Nhân rộng mô hình Đội công nhân xung kích, góp phần kéo giảm tội phạm

Thứ Năm, 10/06/2021, 09:20
Với hơn 1 triệu lao động nhập cư tạm trú (chủ yếu là công nhân), tỉnh Bình Dương từng được đánh giá là một trong 18 địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và là một trong 10 địa bàn trọng điểm về tội phạm băng nhóm trong cả nước.


Tuy nhiên, với việc xây dựng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả, đặc biệt là mô hình Đội Công nhân xung kích tự quản về ANTT trong doanh nghiệp(CNXK), những năm gần đây, tình hình ANTT ở Bình Dương đã có chuyển biến tích cực… 

Ngày cuối tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ Trần Văn Mỹ (SN 1987) và Phan Thị Trúc Mai (SN 1989, vợ Mỹ, cùng quê An Giang) để điều tra hành vi giết người, gây rối trật tự công cộng. 

Theo điều tra, Mai và chị Thạch Thị Trúc Phương (SN 2000, quê Sóc Trăng) làm chung công ty trên địa bàn khu phố Khánh Vân, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên (Bình Dương). Ngày 6/4, giữa hai người xảy ra mâu thuẫn và hẹn nhau tan ca ra ngoài công ty để giải quyết mâu thuẫn. 

Trước đó, Mai gọi điện thoại báo cho cho chồng cùng em gái là Phan Thị Huyền (SN 1992) cùng một thanh niên (chưa rõ lai lịch) đến. Phía Phương cũng rủ thêm 5 người bạn để "ăn thua đủ" với Mai. 

Khoảng 20h cùng ngày hôm đó, hai nhóm "chạm trán" trước cổng của công ty. Sau vài tiếng cãi vã, Phương và Mai xông vào đánh nhau. Mỹ bênh vợ, rút dao đâm Phương và những người bạn. Hậu quả Phương tử vong tại chỗ, 4 người bạn bị thương…

Công an thị xã Tân Uyên tuyên truyền về ANTT cho công nhân.

Một vụ việc khác, Phạm Thị Bảo Linh (SN 2005) và Trần Thị Thu Lan (SN 2003, cùng quê Sóc Trăng) làm chung công ty tại khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn, TP Thuận An. Do có mâu thuẫn trong công ty, cả hai lên mạng xã hội thách thức và hẹn địa điểm để đánh nhau nhằm giải quyết mâu thuẫn. 

Sợ mình yếu thế, Lan rủ thêm 8 đối tượng; Linh cũng rủ 12 đối tượng khác mang theo 2 con dao, 2 ống tuýp sắt, 1 gậy bóng chày. Khi các đối tượng chuẩn bị hỗn chiến tại một bãi đất trống trên đường Bình Chuẩn 59 thì bị Công an phường Bình Chuẩn phát hiện, ngăn chặn…

Bên cạnh việc mâu thuẫn tại công ty, có nhiều công nhân còn thường xuyên xích mích tại khu vực ở trọ. Nguyên nhân được xác định là do người dân tạm trú đến từ nhiều vùng miền với tập quán, lối sống, văn hóa khác nhau nên khi chưa hòa nhập được, họ rất dễ mất lòng từ lời ăn tiếng nói đến cách giải quyết vấn đề. Có không ít vụ án mạng xuất phát từ cái liếc mắt, cái "nhìn đểu" hoặc một cử chỉ xem thường, một hành động thách thức…

Có một thực tế rất đáng chú ý là hầu hết các vụ mâu thuẫn đến đến đánh nhau của các công nhân đều rơi vào những doanh nghiệp chưa có Đội CNXK. Thế cho nên, trong những năm qua, mô hình phòng, chống tội phạm vừa kể luôn được chính quyền tỉnh Bình Dương quan tâm nhân rộng. 

Theo Công an Bình Dương, mô hình Đội CNXK được thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2014. Sau hơn 2 năm thực hiện (2015-2017) thí điểm, toàn tỉnh đã thành lập được 206 đội với hơn 7.000 hội viên. Từ hiệu quả mà mô hình mang lại, để nhân rộng, năm 2018, UBND tỉnh Bình Dương đã cụ thể hóa mô hình bằng đề án thành lập Đội CNXK trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2022. 

