NSND Tạ Duy Hiển: Ông tổ của xiếc Việt Nam hiện đại

Thứ Bảy, 13/06/2020, 08:39
Trong khuôn viên Rạp xiếc Trung ương, bức tượng bán thân của NSND Tạ Duy Hiển được đặt ở một chỗ rất trang trọng. NSND Tạ Duy Hiển là ông tổ của xiếc Việt, người khai sinh ra nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại. Ông cũng là người được truy tặng danh hiệu NSND ngay đợt đầu tiên vào năm 1981 vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật xiếc Việt.


1.Trong ký ức của người cháu - một trong những học trò xuất sắc nhất của NSND Tạ Duy Hiển, NSƯT Tạ Duy Hùng chia sẻ: "Ông là người hiếm có, bởi ngoài đam mê nghệ thuật, ông còn không ngừng mày mò, tìm tòi và học hỏi để phát triển nghề xiếc, Việt hóa một loại hình nghệ thuật vốn du nhập từ nước ngoài".

NSND Tạ Duy Hiển sinh ra trong một gia đình nghèo tại phố Cầu Đất, bố làm nghề đánh xe ngựa, còn mẹ bán lòng lợn ở chợ. Tuổi thơ của ông quăng quật, nghèo khó. Đến tuổi thanh niên, ông chuyển qua nghề đánh xe ngựa, chuyên phục vụ các đám hiếu, hỉ và cả chở khách. Năng khiếu xiếc của Tạ Duy Hiển có lẽ phát tiết ngay từ thời gian này khi ông dạy ngựa biết dùng mõm nhặt tiền, dùng móng gõ xuống đất để đếm và mong đó là cách gây ấn tượng để lần sau khách tìm đến xe mình.

Đầu thế kỷ XX, có rất nhiều gánh xiếc nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn kiếm tiền như đoàn xiếc mãi võ Sơn Đông của Trung Quốc (1912), gánh xiếc Nhật Bản (1913), sau đó là các đoàn xiếc Bostoc của Anh (1914), Weterway và Harsamtron của Anh (1922), đoàn xiếc Rodéo của Mexico (1927)...  Ông rất thích xem xiếc và nhận thấy các gánh xiếc nước ngoài được công chúng hâm mộ nhiệt tình. Ông tự hỏi, tại sao người Việt không tự mở một gánh xiếc của mình.

Bác Hồ đến thăm gánh xiếc của NSND Tạ Duy Hiển.

Với chút vốn liếng có được từ nghề gia truyền của gia đình, nghề trồng răng, NSND Tạ Duy Hiển đứng ra vay thêm tiền tự mở một gánh xiếc nhỏ đặt tên là Xiếc Việt Nam, quy tụ con cháu trong gia đình tham gia. Ông vừa là chủ, vừa làm diễn viên, bắt đầu những buổi biểu diễn nhỏ lẻ. Dù sinh sau đẻ muộn so với các gánh xiếc nước ngoài, nhưng NSND Tạ Duy Hiển bắt đầu gây dựng được những tiết mục mới và riêng của mình.

Ngày đó, có gánh xiếc của một người Anh biểu diễn tiết mục chế giễu người Việt, dân ta rất phẫn uất, tẩy chay không xem. Họ bị phá sản. NSND Tạ Duy Hiển vay mượn mua lại toàn bộ thú và đạo cụ. Vì thế gánh xiếc của ông càng lớn mạnh, không chỉ biểu diễn trong nước mà còn sang cả Lào, Campuchia. Khi doanh thu tốt, trang trải hết nợ nần, NSND Tạ Duy Hiển mua khoảng đất rộng ở số 310 Khâm Thiên và xây dựng rạp hát ở đó. Trong đó có một ngõ nhỏ mà người dân yêu quý, mến mộ ông đặt tên là ngõ Tạ Duy Hiển.

