Xóa bỏ hủ tục không đưa người chết vào áo quan

Thứ Ba, 12/05/2020, 08:15
Nói đến hành trình xóa bỏ hủ tục “không đưa người chết vào áo quan” của đồng bào dân tộc Mông xã Hố Mít, huyện Tân Uyên(Lai Châu) là một cuộc “cách mạng về nhận thức” trong đồng bào dân tộc thiểu số.


Cách đây 5 năm khi nhắc tới xã Hố Mít, nhiều người đã biết đây là một xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm thị trấn huyện Tân Uyên 25km. Toàn xã chỉ có 517 hộ, nhưng có tới 157 hộ nghèo chiếm 32,2%; trong đó dân tộc Mông chiếm đa số với 97%, còn lại là dân tộc Thái. Hố Mít ngoài điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì nơi đây vẫn còn tồn tại một số hủ tục đã đeo đuổi từ bao đời nay.

Trong đó đặc biệt có hủ tục trong làm đám tang cho người đã chết của người dân tộc Mông. Cụ thể: “Khi trong gia đình có người chết sẽ mời thầy khèn làm “lý” và treo tử thi lên giá đỡ, tiến hành cúng cơm tổ chức ăn uống linh đình ngay tại nhà có người chết đến khi đưa đi chôn. 

Sau khi đưa ra nghĩa địa tiến hành mổ trâu, bò… tiếp tục cúng và phơi nắng người chết 1/2 ngày mới chôn. Thường thường trong một đám tang của người Mông nơi đây thì người chết sẽ để treo từ 3/7 ngày tùy theo việc gia đình đi xem bói, thầy bói bảo là sẽ chôn cất ngày nào thì gia đình sẽ thực hiện chôn cất ngày đó…”. 

Có thể thấy việc tổ chức đám tang theo hủ tục này không phù hợp với nếp sống văn minh, gây tốn kém về mặt kinh tế ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, khó phòng tránh những căn bệnh lây lan, dễ gây phát tán bệnh dịch. Đây là một tập tục lạc hậu cần xóa bỏ.

Xuất phát từ thực tiễn trên, ngay từ đầu tháng 9/2015, Công an huyện Tân Uyên đã tham mưu cho UBND huyện Tân Uyên và ban hành Kế hoạch số về “Mở cuộc vận động quần chúng xây dựng nếp sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã Hố Mít, đặc biệt là việc xóa bỏ các hủ tục trong việc tổ chức lễ cưới hoặc đám tang”.

Trung tá Giàng A Súa, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Tân Uyên đang tuyên truyền về nếp sống văn hóa mới cho người dân xã Hố Mít.

Để triển khai có hiệu quả, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an huyện đã thành lập Tổ công tác do một đồng chí Phó Trưởng Công an huyện làm Tổ trưởng và đồng chí Đội trưởng Đội An ninh làm Tổ phó thường trực cùng các đồng chí CBCS là người dân tộc Mông làm thành viên để tiến hành triển khai thực hiện cuộc vận động. Ngay sau đó, Hội nghị triển khai các kế hoạch được tổ chức và tập trung vào những người là trưởng, phó các bản, già làng, người có uy tín và một số thầy cúng, thầy mo trên địa bàn.

Trung tá Giàng A Súa, Đội trưởng Đội An ninh chia sẻ: “Chúng tôi xác định để thay đổi một hủ tục lâu đời là rất khó vì nó ăn sâu vào tiềm thức của bà con dân bản, vì vậy đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực mới mang lại hiệu quả. Đầu tiên là phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, trong đó chúng tôi thực hiện việc phân loại các lứa tuổi người dân và sử dụng cán bộ, chiến sỹ là con em đồng bào dân tộc Mông dùng tiếng mẹ đẻ triển khai các nội dung tuyên truyền cho phù hợp. 

