Tình cảm của các văn nghệ sĩ với Báo CAND: Từ trang viết “nhân văn, tin cậy, kịp thời”

Thứ Ba, 01/11/2022, 07:00

Từ khi ra đời, từng chặng đường phát triển của Báo CAND luôn nhận được sự đồng hành, đóng góp tâm huyết của các văn nghệ sĩ. Họ không chỉ đồng hành trên trang viết mà còn sát cánh trong nhiều hoạt động nhân văn của Báo. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày phát hành số báo đầu tiên, phóng viên Báo CAND ghi nhận những tâm tư, tình cảm của các văn nghệ sĩ đã dành cho Báo trong suốt thời gian qua. 

Nhà thơ Phan Hoàng: Bài viết phản biện văn hóa, xã hội mang đậm tính nhân văn

Giữa lúc đời sống báo chí, đặc biệt là báo viết đang gặp nhiều khó khăn, các ấn phẩm của Báo CAND cơ bản vẫn giữ được số lượng phát hành là điều rất đáng mừng. Đáng nói là số lượng ấn phẩm của mình khá nhiều so với các báo bạn nên việc giữ được phong độ như vậy không phải dễ.

1-phan-hoang.jpg -0
Nhà thơ Phan Hoàng.

Dù là tờ báo của lực lượng Công an nhưng các ấn phẩm của Báo CAND vẫn dành nhiều sự quan tâm đến đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là chuyên đề Văn nghệ Công an, An ninh thế giới Cuối tháng. Nhiều bài viết về văn hóa, nghệ thuật của Báo rất sâu sắc, thiết thực và thời sự. Tôi rất thích những bài viết phản biện vấn đề xã hội, vấn đề văn hóa bởi tôi tin rằng chính điều đó đóng góp rất lớn trong việc giảm thiểu những cái nhìn lệch lạc, tư tưởng sai trái. Trong tình hình hiện nay, các bài viết nhân văn, xúc động trên các ấn phẩm Báo CAND góp phần giúp cho đời sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn.

Tôi rất vui khi thấy Báo ngày càng vững mạnh, phát triển; các ấn phẩm có nội dung và hình thức ngày càng phong phú, chất lượng. Với uy tín và chất lượng của mình, Báo ngày càng thu hút sự quan tâm, cộng tác của đông đảo các văn nghệ sĩ, các cây bút chuyên và không chuyên, góp phần làm phong phú, sinh động nội dung trên các ấn phẩm của Báo CAND. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều văn nghệ sĩ chung tay đóng góp xây dựng tờ báo ngày càng phát triển.

Nghệ nhân Phạm Thái Bình, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam: Các ấn phẩm của Báo CAND đóng góp cái nhìn đa chiều về văn hóa nghệ thuật

2-pham-thai-binh.jpg -0
Nghệ nhân Phạm Thái Bình.

Năm 2015, trong một dịp tình cờ, khi biết tôi từng làm việc tại Phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Long An, chuyên biên tập các chương trình giới thiệu về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu Cải lương, Ban biên tập tờ Văn nghệ Công an đã động viên tôi viết bài cộng tác. Dù bài đã viết xong và gửi đi nhưng tôi vẫn không tự tin vì xưa giờ tôi chưa viết báo in. Khoảng một tuần sau, tôi nghĩ quý tòa soạn đã không sử dụng bài viết của mình thì bất ngờ tôi nhận được email của nhà báo Nguyễn Hồng Lam (phụ trách biên tập tờ Văn nghệ Công an khu vực phía Nam). Anh nhận xét bài tôi viết khá, tuy nhiên cần phải điều chỉnh vài chi tiết để phù hợp với tiêu chí của tờ báo. Đó là bài tôi viết về sầu nữ Út Bạch Lan. Bài viết được đăng khiến tôi rất vui mừng. Từ đó, tôi mạnh dạn viết nhiều bài báo khai thác sâu vào các vấn đề của nghệ thuật miền Nam như Đờn ca tài tử, Cải lương, múa Bóng rỗi, ca múa Địa – Nàng... Vì là “người nhà” nên tôi có lợi thế chuyên môn để viết những mảng này.

Hơn 5 năm cộng tác, tôi thấy Báo CAND nói chung và tờ Văn nghệ Công an nói riêng đóng góp rất nhiều cho nền văn học - nghệ thuật của nước nhà. Ngoài phản ánh các sự kiện nóng hổi, thông qua tờ báo, độc giả còn tiếp cận những bài viết chuyên sâu về các thể loại: văn, thơ, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh, cùng một số loại hình nghệ thuật dân gian - dân tộc khắp cả nước… Đặc biệt, Báo cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích về những tư liệu văn hóa quý giá của Việt Nam. Báo CAND là một tờ báo lớn, uy tín và thật sự trách nhiệm đối với bạn đọc. Tôi cũng thấy được sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, sâu sát của Ban lãnh đạo, cùng đội ngũ phóng viên trong việc triển khai nội dung các bài viết để mang đến cái nhìn đa chiều và chân thực.

