Nếu nghĩ “lòng vả cũng như lòng sung” sẽ rất khó phát triển
Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng diễn ra vào ngày 24/11. Đây là sự kiện chính trị, văn hoá lớn, huy động trí tuệ, tâm huyết của lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học…
Dịp này, chúng tôi đã cuộc phỏng vấn PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái. Với góc nhìn của một trong những nhà nghiên cứu uy tín lâu năm trong giới học thuật, đặc biệt là văn hoá, văn nghệ, bà đã chia sẻ thẳng thắn nhiều vấn đề còn tồn tại, cũng như giải pháp phát triển văn hoá, văn nghệ trong giai đoạn hiện nay.
Phóng viên: Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sẽ diễn ra vào ngày 24/11. Là người gắn bó với lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, theo bà, việc tổ chức Hội nghị này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Theo tôi, văn hoá được bàn thảo ở Hội nghị lần này rất rộng, rất lớn, nhằm phát triển văn hoá đúng với định hướng mà Đảng đã chỉ ra: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ trao đổi trong phạm vi về văn hoá, văn nghệ, tức là một nhánh của văn hoá Việt Nam nói chung.
Con người là chủ thể của văn hoá. Chủ thể văn hoá Việt Nam hiện nay, chiếm tới 70% vẫn là nông dân, văn hoá nông nghiệp là căn bản. Hiện nay, vô số cách nghĩ vẫn là cách nghĩ của nông dân cũ. Nông dân Việt Nam đã xây dựng một nền nông nghiệp rất Việt Nam.
Nhưng khi chuyển nền văn hoá nông nghiệp, nông thôn sang phát triển công nghiệp văn hoá, hiện đại, chắc chắn có rất nhiều bi kịch, nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta phải giải quyết. Nói như cụ Đào Duy Anh thì đấy là bi kịch của sự phát triển.
Trước đây, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, trong cuộc đô hộ ấy, người Việt Nam không được học hành tử tế. Dưới chế độ thuộc địa, người dân Việt Nam chỉ là dân thuộc địa, không được đầu tư phát triển văn hoá, văn nghệ. Người Pháp chỉ xây dựng một trường duy nhất về nghệ thuật là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Thực dân Pháp có xây dựng 3 nhà hát ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, người ta gọi là nhà hát Tây vì chỉ phục vụ cho người Tây.
Người Việt Nam lại rất thích nghệ thuật, trong đó có kịch. Năm 1906, ông Nguyễn Văn Vĩnh sang Mác – xây để dự Hội chợ đấu xảo quốc tế, được tiếp cận và ấn tượng mạnh với kịch nói của phương Tây, quyết tâm mang về Việt Nam.
Ông Vĩnh làm chủ bút tờ Đông Dương tạp chí, cho dịch 3 kịch bản của Molière sang tiếng Việt: Lão hà tiện, Kẻ ghét đời, Trưởng giả học làm sang. Nhưng kịch thì người ta không thể đọc bằng mắt mà phải xem trên sân khấu. Người Việt tự học làm kịch theo cách của mình.
Thời điểm “Chén thuốc độc” – vở kịch được chọn là dấu mốc quan trọng đầu tiên của Kịch nói Việt Nam ra đời, một nửa vẫn là nghiệp dư, tài tử. Ông Thế Lữ gọi mình là nhà dàn cảnh. Các diễn viên coi mình chỉ là tay ngang.
Người đi xem cũng coi như là dịp để ủng hộ từ thiện, vì đêm diễn không bán vé, chỉ đặt thùng quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt. Kháng chiến chống Pháp thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tình trạng nói trên chấm dứt. Người làm nghệ thuật được đào tạo tử tế, được Đảng, Nhà nước cử đi học ở các nước XHCN. Chúng ta đã xây dựng nhiều trường đào tạo nhiều loại hình nghệ thuật trong nước và gửi người ra nước ngoài học tập. Văn hoá, văn nghệ đã có những thời kỳ “hoàng kim”.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, phát triển văn hoá, nghệ thuật đang đối diện với nhiều thách thức mới. Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức ở thời điểm này là sự kiện rất có ý nghĩa, nhằm tìm ra giải pháp cho những vấn đề của văn hoá Việt Nam hiện nay.