Rồi chiến tranh, loạn lạc, ly tán, gánh xiếc cũng không dễ hoạt động. Phải đến khi miền Bắc giải phóng, sau 1954, gánh xiếc Việt của NSND Tạ Duy Hiển mới trở lại. Ông bán một số tài sản mua dụng cụ và thú về huấn luyện. Ngày 16 tháng 1 năm 1956, hai nhóm xiếc "Vũ đài thủ đô anh dũng" và "Hoa hồng đỏ" sáp nhập đã cho ra đời "Đội xiếc Trung ương" do ông Phạm Xuân Thư làm đội trưởng.

Ngày 19 tháng 5 năm 1958, NSND Tạ Duy Hiển sáp nhập gánh xiếc thú của mình với "Đội xiếc Trung ương", lấy tên là "Đoàn xiếc Thống nhất" do ông làm Trưởng đoàn. Tháng 9 năm 1958, "Đoàn xiếc Thống nhất" được Bộ Văn hoá cho chuyển thành đơn vị nghệ thuật của Nhà nước, trở thành "Đội xiếc Trung ương" với biên chế 47 người, vừa diễn chung với các đội văn công, vừa củng cố xây dựng tiết mục mới. Đến thời điểm này, "Đội xiếc Trung ương" đã trở thành một đơn vị nghệ thuật tương đối hoàn chỉnh có đủ khả năng hoạt động độc lập.

NSƯT Tạ Duy Hùng kể lại: "Hồi đó, "Đội xiếc Trung ương" phát triển lớn mạnh, mua bạt ở Ba Lan về biểu diễn. Bên Ba Lan bảo có cần chuyên gia sang hỗ trợ hay không nhưng cụ nhất định bảo không, sẽ tự làm được. Đêm tổng duyệt đầu tiên để ra mắt "Đội xiếc Trung ương", một cơn giông và lốc quét qua làm đổ bạt và gãy mất một chiếc cột. NSND Tạ Duy Hiển tự tay gia cố để đêm diễn không bị hoãn".

Buổi diễn ra mắt "Đội xiếc Trung ương" được công chúng đón nhận nhiệt tình, từng đoàn người xếp hàng mua vé. Chủ trương của NSND Tạ Duy Hiển là không dùng quá nhiều người, ông đào tạo nhiều thế hệ diễn viên, mỗi người có thể chủ động làm được nhiều việc cùng một lúc để tinh giản biên chế. Đó là một thời đại huy hoàng của xiếc Việt, được Bác Hồ và Thủ tưởng Phạm Văn Đồng đến tận nơi thăm hỏi, động viên và nhiều lần gửi bằng khen.

2.Có thể nói, cả cuộc đời của NSND Tạ Duy Hiển không ngừng lao động và cống hiến. Ông nỗ lực để mang lại những tiết mục mới, Việt hóa nghệ thuật xiếc và truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau. Vì thế, xiếc Việt không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn đi biểu diễn ở nhiều nước. Ông nổi tiếng là một người huấn luyện xiếc thú tài năng, bất cứ loại thú nào ông cũng khuất phục được, bởi tình thương, sự nhẫn nại và sức sáng tạo tuyệt vời. Ông có thể chinh phục từ những con thú dữ như hổ, báo đưa từ rừng về hay cả những đàn kiến thợ trong tổ.

Chân dung cố NSND Tạ Duy Hiển.

Điều mà NSND Tạ Duy Hiển truyền dạy cho các học trò của mình là ông không chỉ nhằm mục đích huấn luyện họ trở thành những người dạy thú máy móc. Bài học đầu tiên ông dạy học trò là những bài học cơ bản về cuộc sống, sinh hoạt đời thường. NSƯT Tạ Duy Hùng kể lại: "Khóa học đầu tiên với thầy Hiển là cầm chổi quét nhà, phục vụ bản thân, rồi đến việc biết quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng một con thú, hiểu được tập tính, thói quen sinh hoạt của nó. Trước khi làm một diễn viên huấn luyện xiếc thú, người nghệ sĩ phải làm một công nhân đúng nghĩa. Sau đó phải có tình yêu và đam mê với nghề để có thể đi con đường dài vì nghề này quá vất vả, cực nhọc".

