Kỷ niệm 70 năm lực lượng Công an nhân dân thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy (11-3-1948 – 11-3-2018)

Anh hùng Mười Lắm và Kế hoạch CM-12

Thứ Năm, 08/03/2018, 08:35
Trước dịp toàn lực lượng Công an nhân dân kỷ niệm 70 năm học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy, tôi gặp lại ông - Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, dân miền Tây quen gọi là Mười Lắm. Nghe tôi chúc mừng ông vừa vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông cười hiền: “Được anh hùng mình lại càng cảm thấy mắc nợ dân nhiều hơn. Bởi không có sự đùm bọc, chở che và giúp đỡ của bà con, sao mình được như ngày hôm nay...”.

Chiến công mở màn

Tôi biết Mười Lắm khi ông còn là Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau (một tỉnh được tách ra từ tỉnh Minh Hải cũ - PV). Ít năm sau, khi ông được phân công nhiệm vụ Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam bộ, tôi gặp ông và chuyện trò thường xuyên hơn. Cương trực, ý chí sắt đá trước khó khăn, đặc biệt sống trọn nghĩa vẹn tình và yêu thương đồng chí, đồng đội, đồng bào nên gần như lúc nào cũng đau đáu, nghĩ cách để... “trả nợ” những người từng giúp đỡ, cưu mang, bao bọc mình.

Năm 2010, khi về hưu, ông dành nhiều thời gian cho hoạt động này. Nhiều lần ngồi cùng ghe với ông vượt hàng chục cây số giữa miền sông nước Tây Nam bộ, tôi nghe ông nói toàn chuyện làm từ thiện, nào là vận động xây cầu bê tông thay cầu khỉ, nào là tặng học bổng, cặp, tập sách, xe đạp cho học sinh nghèo, nào là phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người ở những vùng sâu từng là căn cứ, nuôi chứa cán bộ cách mạng.

Chợt biết tôi cũng là dân gốc... dừa, ông vui mừng: “Tôi cũng Bến Tre đây. Tôi ở Ba Tri, nghèo lắm. Ờ mà Bến Tre trước, đâu cũng nghèo. Tôi cũng vận động về đây mấy căn nhà nghĩa tình đồng đội”.

Mười Lắm kể thực ra khi ba má ông rời Bến Tre, đến Cà Mau 2 năm, ông mới được sinh ra. Đất Mũi cũng là nơi mà các anh chị và bản thân ông đã gắn bó, trưởng thành, tham gia hoạt động cách mạng trong sự đùm bọc, chở che của căn cứ... lòng dân và rừng đước, rừng tràm.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam bộ.

Năm 1962, trong lúc dân quân cả tỉnh Cà Mau đang hối hả chuẩn bị chiến dịch triệt hạ các chi khu Cái Nước, Đầm Dơi, Chà Là... thì chàng thiếu niên Hồ Việt Lắm thoát ly theo cách mạng. “Khi đó mới 12 tuổi, tôi được anh ruột thứ tư giới thiệu vào làm giao liên cho Huyện ủy huyện Trần Văn Thời. Hồi đó, Cà Mau kết nghĩa với Ninh Bình, có trường thiếu sinh quân mang tên 2 tỉnh. Tôi vừa làm vừa học văn hóa một thời gian rồi được chọn vô học tại trường này. Tôi nằm trong tốp đầu của trường à!”, Mười Lắm cười, tự hào nhớ lại.

Từ năm 1970 đến ngày giải phóng, Mười Lắm trưởng thành dần, được tổ chức tin tưởng, phân công qua nhiều công việc rồi được đề bạt làm Đội trưởng Đội Chấp pháp thuộc Công an huyện Trần Văn Thời. Trong khoảng thời gian này, ngày mà Mười Lắm nhớ nhất là ngày 3-7-1970. Đó là ngày ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trở lại với bối cảnh những ngày trước khi diễn ra Kế hoạch CM-12, Mười Lắm cho biết sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông được phân công làm Đội trưởng Cảnh sát Hình sự - Kinh tế. 4 năm sau, ông được tổ chức giao làm Phó Trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, phụ trách lĩnh vực an ninh.

