Chuyên án ĐN10, phần hậu của Kế hoạch CM12

Thứ Tư, 12/08/2015, 09:20
Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phước Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, một ngày giáp Tết Đinh Mão (1987), tại Đồn Biên phòng 692, huyện đảo Phú Quốc, đã diễn ra một cuộc họp bất thường giữa cơ quan An ninh Việt Nam và các lực lượng liên ngành, vạch kế hoạch đón bắt toán gián điệp biệt kích xâm nhập. Chuyên án ĐN10, phần hậu của Kế hoạch CM12, viết tắt là KHCM 12).

1. Trong Kế hoạch CM12 (KHCM12), lực lượng An ninh Việt Nam đã “tương kế tựu kế”, dụ địch ở nước ngoài về nước, bắt gọn 18 chuyến xâm nhập với 148 tên biệt kích (trong đó có 2 tên cầm đầu là Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá), thu hơn 300 tấn vũ khí chất nổ, 14 tấn tiền giả; đồng thời thúc đẩy bọn phản động trong nội địa lộ mặt, lần lượt trấn áp 10 tổ chức liên quan)…

Đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, phụ trách tổ công tác (bìa phải), (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an) chỉ đạo trinh sát khám xét số gián điệp biệt kích bị bắt.

Tháng 12/1984, Toà án tối cao tại TP Hồ Chí Minh công khai xét xử bọn tội phạm, mở cuộc triển lãm phương tiện chiến tranh trước sự chứng kiến của hàng chục vạn quần chúng nhân dân, các phóng viên trong và ngoài nước. Trong khi đó, ở Thái Lan, Lê Quốc Túy không hề hay biết. Y vẫn tin rằng, còn một bộ phận đang hoạt động an toàn trên đất ta. Do đó, chúng tiếp tục tập hợp lực lượng và mở hướng xâm nhập mới, bằng việc thiết lập căn cứ tại Campuchia để tổ chức xâm nhập bằng đường bộ vào địa bàn An Giang. Nắm được ý đồ của chúng, cơ quan an ninh đã khéo “tác động” khiến Tuý phải từ bỏ ý đồ xâm nhập đường bộ và chuyển sang hướng xâm nhập bằng đường biển.

Trung tuần tháng 8/1986, Tuý cử một toán "tiền trạm" gồm 2 tên biệt kích là Lưu Danh và Thạch T vượt biển xâm nhập vào đảo Kôkôngkang (Kô Tang), một hòn đảo hoang, thuộc phía Tây tỉnh KôngPôngSom (Campuchia) nhưng lại khá gần với đảo Phú Quốc của Việt Nam. Ngày 22/8/1986, cả hai bị ta đón bắt. Các đối tượng khai: “Được chú Tư giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở ở Campuchia để làm bàn đạp xâm nhập về Việt Nam theo đường biển”.

Biết địch đã mắc mưu, lực lượng an ninh cho T.N.Điền (K55, F3) lên máy (đài ĐN10) báo cáo với Tổng hành dinh: “Vì lý do an ninh nên không thực hiện kế hoạch đón toán vào ban ngày được mà phải thực hiện vào ban đêm”. Không mảy may nghi ngờ về cái lưới đã giăng sẵn, Lê Quốc Tuý điện cho F3 chấp nhận kế hoạch đó và thông báo: “sẽ tổ chức xâm nhập, toán gồm 8 tên do Ngô Thanh Hoàng làm toán trưởng và mang theo 100kg thuốc nổ, 3 máy truyền tin”.

Ngày 17/1/1987, tiếp tục cho F3 điện: “đề nghị chú Tư cho biết tên tuổi và đặc điểm nhận dạng của từng người để kịp lo giấy tờ tùy thân”. Ngày 18/1/1987, Trung tâm Băng Cốc thông báo danh sách cụ thể của 8 tên sắp xâm nhập. Qua khảo sát, ta quyết định chọn đảo Kôkôngkang làm bãi đỗ; thống nhất ngày tàu vào chính thức là ngày 29/1 (tức mùng 1 Tết); phương án dự phòng là ngày 31/1 (mùng 3 Tết); hướng tàu vào là phía Đông Nam đảo Kôkôngkang, tàu sẽ đậu cách đảo từ 200 đến 300 mét; ám tín hiệu nhận biết bằng đèn Pin+5 (ngoài 3, trong 2; tàu ra hiệu trước)…

Trước giờ xuất kích, Ban chuyên án quyết định tổ chức cho anh em đón Tết sớm. Nói là ăn Tết cho xôm trò chứ thực ra đó chỉ là một bữa cơm chiều bình thường. Bữa cơm chỉ với lương khô được mang từ đất liền ra và rau rừng, tươi hơn là chút cá biển - thành quả lao động của anh em để cải thiện bữa ăn trong những ngày ém quân ở đảo Phú Quốc. Đồng chí Phan Thành Lập, Anh hùng LLVTND, nguyên Trung đội trưởng Cảnh sát đặc biệt nhớ lại: “Mặc dù chiến đấu trong một địa bàn mới, để đảm bảo yếu tố bí mật nên phải che giấu thông tin ngay cả với người thân của mình, sống xa dân trong điều kiện thiếu thốn, gian khổ, nhưng cán bộ, chiến sĩ an ninh không quản ngại gian lao, sẵn sàng xông pha vào hiểm nguy thực hiện kế hoạch đón bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập”.

2. Đêm biển Tây mịt mùng, giữa lốm đốm những nhô đá, bóng hai con tàu ẩn hiện, áp sát 2 bên sườn đảo. Tàu số 1 do đồng chí Chính Liêm, Phó phòng quân báo Quân khu 9 phụ trách ở phía Đông đảo, có nhiệm vụ cảnh giới… bảo đảm cho kế hoạch được thực hiện an toàn; lực lượng trên tàu có đồng chí Liêm, đồng chí Hán, đồng chí Đời lái tàu, đồng chí Sĩ phụ trách súng đại liên, đồng chí Thắng phụ trách sinh hoạt của tàu.

Tàu số 2 ở phía Tây đảo, do đồng chí Trương Minh Kông phụ trách, có nhiệm vụ quan sát và nắm tình hình ở phía Tây; tiếp nhận can phạm và đón cán bộ chiến sĩ sau khi thực hiện xong kế hoạch. Lực lượng trên tàu có đồng chí Côn lái tàu, đồng chí Loan quan sát và dẫn đường. Chỉ huy trận đánh là đồng chí Lê Việt Thanh và đồng chí Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an). Ghi hình trận đánh và quản lý tang vật là đồng chí Thi Văn Tám (nguyên là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an). Đến điểm hẹn, lực lượng ta nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí phục kích, chờ mục tiêu xuất hiện.

Tàu của toán biệt kích gặp sóng to gió lớn, chòng chành mất phương hướng va vào đá khiến thân tàu bị vỡ; tàu chết máy và bị sóng đánh dạt vào bờ đêm mùng 6 Tết (tức ngày 3/2/1987). Suốt mấy ngày chống chọi với cơn thịnh nộ của thiên nhiên, đội quân tơi tả đã lên được bờ nhưng lại không đúng điểm hẹn ở phía Đông đảo mà lại dạt vào phía Tây đảo Kôkôngkang; tên Nguyễn Quý Hoàng bị rơi xuống biển mất xác.

Do chủ động dự đoán tình huống, các mũi của ta đã nhanh chóng truy tìm bọn biệt kích xâm nhập. Trời về chiều nhập nhoạng, gặp thời tiết xấu nên càng nhanh tối. Việc truy tìm chưa có kết quả. Tổ công tác người nào người nấy đều thấm mệt, dựng lán nghỉ qua đêm, chờ trời sáng để mở rộng hướng truy lùng. Đêm về, hòn Kôkôngkang như chìm trong sóng nước. Từng đợt, từng đợt sóng bạc đầu nối đuôi nhau xô vào bờ đá, tạo nên âm thanh vang vọng như tiếng giáo mác gươm khua của các bậc tiền nhân năm nào dong thuyền giữ biển trời hải đảo, giờ truyền lại hào khí ấy, cổ vũ những người chiến sĩ vượt qua khó khăn, hiểm nguy, quyết sống chết với quân thù để giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Trời chưa sáng hẳn nhưng đã có thể xác định được lối mòn, các mũi trinh sát mở hướng truy lùng về phía Tây và phía Nam đảo. Tại mũi phía Tây, tổ công tác và một biệt kích bất ngờ đụng nhau. Tuy bất ngờ nhưng bằng bản lĩnh nghề nghiệp, trinh sát ta lập tức ra tín hiệu nhận “bạn”. Tên biệt kích thấy “người mình” vội giải thích việc bị trễ và đến không đúng điểm hẹn. Đối tượng là Ngô Thanh Hoàng, có bí danh K47, toán trưởng của toán gián điệp biệt kích xâm nhập. Khi tra tay vào còng số 8, Hoàng mới bừng tỉnh, vỡ lẽ ra rằng mọi âm mưu, toan tính của chúng chẳng thể lọt qua được lưới an ninh rộng khắp của Công an Việt Nam.

Ngay sau đó, các mũi trinh sát của ta nhanh chóng lần ra dấu vết và tóm gọn số biệt kích còn lại khi chúng còn đang mê man sau cơn vật lộn với sóng dữ. Toàn bộ vũ khí cùng phương tiện hoạt động của toán biệt kích, gồm 11 quả lựu đạn M46; 4 quả lựu đạn quả na; 21 kíp nổ; 9 đồng hồ nổ chậm; 6 thùng thuốc nổ C4; 5 khẩu súng K54; 3.000 đô la Mỹ (loại 100 đô); 1.500 riên Campuchia; 71 sợi dây chuyền vàng; 10 đồng hồ đeo tay; 3 máy điện đài Nhật; 3 radio loại phát 1 chiều; 1 cassette; 2 máy tính điện tử; 1 máy chụp ảnh; 1 la bàn và chiếc tàu của chúng bị ta thu giữ.

3. Sau cơn giông, trời tươi xanh trở lại. Những chiến sĩ an ninh sau những tháng ngày lặn lội khắp dải biên cương với nhiệm vụ gìn giữ bình yên cho Tổ quốc trong mùa xuân mới đã hoàn thành. Toán biệt kích xâm nhập 8 tên gồm: Toán trưởng Ngô Thanh Hoàng, toán phó Phạm Ngọc Chi, điện đài viên Lê Kỳ Thoại và các thành viên Trần Văn Kiều, Tào Tấn Quang, Nguyễn Đăng Tiến, Đồng Khắc Vui (tên Nguyễn Quý Hoàng bị rơi xuống biển trước đó) ngoan ngoãn theo bước chân lặng lẽ của những chiến sĩ an ninh. Trong ban mai mùa xuân, những con tàu nhẹ nhàng rẽ sóng. Ở phía xa, đất liền đang vẫy gọi.

Trận đánh Xuân Đinh Mão ở biển Tây đáng nhớ đã khép lại như hồi pháo xuân giòn giã báo tin vui, mở ra những thắng lợi liên tiếp của cơ quan an ninh Việt Nam trong những mùa xuân tiếp theo. Sau những thất bại thảm hại, Lê Quốc Túy - kẻ cầm đầu tổ chức gián điệp đã đột tử tại Pháp; ngày 4/3/1988, Tổng hành dinh ra bức điện cuối cùng với nội dung: “Đến lúc phải báo sự thiệt cho các bạn rõ là C4 mất không có để lại di chúc gì cả. Mặt trận ta không có người thay thế, hướng đi tới trong tương lai rất là xa vời. Vì thế, vì quyền lợi của tất cả chúng ta và sự sống còn của mình, chúng ta phải giải tán toàn bộ...". Chuyên án ĐN10 kết thúc thắng lợi.

Từ trận đánh mùa xuân năm ấy, nhiều cán bộ chiến sĩ tham gia đánh án đã trưởng thành, nhiều đồng chí trở thành cán bộ cấp cao, giữ một trọng trách lớn đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an. Dù thời gian tất bật ngược xuôi, dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng họ vẫn thường dành đôi chút thì giờ, lắng lòng mình nhớ về những kỷ niệm của một thời sôi nổi, xông pha cùng đồng đội kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau, gian khổ mà hào hùng, gian lao mà anh dũng.

Quang Hưng
.
.
.