Ngoài trang viết, Báo CAND còn rất năng nổ trong các hoạt động văn hóa và từ thiện. Các kỳ Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an hay chương trình “Tết vì người nghèo” có tuổi đời gần 20 năm là những ví dụ thiết thực thể hiện tên tuổi cũng như uy tín Báo CAND. Nếu các kỳ Liên hoan giúp khán giả hiểu hơn về những hy sinh thầm lặng, những lo toan rất “đời” của người chiến sĩ Công an thì chương trình “Tết vì người nghèo” là bàn tay sẻ chia, mang hơi ấm mùa xuân đến với bà con nghèo vùng sâu vùng xa. Đây là điều tôi rất cảm kích. 

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày  Báo CAND phát hành số đầu tiên, kính chúc Ban biên tập và tập thể phóng viên luôn giữ vững ngòi bút của mình để trở thành những chiến sĩ trên mặt trận thông tin.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân: Tôi quan tâm đến những bài báo sâu sắc và giàu thông tin về con người

3 pham thuy nhan.jpg -0
Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân.

Trong các ấn phẩm của Báo CAND, tôi thích nhất khi đọc tờ An ninh thế giới. Bởi trong ấn phẩm này tôi đọc được những bài báo hấp dẫn và có chất lượng về tình hình thế giới hiện nay và quá khứ, cũng như những sự kiện có tác động sâu sắc đến lịch sử của Việt Nam thời cận đại, nhất là hoạt động của các nhân vật tình báo như: Anh hùng Phạm Ngọc Thảo, Anh hùng Phạm Xuân Ẩn... - những nhân vật huyền thoại luôn luôn hấp dẫn và tạo sự hiếu kì cho nhiều thế hệ công chúng trong nghệ thuật!

Theo tôi, sức hấp dẫn của các ấn phẩm Báo CAND nói chung là giải quyết được sự hiếu kì của công chúng, giúp họ hiểu biết được cái gì đang ẩn nấp đằng sau bức màn bí mật của một sự kiện xã hội, của một con người. Cho nên, những bài phóng sự điều tra của phóng viên phải hết sức công tâm, khoa học, dũng cảm, thấu tình đạt lí thì mới thuyết phục được người đọc nếu không sẽ trở thành "con dao hai lưỡi" làm ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.

Hình tượng người Công an thường được tôi đưa vào các kịch bản phim. Bộ phim đầu tay của tôi mang tên "Con mèo nhung" kể về các chiến sĩ Công an cùng nhau nuôi nấng, chăm sóc một cháu bé bị lạc cha mẹ trong chuyến di tản sang Mỹ. Đó là câu chuyện có thật do một người bạn thân - anh Lê Kim Ngữ (đã mất) kể cho tôi nghe khi anh còn là sĩ quan Công an xuất thân từ Ban An ninh T4 Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ. Phim "Đôi mắt ân tình" thì kể về anh cảnh sát hy sinh khi truy đuổi đối tượng.

Thú thật, làm phim về cảnh sát thì dễ khiến khán giả chú ý vì nó xảy ra nhiều tình huống kịch tính lôi cuốn. Những tình huống đó đòi hỏi người cảnh sát phải có cách xử lý rất can đảm, khôn khéo. Chính trong hoàn cảnh đặc thù cận kề cái sống và cái chết đó, phần nhân bản của các anh nổi bật lên. Kịch bản phim về cảnh sát của tôi đều cố gắng đi tìm và khai thác phần nhân bản đó. Tính nhân bản này tôi cũng tìm tòi ở các ấn phẩm của ngành Công an.

Việc "điểm phấn tô son" như thế nào để bài báo cuốn hút bạn đọc là điều không nên coi nhẹ. Nhưng tôi quan tâm hơn đến cái gì ở bên dưới lớp “phấn son” đó - tức nội dung độc đáo, không giống ai, hấp dẫn với những bài viết sâu sắc và giàu thông tin về con người - đặc biệt người Việt Nam - trong một thế giới đầy biến động như hiện nay...

Ảo thuật gia Việt Duy: Mong các chương trình từ thiện của Báo CAND ngày càng lan tỏa

4 viet duy.jpg -0
Ảo thuật gia Việt Duy.

Mới học đến lớp 7, chỉ vì không đủ 30 ngàn để đóng học phí mà tôi phải nghỉ học. Từ đó, tôi phải lăn lộn với đủ thứ nghề như bán kem, bán báo, bốc vác, phụ hồ… Có một tuổi thơ cơ cực, phải làm đủ nghề để mưu sinh từ nhỏ nên tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó. Do vậy ngoài biểu diễn ở thành phố, tôi thường tham gia phục vụ các chương trình từ thiện, biểu diễn miễn phí cho bệnh nhân neo đơn, người nghèo, đồng bào chịu thiên tai bão lụt... ở vùng sâu vùng xa.

Nhiều năm liền tham gia chương trình “Tết vì người nghèo” của Báo CAND, tôi mong đóng góp chút tấm lòng nhỏ bé của mình đến chương trình. Mong rằng chương trình ngày càng lan tỏa và thu hút càng nhiều tấm lòng vàng để cuộc sống người nghèo bớt khó khăn. Tôi luôn dành tình cảm nồng hậu và tin tưởng rằng thời gian tới, Báo sẽ luôn phát huy tinh thần xung kích trên mọi trận tuyến, không ngừng cải tiến, đổi mới để xứng đáng là người bạn đồng hành tin cậy của nhân dân.

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.
.