Văn nghệ sĩ chia sẻ trước "Hội nghị Diên Hồng" về văn hóa

Chủ Nhật, 21/11/2021, 10:11

Theo kế hoạch, ngày 24/11, Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra tại Hà Nội. Nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn hoá, nhà nghiên cứu ví đây là “Hội nghị Diên Hồng” về văn hoá nói chung.

Trước thềm hội nghị, chúng tôi có dịp lắng nghe những trao đổi, chia sẻ tâm huyết của nhiều văn nghệ sĩ về văn hoá, nghệ thuật cũng như những kỳ vọng của họ tại Hội nghị này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Hy vọng văn nghệ sĩ tập trung trí tuệ, tìm giải pháp đồng bộ phát triển văn hoá

Văn nghệ sĩ chia sẻ trước
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng là hội nghị bàn về văn hoá trong kiến thiết, bảo vệ, phát triển đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà cách đây 75 năm, trong lúc chúng ta vừa mới giành được chính quyền, vận nước còn khó khăn, nhiều khi “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến lĩnh vực văn hoá. Phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Người đã nói “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Học giả Phạm Quỳnh cũng từng nói rằng: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Đấy chính là ông nói về văn hoá. Văn hoá còn thì nước còn, văn hoá mất thì nước mất.

Thực tế, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho văn hoá nói chung, văn hoá nghệ thuật nói riêng, đồng thời vận động, tổ chức, định hướng, lãnh đạo tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức đem tài năng cống hiến cho đất nước, nhân dân. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, những năm vừa qua, chúng ta tập trung lo phần “nóng” là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, văn hoá chưa được đầu tư phát triển tương xứng. 

Phát triển đất nước phải phát triển song song kinh tế - vật chất và văn hoá – tinh thần. Vật chất và tinh thần giống như là đôi chân để chúng ta bước. Nếu thiếu vật chất thì chúng ta nhìn thấy ngay, giống như nhìn thấy sự còi cọc ở một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng. Nhưng một đứa trẻ còi cọc trong tâm hồn thì rất khó nhìn thấy được. Cho nên, việc chấn chỉnh văn hoá là vô cùng cấp thiết. Đầu tư cho văn hoá cũng không thể đo đếm, tính toán bằng tiền mà phải là đầu tư cho con người. Như Bác Hồ nói, đó là phải con người “vừa hồng vừa chuyên”.

Việc chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc trong thời điểm này rất quan trọng và tôi hy vọng đây là bước khởi đầu mới, là nơi tập trung trí tuệ để tìm cho ra những giải pháp đồng bộ cho văn hoá, đồng thời đề ra những phương cách để biến những ý tưởng, giải pháp đó thành hiện thực. Tất nhiên, về phía văn nghệ sĩ cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để sáng tạo nên những tác phẩm hay, những tác phẩm xây dựng đời sống tinh thần của con người, hướng con người tới cái đẹp, cái cao cả. Tôi tin là nếu cái cao cả lên ngôi thì cái thấp hèn sẽ không còn đất trú ngụ.

NSND Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:  Nghệ sĩ sân khấu  gửi nhiều tâm tư, trăn trở và giải pháp qua tổ chức Hội

Văn nghệ sĩ chia sẻ trước
NSND Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Những ngày này, các nghệ sĩ sân khấu đều nóng lòng chờ đợi ngày diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng. Thực tế, trong những năm qua, văn nghệ sĩ luôn luôn song hành cùng đất nước và văn học nghệ thuật đã có rất nhiều thành tựu. Trước đây, văn học nghệ thuật đã có những thời kỳ hoàng kim với đội ngũ sáng tạo được đào tạo rất bài bản ở các nước phát triển. Đội ngũ này đã nỗ lực sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao, truyền tải được những tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Trải qua chặng đường dài, đất nước ngày một phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, nhưng với văn hoá, văn nghệ, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là có những mặt chưa tương xứng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, hoạt động văn hoá nghệ thuật có nhiều điều kiện thuận lợi, song cũng có rất nhiều thách thức. Ví dụ, với sân khấu, hiện nay, đội ngũ văn nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước trước đây đang ngày càng mai một.

Trong khi đó, nguồn lực sáng tạo có vai trò vô cùng quan trọng với hoạt động văn hoá nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng. Người sáng tạo nghệ thuật phải luôn được cập nhật, mang trong mình tri thức, kiến thức mới. Trong Cách mạng 4.0, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nếu người làm sáng tạo không đi tiên phong, không cập nhật các thành tựu ấy, không cập nhật tri thức và sáng tạo thông minh thì khó có tác phẩm đáp ứng nhu cầu của công chúng. Sân khấu khó phát triển.

Vì vậy, chúng tôi luôn luôn mong có được cơ chế chính sách đặc thù trong đào tạo văn nghệ sĩ như trước đây, nhằm đổi mới, phát triển nguồn lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội. Văn nghệ sĩ tiếp cận với những tinh hoa văn hoá, tinh hoa nghệ thuật của các nước phát triển để làm giàu thêm cho nền văn hoá, nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Một vấn đề khác là khán giả ngày nay không mặn mà với sân khấu. Có rất nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng là sự đứt gãy trong đào tạo khán giả. Chúng ta không quan tâm đào tạo khán giả, nguồn khán giả trẻ nên nhiều bạn trẻ không hiểu và không biết nhiều về tinh hoa nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống.

Những tồn tại về nguồn lực sáng tạo, về khán giả và nhiều vấn đề khác nữa đang là những trăn trở lớn của người làm nghề. Chúng tôi xác định, khắc phục các vấn đề này là trách nhiệm của chính người làm nghề và đã, đang có nhiều nỗ lực, đổi mới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt là về cơ chế, chính sách của Nhà nước trong tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi hơn cho những người hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Các văn nghệ sĩ cũng đã gửi tâm tư đến Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Những vấn đề này, chúng tôi sẽ có những bày tỏ, đề xuất, kiến nghị cụ thể tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc sắp tới.

Hoa Nguyễn (ghi)
.
.
.