“Đây cũng là thời điểm tình hình an ninh chính trị ở miền Nam diễn biến khá phức tạp. Mặc dù đã thất bại và sụp đổ sau ngày 30-4-1975 nhưng một số phần tử trong chính quyền Sài Gòn (cũ) vẫn ngấm ngầm chống đối, phá hoại, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ”, Mười Lắm nhớ lại.

Trong số các tổ chức phản động lưu vong lúc bấy giờ có cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Được tiếp sức bởi các thế lực phản động quốc tế, Túy - Hạnh mở trại huấn luyện và đặt bản doanh trên đất TL, chờ thời cơ trở về nước tiến hành các hoạt động chống phá.

Đầu năm 1981, một toán biệt kích gián điệp mang biệt hiệu “Minh vương 1” được Túy - Hạnh cho rời mật cứ ở TL xâm nhập bằng đường bộ qua Campuchia để về Việt Nam. Khi toán này đến Kiên Giang thì xảy ra cuộc chạm súng với lực lượng quân sự địa phương tại cánh rừng U Minh Thượng. Một số tên bị tiêu diệt, một số bị bắt sống và số còn lại băng rừng, chạy thoát về mật cứ.

Sau thất bại này, Túy - Hạnh đổi chiến thuật, tung toán “Minh vương 2” xâm nhập về nước bằng đường biển. Toán này được giao nhiệm vụ luồn sâu vào rừng U Minh, lập “mật cứ kháng chiến”, tuyển mộ lực lượng, lập những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng ở TP HCM và một số tỉnh, thành... để gây tiếng vang, thực hiện ý đồ đưa “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (sau gọi là “Giải phóng Việt Nam”) ra hoạt động công khai, tiến tới lật đổ chế độ.

Đêm 15-5-1981, toán biệt kích “Minh vương 2” thực hiện chuyến xâm nhập bằng đường biển đầu tiên tại vàm Bãi Ghe, vùng biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Minh Hải (cũ). “Trước đó, tôi cũng vừa xong thời gian học nghiệp vụ tại TP HCM. Dự cuộc họp bàn phương án truy bắt toán biệt kích này, tôi đề xuất phải bắt sống toàn bộ để khai thác, tuyệt đối không được nổ súng, trừ trường hợp bất khả kháng. Tên nào càng chống cự thì càng phải bắt sống cho bằng được vì đó chắc chắn là tên chỉ huy. Đặc biệt phải bắt sống cho bằng được tên điện báo viên, thu điện đài của nó...”, Mười Lắm kể.

Do có sự chủ động nên quá trình vây bắt, dưới sự chỉ huy của Ban chuyên án và của Mười Lắm, toàn bộ toán “Minh vương 2” đã nhanh chóng sa lưới. Ta thu giữ hơn 3,5 tấn vũ khí, bắt sống được 5 tên, trong đó có điện báo viên và thu toàn bộ điện đài. Tiếc một điều là do quá nôn nóng trong lúc truy bắt, nên dân quân du kích xã Khánh Hải đã bắn chết toán trưởng Nguyễn Văn Thanh, khi tên này chống cự.

“Vụ việc được báo cáo lên trên. Bằng sự dạn dày kinh nghiệm và với tầm nhìn xa trông rộng của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng), kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Phạm Hùng, cùng sự mẫn tuệ của các vị tham mưu tài giỏi, ta đã tương kế, tựu kế, vạch ra kế hoạch phản gián - gậy ông đập lưng ông khá hoàn hảo, với quyết tâm bắt đến tên cuối cùng trong tổ chức phản động này.

