Sáu đời nghệ nhân giữ lửa cho ca trù Việt

Thứ Hai, 22/08/2016, 17:33
94 năm sống trên đời là ngần ấy thời thời gian ông giành hết tình yêu cho ca trù. Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm đưa ca trù đến gần với công chúng hơn, tìm truyền nhân cho cây đàn đáy số một Việt Nam. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ ở thôn Cao La, (xã Dân Chủ, Tứ Kỳ, Hải Dương).


Gia tộc giữ phách ca trù

Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ thuộc thế hệ thứ sáu trong gia đình có truyền thống hơn sáu đời truyền dạy, mưu sinh hằng ngày để giữ hồn cho ca trù Đất Việt. Bước sang cái tuổi 94 nhưng nghệ nhân đất mẹ vẫn ngày ngày truyền dạy những ngón đàn, câu ca đến với những người trẻ với mong muốn gìn giữ chút chút hồn cốt cho ca trù đất Việt. Ông được vinh danh là Đệ nhất danh cầm đất Việt.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trong một lần nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2010.

Sinh ra trong gia đình ở thôn Cao La, (xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) nên ông Sớm được thừa hưởng tinh hoa cho ca trù đất Việt. Gia giả ghi lại rằng tất cả các cụ trong vòng 6 đời trở lại đây đều xem ca trù như vật cầm kế sinh nhai, gắn với nghiệp cầm ca đường phố. “Cha đi gãy đàn, mẹ cầm ca”, đàn con lẽo đẽo theo sau và rồi những lời ca, tiếng hát dần quen. Từ thuở lên 5, lên 7, hai anh em Nguyễn Phú Đọ và Nguyễn Phú Đẹ đã xách mũ theo sau cha mẹ để học mưu sinh bằng kiếp cầm ca. Ở tuổi mà nhiều đứa trẻ còn đang vui chơi thì cậu bé Đẹ đã tìm đến với ca trù học từng ngón đàn, miếng ca để mưu sinh trên những con phố mỗi ngày.

Sau hơn 4 năm theo chân cha mẹ, ông Đẹ bắt đầu cầm cây đàn đáy đi biểu diễn ở khắp các con phố. Ông mưu sinh bằng lời ca, miếng đàn của chính mình. Mỗi ngày một địa điểm, nay Hà Nội, mai Bắc Ninh, Hải Phòng, ngày kia là Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang. Theo thời gian, tiếng đàn, lời ca dần trở nên quen thuộc, có lẽ tình yêu ca trù đã hình thành từ khi nào không biết. “Những ngày tháng tôi cùng cây đàn đáy rong ruổi đi khắp đây đó hát ca trù cả ngày lẫn đêm cũng vì nghiệp mưu sinh và mong muốn lưu giữ chút hồn quê. Không ít hôm tôi vừa đi ra đường gặp khách mời là gãy đàn ca từ 8 giờ sáng đến tận 9 giờ tối không ăn gì, chỉ cầm hơi bằng cốc trà xanh. Những ngày đó, tình yêu tiếng đàn, lời ca đã lấn át cái đói” – ông Đẹ hồi tưởng lại.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ ngày ngày gãy đàn, ca hát với mong muốn lưu giữ cho ca trù Việt vang xa hơn, nhiều thế hệ trẻ biết đến hơn.

Đó cũng chính là quảng thời gian ông thấy yêu tiếng đàn nhất vì suốt cả mấy chục năm trời chỉ có cây đàn bầu bạn. Trong quá trình lấy nghiệp cầm ca để mưu sinh, sau mỗi chuyến đi dài ngày ông trở về với quê nhà để nghe những lời tâm sự từ ông nội và học thêm những ngón đàn, điệu hát mới. “Người hát ca trù ngoài việc thể hiện chuẩn nhịp, phách trong từng câu ca, lời nhạc thì cần phải liên tục làm mới mình để thổi hồn vào lời ca tiếng hát. Có như vậy người qua đường mới không tiếc khi dừng lại xem nghệ nhân đàn ca” – Ông tâm sự trong nghề.

Trong mỗi bài hát, ông luôn phải chú ý gãy đàn đúng cung bậc, nhấn đúng điểm, tạo ra âm điệu trong trẻo rắt rẻo gieo vào lòng người nghe. Trong quá trình theo đuổi nghiệp cầm ca ông luôn phải ẩn mình và tạm quên đi cây đàn đáy cùng tiếng hát ca trù để cùng dân làng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, đôi khi nhớ đàn, nhớ tiếng hát cụ lại lấy đàn ra góp vui cùng mọi người, tiếng đàn của cụ vang xa tận nơi chiến trường.

