tráng. Từng điệu bộ, thao tác diễn tuồng rất khó thể hiện, đơn cử như động tác vuốt râu, chèo cây, múa kiếm, chèo đò cưỡi ngựa… phải thể hiện sao cho thật giống để người xem liên tưởng như thật ngoài đời.

Làm sao câu hát dáng vẻ điệu bộ và cả hành động phải ăn khớp, phù hợp, như vậy khán giả xem mới không thấy sự “vô duyên”. Đôi khi một động tác thôi phải tập đi tập lại nhiều ngày”. Trong suốt câu chuyện, thỉnh thoảng nghệ nhân lại nhắc lại “Do vóc dáng nhỏ, sức bé nên tôi không thể đóng kép tướng mang đai mang, mang giáp mà thường được giao vai hoàng tử, giáo đầu hay vai kép con". Cụ được tin tưởng giao vai “giáo đầu” vì người đóng vai này cần phải hiểu và thành thạo các làn điệu của vở diễn đó, giáo đầu giống như người dẫn chương trình của vở tuồng.

Đã bao đêm cụ mơ về dĩ vãng, những thanh âm nhịp điệu trống tuồng cắc, tùng ấy vẫn len lỏi vào cả giấc ngủ của cụ. Trong trí nhớ ấy còn vấn vương với gánh tuồng, những đêm diễn là tâm điểm thu hút khán giả trong vùng lân bang chèo thuyền qua sông đến xem. Những cân đai áo mão, mặt nạ đỏ vàng thuở xưa thường hiện về theo mỗi bước chân nhịp nhàng, theo mỗi điệu múa khoan thai...

Tuồng Thổ Hà thuộc loại “tuồng pho” có nhiều chương, hồi và diễn nhiều đêm nên có khi diễn thâu canh. Ngày xuân hay khi làng vào đám, hễ nghe nổi trống là người già lẫn trẻ nhỏ kéo ra sân đình xem tuồng, không khí rạo rực đến khó tả.

Còn nặng lòng với tuồng nên điều khiến nghệ nhân cứ day dứt, đó là lớp trẻ bây giờ không còn nhiều người thích theo học tuồng nữa. Cuộc sống thực đằng sau cái "mặt nạ" được bôi trát tầng tầng lớp lớp phấn son, mũ áo chính là nghề làm bánh đa nem, nuôi lợn và nấu rượu truyền thống  bao đời nay của người dân Thổ Hà. Thật may, hiện tại tuồng vẫn có một vị trí quan trọng trong đời sống người dân nhưng tương lai thì chưa có gì bảo đảm tuồng tại đây sẽ không bị mai một.

Chúng tôi chia tay cụ Lam khi cơn mưa chiều đã nặng hạt, đường làng thưa vắng bước chân người. Vậy mà câu hát tuồng của nghệ nhân ấy vẫn cứ len lỏi trong tâm trí như níu kéo bước chân lữ khách. Đâu đó trong tôi lại nhớ về câu ca cổ: “Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy/Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi”.

Kim Sa
.
.
.