Kho chất liệu phong phú, văn nghệ sĩ cần dấn thân, khơi nguồn

Thứ Năm, 16/12/2021, 09:23

Ngày 15/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Văn học, nghệ thuật (VHNT) với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.  Đồng chí Lại Xuân Môn, Uỷ viên Trung ương đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng nhận định: Đất nước ta cũng như nhân loại đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi to lớn và cả những thách thức, khó khăn không nhỏ từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của cơ chế kinh tế thị trường. Trước bối cảnh ấy, VHNT với thế mạnh đặc thù riêng có, với tư cách là một lĩnh vực “rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá” đã làm gì và đã hiện diện như thế nào? Những vấn đề nào trong đời sống xã hội đương đại đã trở thành sức hút, sức hấp dẫn đối với VHNT? Làm thế nào để VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình trước đất nước và nhân dân? Làm thế nào để văn nghệ sĩ sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh để nắm bắt và chuyển hoá sự ngổn ngang, bề bộn, nhiều mặt phức tạp của hiện thực đổi mới đất nước thành tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, chấn chỉnh? Đó chính là cơ sở để Ban Tổ chức hội thảo lựa chọn chủ đề “VHNT với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”.

hop hoi dong 2.jpg -0
Đông đảo văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, phê bình dự hội thảo.

Đề dẫn hội thảo, PGS.TS PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cho biết, Ban tổ chức đã xác định 5 nội dung, ôm trọn, bao quát được gần như toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị và văn hoá, VHNT của đất nước. Đó là VHNT với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và hội nhập quốc tế. VHNT với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài và nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Cũng theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, trước chặng đường mới, đất nước đang ngổn ngang các công việc phải làm, cần làm. VHNT với sứ mệnh cao cả của mình cũng đang đứng trước sự ngổn ngang, bề bộn của thực tại. Đó là kho chất liệu phong phú, là ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo. Vấn đề đối với nghệ sĩ là dấn thân, nhập cuộc để nắm bắt và chuyển hoá thành tác phẩm theo quy luật nghệ thuật-thẩm mĩ và hoạt động sáng tạo. Trong hoàn cảnh đó, làm thế nào để VHNT ý thức rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ của mình trước đất nước và nhân dân, thêm một lần nữa trở thành mục tiêu bao trùm của hội thảo lần này.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã bày tỏ những trăn trở với tình hình VHNT nước nhà trong bối cảnh mới. Trong đó, GS Phong Lê cho rằng, phải xác định thế hệ trẻ là lực lượng chủ công dấn thân vào những vấn đề thời sự của đất nước để sáng tạo những tác phẩm chất lượng. PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ những đóng góp to lớn, nhanh nhạy, vận dụng hiệu quả công nghệ, nền tảng số của lực lượng văn nghệ sĩ để đóng góp vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 thông qua các tác phẩm VHNT. PGS.TS Đào Duy Quát nhận định, chia sẻ nhiều giải pháp để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

Lắng nghe các ý kiến và đọc tham luận gửi về hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định: Đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc ta, VHNT nước nhà đã bền bỉ sáng tạo, bồi đắp bản sắc văn hóa, lương tri và phẩm giá dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, đời sống VHNT còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, phê bình, văn nghệ sĩ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cùng bàn thảo, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng, nhận định xu hướng vận động, phát triển và đề xuất những giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp của VHNT nước nhà, hướng tới mục tiêu thực hiện khát vọng phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng chí Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã mượn ý của một nhà văn nhấn mạnh: Đi đến tận cùng dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại. Đây là hành trình khó nhọc nhưng đầy vinh quang và chắc chắn phải bắt đầu từ con người, hướng đến con người và vì con người Việt Nam.

Đồng chí nhấn mạnh: “Nền VHNT nước nhà đang đứng trước sứ mệnh cao cả là trực tiếp góp phần khơi dậy khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, tôi tha thiết mong rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động VHNT hãy đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước hôm nay, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, cấp thiết để nhân dân ta được thưởng thức nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức. Đồng thời, chúng ta cần đề cao và phát huy hơn nữa khát vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, để vươn tới những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, xứng tầm với cơ đồ, tiềm lực và uy tín, vị thế của đất nước, để phản ánh và xây dựng văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam trong thời đại mới”.

Đã có gần 100 tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Theo Ban tổ chức, kết quả hội thảo sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để đánh giá vai trò, đóng góp của VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ có báo cáo tư vấn cụ thể, giúp Đảng, Nhà nước đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực VHNT Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới…

N.Nguyễn
.
.
.