Góp phần “làm sống lại” lối hát cửa đình

Tưởng như hình thức hát cửa đình đã không còn với người dân đất Việt nhưng chính nhờ có Đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ không quản ngày đêm phục dựng lại lối hát cổ này. Giờ đây khi qua đình Hàng Kênh, (Hải Phòng) du khách sẽ có dịp thưởng thức lối hát cửa đình đã từng một thời là thứ gì đó khiến bao đời vua chúa đến dân thường mê mẩn. Để lối hát cửa đình được phục dựng như hôm nay những người hát ca trù ở Hải Phòng đã lặn lội qua ngày đến xin Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ xây dựng nguyên vẹn hiện trạng lối hát cửa đình. 

Những nghệ nhân, nghệ sĩ ngày làm việc, đêm lặn lội từ Hải Phòng qua Hải Dương để học lối hát cửa đình do cụ Nguyễn Phú Đẹ phục dựng. Quá trình “hồi sinh ca trù” trải qua khoảng 300 ngày đêm mày mò, nghiên cứu để được thấy lại 14 thể cách hát cửa đình trong 70 phút. Lối hát không đơn thuần chỉ là hai người mà có sự kết hợp của cả đoàn nghệ nhân đứng hát, diễn xướng, ca múa. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cho biết, canh hát đầu tiên giới thiệu về sự sống lại của lối hát cửa đình được thể hiện tịa Đình Hàng Kênh, (quận Lê Chân, Hải Phòng).

Để phục dựng lại lối hát cửa đình cho câu lạc bộ ca trù ở Hải Phòng phải mất nhiều thời gian, tìm lại nhiều sổ sách cũ vì có những lối hát mình không thường xuyên thể hiện nên khó nhớ hết. Lối hát cửa đình phục dựng ở Hải Phòng gồm 5 lớp diễn, cả hát đứng lẫn hát ngồi, 14 thể cách, mở đầu bằng lời diễn xướng hát cửa đình của đào hát.

Danh cầm nức tiếng với làn điệu ca trù, ông cũng chính là người duy nhất còn lại có thể vừa ôm đàn vừa đứng hát lối hát Cửa đình.

Bên cạnh đó, ông Đẹ cũng đứng ra tổ chức một số câu lạc bộ, nhóm ca trù tại một số địa bàn thuộc tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam. Không quản già, trẻ, gái, trai, hễ cụ thấy ai có tâm huyết, quyết tâm học là ông truyền dạy. Các học trò của ông rất nhiều nhưng đến nay tâm đắc nhất chỉ có hai học trò Hoằng và Huệ ở Hà Nội. Ngoài ra, trong gia đình ông cũng tìm được một cháu gái ngoại để truyền lại hồn cốt của dân tộc.

Học ca trù không phải ngày một ngày hai là xong mà đỏi hỏi cả quá trình. Để thành nghiệp được thì phải tham gia học ít nhất 5 năm, lâu hơn có thể lên đến bảy, tám năm. Sau thời gian này, người học mới chỉ tạm gọi là biết hát, muốn hát giỏi cần quá trình học nhiều năm liên tiếp, thậm chí là học đến già vẫn chưa hết. Những thanh nhạc, nốt thăng, trầm, điểm nhấn trong ca trù khiến người học khó hiểu nhưng nếu ai chú ý sẽ làm quen rất nhanh.

Có lẽ vì những lý do đó mà cho đến nay với ông vẫn chưa thực sự tìm thấy một truyền nhân thực sự. Bước vào cái tuổi gần đất xa trời nhưng ngày ngày ông vẫn truyền dạy những lời ca, tiếng hát cổ đến với thế hệ trẻ ở khắp miền bắc. Ông cho biết, sẽ đi truyền dạy ca trù, nghệ thuật gãy đàn đáy đến khi nào tim ngừng đập. “Tôi chỉ dừng việc đi tìm truyền nhân cho đến khi trái tim ngừng đập. Chân bị tật có thể ngồi xe, mắt kém có thể đeo kính, tai nghe không rõ có đồ trợ thính – Người nghệ nhân ngang dọc một thời khắc khoải.

Gắn bó gần như cả cuộc đời với ca trù và có công lớn trong việc phục dựng làn điệu cổ của dân tộc, năm 2005 ông nhận huy chương vàng liên hoan ca trù toàn quốc, năm 2006 được phong tặng nghệ nhân dân gian. Năm 2010 đến nay, ông liên tiếp vinh được nhận giải thưởng Đào Tấn cùng nhiều giải thưởng ghi nhận công sức của cụ với ca trù từ cấp tỉnh đến cấp Quốc gia.
Trí Kiên
.
.
.