Do khéo giáo dục, thuyết phục, ta đã nhanh chóng cảm hóa gần như toàn bộ thành viên trong toán “Minh vương 2”, tạo điều kiện để họ lập công chuộc tội. Vì thế, trong phiên liên lạc đầu tiên với trung tâm của địch ở hải ngoại, với danh nghĩa là “tổ đặc biệt” vào lúc 21h ngày 25-5-1981, ta đã lừa được tổng hành dinh của chúng, mở màn cho một điệp vụ phản gián chưa từng có trong lịch sử”, Mười Lắm kể.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm tặng quà Tết cho người nghèo nhân dịp Tết Mậu Tuất 2018.

Trong cuộc chiến cân não 1.000 ngày đêm

Do phạm vi, đối tượng đấu tranh của vụ án này đã vượt tầm cỡ một chuyên án; mặt khác, các đối tượng đấu tranh lại không đơn thuần là gián điệp biệt kích mà còn mang tính chính trị hết sức nhạy cảm, nên đầu tháng 6-1981, Bộ Nội vụ đã đặt tên điệp vụ này là “Kế hoạch CM-12”.

Tại cuộc họp tổ chức ở Hà Nội không lâu sau đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng đã đặt ra những mục tiêu cốt lõi của “Kế hoạch CM-12”; đồng thời, yêu cầu các bộ phận tham gia khi thực hiện nhiệm vụ truy bắt các toán biệt kích gián điệp phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về an ninh cho đất nước, kiên quyết không để địch tiến hành các hoạt động phá hoại...

Đặc biệt, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Phạm Hùng đã khen ngợi việc làm của Phó trưởng Công an huyện Hồ Việt Lắm. Bộ trưởng Phạm Hùng cho rằng đây tuy là chiến công đầu tiên nhưng lại rất quan trọng. Bởi việc giữ được mạng sống cho điện báo viên và thu được điện đài chính là giữ được đường dây liên lạc giữa nhóm xâm nhập vào nội địa với “tổng hành dinh” và nhất là với 2 tên đầu sỏ Túy - Hạnh khi cả hai đang ở nước ngoài. Từ đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ta bịt kín tai mắt “tổng hành dinh” ở bên ngoài, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và phá án.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Lê Tiền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, người đã cùng lãnh đạo và nhiều cán bộ cốt cán của ngành An ninh bấy giờ đi theo “Kế hoạch CM-12” từ khi mở màn cho đến hồi kết thúc, nhắc lại đánh giá của các nhà tổng kết lịch sử lực lượng CAND rằng, Kế hoạch CM-12 là một trong những trận đánh tốt nhất, hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng CAND kể từ sau ngày giải phóng đến nay. Đây là thắng lợi của trí tuệ, của bản lĩnh và sự sáng tạo tuyệt vời của lực lượng CAND Việt Nam.

Trong hơn 3 năm (từ tháng 5-1981 đến tháng 9-1984), chúng ta đã đón bắt tổng cộng 18 chuyến xâm nhập, bắt 189 tên gián điệp, biệt kích, 3.679 khẩu súng các loại, 90 tấn đạn; 1.200kg chất nổ, 14 tấn tiền Việt Nam giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động phá hoại khác...

Điều đáng nói là ta đã bắt sống Mai Văn Hạnh và phát hiện, bóc gỡ 10 tổ chức phản động khác của địch cài cắm trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và Tây Nam bộ, TP HCM...

“Đó là trận thắng rất đẹp và rất hoàn hảo. Ta không tốn hao một giọt máu nào nhưng đã bắt sống toàn bộ bọn biệt kích, gián điệp, dùng biện pháp nghiệp vụ bịt kín cả tai mắt tổng hành dinh của địch ở hải ngoại. Nhưng để có được chiến thắng ngoạn mục trong ván cờ thú vị này, ta cần phải có những quân cờ chiến lược, luồn sâu vào ruột của đối phương để nắm bắt ý đồ của địch, che mắt và điều khiển chúng phải đi theo lộ trình vạch sẵn của ta.

Tám Thậm và Mười Lắm đã được chọn vào vị trí đầy gay go ấy. Tuy ở vị trí số 2 nhưng Mười Lắm mưu trí, khôn khéo, bản lĩnh và ngoan cường lắm, nên đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc. Do vậy, đóng góp của Mười Lắm trong Kế hoạch CM-12 là không nhỏ”, Thiếu tướng Lê Tiền nhận định.