Phóng viên: Từ kinh nghiệm và quan sát của một nhà nghiên cứu, bà cho rằng chúng ta cần có những giải pháp cụ thể nào để phát triển văn hoá Việt Nam, trong đó có văn hoá, văn nghệ?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Muốn phát triển trong giai đoạn hiện nay, chúng ta buộc phải hội nhập với thế giới và hội nhập thì có những bi kịch phát triển. Văn hoá người Việt Nam vốn trọng tình. Nhưng để hội nhập, phát triển, chúng ta không thể chỉ tư duy “bằng bụng”, xử lý công việc một cách cảm tính, mà phải tư duy “bằng đầu”, trọng lý hơn. Nếu vẫn giữ quan niệm “lòng vả cũng như lòng sung”, chúng ta sẽ rất khó phát triển. Một dân tộc chan chứa tình cảm thì rất tốt, nhưng để phát triển cùng với phương Tây thì cần phải có sự cân bằng về lý trí.
Chúng ta hướng tới phát triển công nghiệp văn hoá, mà công nghiệp là xuất phát từ phương Tây, không phải là từ xã hội nông nghiệp truyền thống của phương Đông. Vì vậy, chúng ta cần xốc lại tư duy, đưa ra những phương pháp căn bản, hướng theo cách nghĩ của phương Tây. Giải pháp lớn nhất cho phát triển văn hoá Việt Nam lúc này là đổi mới về tư duy. Tư duy phải đặt trong sự phát triển chiến lược chứ không phải chiến thuật.
Hội nghị Văn hoá toàn quốc là hội nghị mang tính chất chiến lược phát triển văn hoá của Đảng, Nhà nước. Tôi hy vọng, Hội nghị Văn hoá lần này sẽ là giải quyết được vấn đề này. Từ đó, văn hoá, văn nghệ đóng góp vào sự phát triển văn hoá nói chung bằng các ngôn ngữ của nghệ thuật.
Ngôn ngữ ấy phải được tận dụng tuyệt đối, đúng hướng chứ không phải nhảm nhí với những chương trình, vở diễn tầm thường, những lời ca não tình, những sản phẩm ăn cắp của các danh họa rồi bán lấy tiền. Những thứ nhảm nhí này phải được dẹp bằng tư duy sáng suốt của người làm văn hoá, văn nghệ, của lãnh đạo đất nước.
Phóng viên: Nhiều quốc gia đã phát triển thành công công nghiệp văn hoá và văn hoá đã trở thành “sức mạnh mềm” quan trọng trong chiến lược phát triển nhằm củng cố vị thế, hình ảnh, tầm ảnh hưởng của họ đối với các quốc gia khác. Theo bà, chúng ta cần làm những gì để phát triển công nghiệp văn hoá, phát huy được “sức mạnh mềm” này?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Như tôi đã nói ở trên, hiện nay chúng ta đang có vấn đề về tư duy phát triển. Phương pháp tốt nhất để thay đổi tư duy của người làm văn hoá văn nghệ là xây dựng công nghiệp văn hoá.
Trong công nghiệp văn hoá có ngoại giao bằng văn hoá, có ngoại giao bằng những tác phẩm tử tế như của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… mà chúng ta vẫn thấy chiếu đầy trên tivi Việt Nam. Phát triển công nghiệp văn hoá mang lại hiệu quả về kinh tế, tức là có tiền. Nhiều nghệ sĩ nước ngoài giàu khủng khiếp. Phát triển công nghiệp văn hoá có nhiều lợi ích như thế, tại sao mình không làm?
Vì vậy, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này, tôi đề nghị phải có hội nghị riêng về nhằm đưa công nghiệp văn hoá phát triển. Liên hiệp các Hội VHNT, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT phải suy nghĩ về việc này. Bởi vì đấy là phương tiện duy nhất để cứu nền văn nghệ đang khủng hoảng người xem, người nghe, người đọc… Văn hoá, văn nghệ cần phải được đặt đúng vị thế của nó.
Phóng viên: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái!