Công an tỉnh Bình Phước: Đưa ứng dụng công nghệ vào công tác
- Công an tỉnh Bình Phước triển khai công tác năm 2021
- Công an tỉnh Bình Phước làm tốt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn
- Công an tỉnh Bình Phước: Khen thưởng 134 tập thể, cá nhân làm theo lời Bác
Trong năm 2020, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến được Công an Bình Phước rất chú trọng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu và điển hình tiên tiến xuất sắc.
UBND tỉnh đã quyết định công nhận mô hình tiêu biểu và điển hình tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh cho 1 tập thể, 1 cá nhân của đơn vị Công an tỉnh Bình Phước.
Đó là công trình “Vẽ sơ đồ hiện trường bằng công nghệ định vị toàn cầu và phần mềm AutoCad; Diễn hoạt hành vi phạm tội của đối tượng gây án bằng phim 3D trên phần mềm Maya”. Đây là mô hình của Phòng Kỹ thuật hình sự, đã được Công an một số tỉnh khác đến học tập, nhân rộng.
Điển hình tiên tiến xuất sắc là một cán bộ còn rất trẻ: Thiếu úy Dương Văn Đức, Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Bù Đăng với “Phần mềm quản lý hồ sơ vụ án và đối tượng nghiệp vụ”.
Về mô hình của Phòng Kỹ thuật hình sự, Thượng tá Nguyễn Phước Nhành, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Đây là thành quả của sự “ấp ủ” nhiều năm qua mà đồng chí cùng cán bộ chiến sĩ đơn vị luôn trăn trở trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc.
Các chiến sỹ Công an tỉnh Bình Phước tuyên truyền pháp luật trong công nhân. |
Trước đây, việc ghi nhận hồ sơ hiện trường được thực hiện bằng phương pháp thủ công đo, vẽ nhiều lần đã mất không ít thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ khám nghiệm, phát hiện, thu thập dấu vết vật chứng, cũng như chất lượng khám nghiệm của một vụ án.
Trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi xã hội phát triển, đòi hỏi công tác điều tra, truy tố, xét xử phải đảm bảo tính chính xác cao hơn, phá án nhanh hơn.
Do đó, để cải tiến nâng cao công tác khám nghiệm hiện trường, Phòng Kỹ thuật hình sự đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin phần mềm Autocad kết hợp hình ảnh vệ tinh Google Maps để xác định hiện trường, những cảnh vật xung quanh, vị trí dấu vết vật chứng ở hiện trường một cách chính xác.
Đây là điều hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đòi hỏi cán bộ kỹ thuật hình sự phải vận dụng sáng tạo những công nghệ mới vào công tác hiện trường.
Bên cạnh đó, công tác báo cáo án, báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường cũng có vai trò không nhỏ và ý nghĩa hết sức to lớn, đặc biệt đối với các vụ án truy xét, án chưa rõ thủ phạm. Hình thức báo cáo truyền thống bằng văn bản, phản biện trong họp án, đưa ra những giải thích, nhận định tính chất của vụ án, đối tượng, loại đối tượng diễn biến quá trình gây án bằng cách diễn đạt lời nói đã bộc lộ không ít những hạn chế, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên cũng như mất nhiều thời gian.
Chính vì vậy, việc thực hiện hóa dấu vết vật chứng ở hiện trường, dựng lên những hình ảnh sống động, phục dựng lại mô hình diễn hoạt hành vi phạm tội với những giả thiết có căn cứ khoa học nhằm giúp lãnh đạo cấp trên chỉ đạo chính xác là việc làm hết sức quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ vào khám nghiệm hiện trường đã giúp cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm, phá nhiều vụ án hóc búa.
Từ những tìm tòi nghiên cứu nêu trên, nhiều chuyên án lớn, các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra, khám phá nhanh. Điển hình như phá chuyên án “Cướp tài sản” bắt 4 đối tượng thực hiện 13 vụ cướp tài sản tại địa bàn tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương và 2 đối tượng không tố giác tội phạm; triệt phá đường dây “Trộm cắp và tiêu thụ xe môtô qua biên giới Campuchia” bắt khởi tố 13 đối tượng thực hiện 21 vụ trộm cắp tài sản và 7 vụ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; phá chuyên án “Tín dụng đen” bắt, xử lý 3 nhóm, 13 đối tượng cho vay lãi nặng, hoạt động đòi nợ thuê tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh từ năm 2017 đến năm 2019...
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã tổ chức 3 đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Qua đó, tội phạm và vi phạm pháp luật giảm 5,23% số vụ, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao; tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 90%, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao.
Trong đó, khám phá tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%, vượt chỉ tiêu Bộ giao; thu hồi tài sản trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng. Đã khởi tố 460 vụ - 942 bị can... Công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm cũng vượt chỉ tiêu. Tiếp nhận 2.012 tin báo, tố giác tội phạm, đã giải quyết 93,38%.
Công an huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đến tận nhà người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Phú Nghĩa để làm chứng minh nhân dân. |
Trong lĩnh vực kinh tế, Công an tỉnh phát hiện 461 vụ - 478 đối tượng vi phạm. Đã đấu tranh, triệt xóa nhiều nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (thuốc lá, pháo nổ) với khối lượng lớn. Thu giữ 108.775 gói thuốc lá; 896,6 kg và 4.014 viên pháo các loại cùng một số hàng hóa, tang vật khác.
Một thành tích đáng ghi nhận của Công an Bình Phước đó là đã vận động nhân dân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp giao nộp 1.642 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại. Xây dựng được 5 mô hình “vận động, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, “giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tặng lương thực” tại các địa bàn trọng điểm về ANTT, địa bàn nhiều người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... đã vận động thu được 42 khẩu súng các loại. Phát hiện, bắt giữ 88 vụ - 243 đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, CSGT tuần tra kiểm soát phát hiện trên 84 ngàn trường hợp vi phạm. Xử lý hành chính 48.451 trường hợp với số tiền trên 66 tỷ đồng. Chính vì vậy, so với cùng kỳ năm 2019, tai nạn giao thông giảm đáng kể, xảy ra 181 vụ (giảm 48 vụ), giảm 10 người chết, giảm 44 người bị thương.
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Công an Bình Phước năm 2020 đã đạt xuất sắc. Theo Đại tá Lâm Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh, với phương châm: “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, ngay từ đầu năm 2020, Công an tỉnh đã tập trung đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng CCHC. Trong đó, chú trọng nhất là “Bộ phận một cửa” với việc đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, công khai đầy đủ thủ tục hành chính (TTHC) để nhân dân biết và thực hiện.
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác CCHC của Công an tỉnh, hiện đã đưa 17 TTHC thuộc 4 lĩnh vực đến thực hiện tại Trung tâm hành chính công của tỉnh. Trong đó có 14 TTHC được thực hiện dịch vụ trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Kết quả chỉ số CCHC của Công an tỉnh năm 2020 đạt loại xuất sắc, được Bộ Công an xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (năm 2019 xếp thứ 59/63); mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức trong giải quyết TTHC của Công an tỉnh có sự cải thiện rõ rệt, từ 82,58% năm 2019 lên 100% năm 2020, phục vụ hiệu quả việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Đại tá Bùi Xuân Thắng, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, phong trào thi đua được triển khai sâu rộng đến từng cấp ủy, đơn vị cơ sở và từng CBCS. Từ đó, đã tạo động lực, định hướng phong trào thi đua theo hướng hiệu quả, thực chất, hạn chế tính hình thức, chung chung trong mỗi cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng và tập thể đơn vị Công an tỉnh Bình Phước nói chung.