Đề án xác định, với trên 1 triệu lao động tạm trú chủ yếu là công nhân, ngoài mâu thuẫn dẫn đến các vụ phạm pháp hình sự, còn có sự xung đột về lợi ích giữa công nhân và chủ doanh nghiệp dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động, đình công, lãn công thường xuyên xảy ra. 

Trong giai đoạn từ năm 2012-2017, toàn tỉnh xảy ra 197 vụ đình công, lãn công với sự tham gia của hơn 100.000 lao động; trên địa bàn các khu, cụm công nghiệp xảy ra 4.782 vụ phạm pháp hình sự, chiếm 82,5% số vụ toàn tỉnh. Từ thực tế đó nên việc thành lập Đội CNXK là yêu cầu cấp thiết, phù hợp nhất, hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay. 

Theo quy định chung, mỗi doanh nghiệp tùy theo quy mô mà thành lập một hay nhiều Đội CNXK cho doanh nghiệp mình nhưng tối thiểu mỗi đội là 10 thành viên. Chỉ huy đội là những người có năng lực quản lý, điều hành. Thành viên còn lại là lao động trong công ty có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, lao động giỏi. Nhiệm vụ chính của đội là phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong doanh nghiệp. Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến an ninh trật tự phải tổ chức bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản doanh nghiệp, cấp cứu nạn nhân, bắt người phạm tội quả tang và báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để phối hợp xử lý.

Nhiệm vụ của cơ quan Công an là hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ, bồi dưỡng thức pháp luật… cho thành viên của các Đội CNXK này. Nhờ cách làm như vậy mà có hàng trăm, hàng ngàn vụ mâu thuẫn trong công nhân và giữa công nhân với người bên ngoài được kịp thời ngăn chặn, hòa giải. Vấn nạn trộm cắp trong các doanh nghiệp cũng giảm đi rõ rệt. Tình trạng đình công, lãn công cũng ít khi xảy ra. 

Theo thống kê, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương 675 Đội CNXK với hơn 16.100 thành viên tại 675 doanh nghiệp. Từ thực tiễn cho thấy, những địa bàn càng có nhiều Đội CNXK thì tội phạm, tệ nạn liên quan đến công nhân, đến người tạm trú càng giảm đi. Trong số đó, thị xã Tân Uyên với 225 Đội CNXK, 4.486 thành viên được đánh giá là địa bàn thực hiện khá hiệu quả mô hình này. 

Dân số thị xã Tân Uyên có 400.000 người thì có đến 70% nhân khẩu tạm trú, chủ yếu là công nhân trong các khu công nghiệp và doanh nghiệp xen kẽ trong khu dân cư. Chính vì vậy mà toàn địa bàn có đến những 5.469 nhà trọ và 103.945 phòng trọ nên chuyên mâu thuẫn trong sinh hoạt hằng ngày của ngần ấy con người là khó tránh khỏi. Tuy nhiên nhờ có những mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả mà tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo. Các vụ án liên quan đến công nhân ngày một giảm dần.

Ngoài hàng trăm Đội CNXK trên địa bàn tỉnh, tại thị xã Tân Uyên còn xây dựng lực lượng nòng cốt của các ngành, đoàn thể tại cơ sở với hiện có 3.401 đoàn viên, hội viên nòng cốt trên 12 xã, phường. Đây là lực lượng cốt cán trong các lực lượng đoàn thể quần chúng tại cơ sở, vừa có chức năng là kênh tuyên truyền viên tại địa phương; nắm tình hình dư luận nhân dân, công nhân; khi có tình huống sẵn sàng huy động theo phương châm "4 tại chỗ" để tham gia cùng lực lượng chức năng giải quyết các điểm nóng phát sinh.

 "Mô hình này được thành lập xuất phát từ vụ gây rối trật tự, đập phá tài sản doanh nghiệp liên quan đến giàn khoan HD 981 xảy ra vào năm 2014. Các đối tượng tham gia phần đông là công nhân, người dân bị dụ dỗ, lôi kéo bởi các thế lực thù địch, phản động. Tuy nhiên, do thời điểm đó công tác nắm bắt tình hình ở cơ sở còn yếu và thiếu nên dẫn đến thực trạng này. Từ khi có mô hình này, những hạn chế nói trên đã được khắc phục", Trung tá Hà Văn Phú, Trưởng Công an thị xã Tân Uyên cho biết thêm.

Mã Hải - Nguyễn Cảnh
.
.