Sau khi nhận được sự đồng tình ủng hộ của những người có uy tín và người dân, chúng tôi đã đưa 9 người là các thầy mo, thầy kèn, thầy cúng, đại diện các dòng họ trên địa bàn các bản người Mông của xã Hố Mít được đi học tập cách tổ chức tang lễ theo đời sống mới tại xã Nậm Chầy, huyện Văn Bàn, Lào Cai sau đó tiến hành làm hình mẫu để bà con nhân dân trong xã làm theo. Khi học tập về, những người này sẽ có vai trò tuyên truyền, vận động và tiến hành tổ chức các đám tang trên địa bàn xã theo nếp sống mới đã được học”.

Cùng với đó, Công an huyện Tân Uyên phối hợp với chính quyền xã soạn thảo Dự thảo “Hương ước thực hiện nếp sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hố Mít”, gồm 4 chương, 12 điều đã được thông qua tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của từng thôn bản và được sự nhất trí, đồng thuận 100% của nhân dân trong các bản. Sau đó đề nghị UBND huyện xem xét ra quyết định phê duyệt hương ước để sớm triển khai thực hiện tại các bản trong toàn xã theo các nội dung được quy định trong Hương ước. 

Đồng thời tổ chức họp bản tại 7 bản với 488 hộ gia đình dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn xã Hố Mít để tuyên truyền về Luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình và các văn bản của Nhà nước quy định về xây dựng nếp sống văn hóa. 

Đồng thời cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện theo nếp sống văn hóa mới: Bỏ các tập tục lạc hậu, không tảo hôn, cưỡng hôn, ép hôn, thực hành tiết kiệm trong việc tổ chức tang lễ, đám cưới, các gia đình phải đảm bảo việc cho trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường đầy đủ…

Đối với nhóm đối tượng là học sinh bậc Trung học sơ sở: Công an huyện Tân Uyên phối hợp với Huyện Đoàn, Đoàn Thanh niên xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo và Trường THCS Bán trú xã Hố Mít tổ chức cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, cho 236 học sinh ký cam kết tham gia thực hiện giữ gìn nếp sống văn hóa; không vi phạm nội quy, quy định của nhà trường và những điều học sinh không được làm, không tảo hôn.

Ông Thào A Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Hố Mít cho biết: Sau 3 tháng triển khai cuộc vận động trên địa bàn xã đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhận thức của nhân dân trong xã Hố Mít đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Hầu hết người dân đều đồng tình hưởng ứng theo các nội dung đã được cán bộ Công an huyện và cán bộ xã Hố Mít tuyên truyền. 

Các hộ gia đình, học sinh cấp THCS trở lên đều ký cam kết thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình thực hiện đám tang theo nếp sống mới, Công an huyện đã phối hợp với UBND xã huy động các nguồn lực, các đơn vị tài trợ mua sẵn áo quan rồi giao cho xã quản lý. 

Những chiếc áo quan này sẽ được tạm ứng trước cho những gia đình trong xã khi có người mất. Sau đó các gia đình có thể trả bằng tiền hoặc tự làm áo quan trả lại cho xã để cho những gia đình khác về sau. Gần đây nhất là gia đình của anh Vàng A Đơ trú tại bản Tà Hử sau khi có người chết đã tổ chức tang lễ theo nếp sống mới, đảm bảo an toàn, tiết kiệm hợp vệ sinh, không ảnh hưởng tới môi trường.

Thượng tá Nguyễn Đức Trường, Phó Trưởng Công an huyện chia sẻ: Có thể thấy, việc thay đổi nhận thức của người dân với phong tục, tập quán lạc hậu nhưng có từ lâu đời không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải “kiên trì bền bỉ, mưa dần thấm lâu” với phương châm bốn cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc”. 

Sau 5 năm (2015-2020), với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an và chính quyền địa phương thì 100% đám ma của người dân xã Hố Mít đã được thực hiện theo đúng nghi lễ nếp sống văn hóa mới và phù hợp tập quán của dân tộc. 

Hiện, xã có 8/8 bản đã xây dựng quy ước; 75% số bản đạt bản văn hóa; 3/3 trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; đời sống người dân từng bước được cải thiện vào năm 2019 xã Hố Mít đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới… cùng những kết quả đáng ghi nhận.

Trần Cường
.
.
.