Việc NSND Tạ Duy Hiển thuần hóa những con thú dữ như gấu, hổ, báo đã có nhiều người kể. Thậm chí, nhiều lần ông đã bị tai nạn nghề nghiệp cũng vì vụ huấn luyện đó. Nhưng có một câu chuyện đặc biệt mà NSND Tạ Duy Hiển làm là huấn luyện cả đàn kiến. Ông có thể dạy cả đàn kiến xếp chữ.

 "Trí tưởng tượng của cụ rất phong phú, cụ mang cả tổ kiến thợ về nhà sau đó dạy cho chúng xếp chữ. Cụ làm một cái băng trắng xóa, hai bên bôi hồ vào và viết chữ gì đàn kiến sẽ đi theo hình chữ đó. Đàn kiến xuất phát đi theo đường quy định và chúng sẽ không đi ra ngoài vì bị dính hồ. Cứ thế, kiên nhẫn từng ngày, cụ có thể điều khiển cả đàn kiến hành quân từ tổ này sang tổ khác và xếp chữ. Đó là niềm đam mê và sự sáng tạo của cụ".

Có thể nói, cả cuộc đời NSND Tạ Duy Hiển đã làm việc và cống hiến cho nghệ thuật xiếc. Tình yêu nghề và sự sáng tạo, tận hiến của người nghệ sĩ đã góp phần viết lên những trang đẹp nhất của nghệ thuật xiếc Việt Nam. Điều đáng trân quý là gia đình NSND Tạ Duy Hiển có lẽ cũng là một trong số ít những gia đình có ba thế hệ gắn bó và cống hiến với nghề xiếc, NSND Tạ Duy Hiển, con trai, NSƯT Tạ Duy Nhẫn, cháu ruột của ông, NSƯT Tạ Duy Hùng và thế hệ thứ 3 của dòng họ là NSND Tạ Duy Ánh, hiện là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Các gánh xiếc lớn của Việt Nam cũng bắt đầu hình thành và yếu tố giao lưu tiếp biến của xiếc đã tạo điều kiện thuận lợi để các gánh xiếc này học tập, tiếp thu tinh hoa kĩ thuật xiếc thế giới. Gánh xiếc chuyên nghiệp Việt Nam đầu tiên do cố NSND Tạ Duy Hiển thành lập đã gây tiếng vang lớn, kéo theo sự ra đời của nhiều gánh xiếc khác.

Một rạp bạt có sức chứa 1.000 người và sân khấu tròn đường kính 13 mét đã được chính ông xây dựng và khánh thành ngày 5 tháng 12 năm 1922 tại sân bãi chợ Hàng Da, Hà Nội. Đây thực sự là một sự kiện đáng ghi nhớ và từ đó xiếc Việt Nam đã bước vào thời kỳ mới với những điều kiện kĩ thuật cho phép xây dựng nhiều thể loại tiết mục đáp ứng đòi hỏi của sân khấu hiện đại.

Ngoài tài lãnh đạo và tổ chức, NSND Tạ Duy Hiển còn là một nhà dạy thú tài năng huấn luyện được nhiều loại thú từ khỉ, chó, gấu, đến báo gấm, hổ, sư tử, voi, ngựa... và cả nhiều loài thú hiện nay đã thiếu vắng trên sân khấu xiếc đương đại như lạc đà, ngựa vằn, chim vẹt… Ông còn dàn dựng nhiều tiết mục như phi ngựa đánh đàn, uốn dẻo trên trống, voi đánh trống. Sau khi thành lập, xiếc Việt Nam đã đi lưu diễn ở khắp cả nước, đi đến đâu cũng được đón chào nồng nhiệt".

Phan Chi
.
.
.