Trở lại Cà Mau, chúng tôi đã tìm gặp người từng vào hang ổ địch và là cặp bài trùng với Mười Lắm. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Phương Thế (Tám Thậm), nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau. Đánh giá về vai trò của Mười Lắm trong quá trình thực hiện Kế hoạch CM-12, Anh hùng Trần Phương Thế nhận định: “Ngay từ đầu, dù chưa nhận được chỉ đạo nào của cấp trên nhưng khi tổ chức truy bắt toán “Minh vương 2”, anh Mười Lắm đã thể hiện sự tỉnh táo và sáng tạo trong nghiệp vụ.

Việc bảo vệ điện báo viên và điện đài là một khởi đầu rất quyết định của Kế hoạch CM-12. Cũng chính từ đây, ta mới thiết lập được kênh liên lạc và đưa địch vào bẫy của ta ngay từ đầu cho tới ngày kết thúc”.

Theo lời Anh hùng Trần Phương Thế, công lao quan trọng không thể không kể đến đó chính là việc Mười Lắm đã cảm hóa và thu phục được các đối tượng giữ vị trí quan trọng trong tổ chức địch, đặc biệt là nhân viên liên lạc, điện đài... giao cho họ thực hiện các mệnh lệnh, đúng theo ý đồ chung, khiến địch không thể nghi ngờ sự sắp đặt của ta.

“Tuy vị trí của anh Mười Lắm hơi lùi lại phía sau một chút, nhưng cũng quan trọng không kém tôi đâu. Từ việc chọn “bãi đáp” cho các chuyến xâm nhập để dễ dàng vây bắt, cho đến việc chọn nơi làm căn cứ, kho tàng giả... để đánh lừa Túy - Hạnh rõ ràng là một công trạng lớn. Ấy là chưa kể đến việc bắt và đưa 189 tên biệt kích trong 18 chuyến xâm nhập vào trại giam, đều có sự tham gia của anh Mười Lắm, trong vai trò là chủ công”, Anh hùng Trần Phương Thế nhận định.

17 lần trực tiếp ra tàu “đón” địch, đưa 147 tên biệt kích vào trận địa phục kích, để các lực lượng của ta bắt giữ là một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, nặng nề và cân não. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, có nhiều tình huống nghiệp vụ diễn ra ngoài dự kiến nhưng ông Mười Lắm đã xử lý hết sức khôn khéo, nhạy bén và biến chuyển linh hoạt.

Điển hình như trận phục kích bắt đại đội 124 của địch trong chuyến xâm nhập thứ 3 vào ngày 1-2-1982. Do hợp đồng tác chiến giữa các đơn vị chưa chặt chẽ, nên khi Mười Lắm cùng ông Phạm Công Danh dẫn địch vào trận địa ta phục kích thì các đơn vị đã rời vị trí. Quyết không để “mẻ cá” này thoát, Mười Lắm vừa tìm kế cầm chân chúng và vừa tìm cách liên lạc với Ban chỉ huy điều động các đơn vị trở lại trận địa, để tiêu diệt và bắt gọn...

Đại tá Trần Lương Tư, nguyên Phó Cục trưởng Cục H48 (Bộ Công an), người có thời gian dài phục vụ trong Kế hoạch CM-12 kể, trong điều kiện chiến đấu độc lập, rất nhiều lần bị chúng chĩa súng vào người, để thăm dò xem có phải người của ta cài vào hay không, nhưng Mười Lắm vẫn hết sức bình tĩnh, khôn ngoan vượt qua những bài “kiểm tra” sinh tử.

“Nếu không khôn khéo, dũng cảm, không có tinh thần sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Tổ quốc thì sẽ không đủ dũng khí để đối mặt với hiểm nguy và anh Mười Lắm cũng sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách vẹn toàn như thế...”, Đại tá Trần Lương Tư khẳng định.

Thái Bình
.
.
.