Thăm ngôi nhà 2 lần được đón Bác Hồ

Thứ Bảy, 07/09/2019, 23:23
Trong không khí của những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi đến thăm căn nhà số 6 ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội – một cơ sở cách mạng trong kháng chiến nơi Bác Hồ đã ghé thăm và ở lại 2 ngày. Nắng và gió mùa thu lùa vào căn nhà cạnh triền đê Yên Phụ khiến du khách đến nơi đây cảm thấy như nhẹ nhàng, thư thái hơn.


Bước qua chiếc cổng thấp, du khách sẽ gặp một khoảng sân gạch đỏ au, và ngay bên tay phải là một bể nước được xây cùng năm 1929 với ngôi nhà. Căn nhà với 5 gian, 3 gian chính và hai chái nhà vẫn được giữ gìn nguyên bản kiến trúc từ lúc mới xây, với hành lang dài thông cả 5 gian nhà và những ô cửa mái vòm. 

Trong nhà, gia chủ vẫn bày biện nguyên vẹn những đồ vật từ ngày xưa, với những đồ dùng là hai chiếc phản gỗ, bộ tràng kỷ gỗ đã bóng lên theo thời gian. Khách tham quan đến đây sẽ được tiếp đón trên chính bộ tràng kỷ gỗ - bộ bàn ghế Bác đã ngồi và bàn công việc.

Ông Công Ngọc Dũng, người trông nom, cũng chính là chủ nhân của ngôi nhà - giới thiệu nhiệt tình và chi tiết về ngôi nhà lưu niệm, nơi được đón tiếp Bác Hồ trong hai ngày , từ tối 23 đến ngày 25 tháng 8-1945.
Ngôi nhà và những kỷ vật về Bác Hồ được ông Công Ngọc Dũng giữ gìn chăm sóc hết mức cẩn thận chu đáo.

Trong những năm kháng chiến, ông Dũng khi ấy còn rất nhỏ, nhưng những kỷ niệm về Bác Hồ ông được nghe kể lại từ những người thân trong gia đình, và với trách nhiệm trông nom gìn giữ nên ông nhớ rõ từng chi tiết lịch sử về ngôi nhà mà ông đã sinh ra và lớn lên.

May mắn đúng hôm chúng tôi đến lại gặp được cụ Thúy, con gái của cụ Nguyễn Thị An, người mà ông Dũng gọi là cô ruột. Cụ Thúy và bố của ông Dũng là anh chị em ruột, nhưng với trách nhiệm là con trai trưởng nên khi cha mất, ông Dũng thay cha cùng vợ chăm sóc giữ gìn ngôi nhà. Còn cụ Thúy, sau khi lớn lên đã đi lấy chồng và không ở ngôi nhà của cụ đã sống thời thơ ấu.

Cụ Thúy năm nay đã 90 tuổi nhưng minh mẫn, nhìn cụ vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng người con gái Tràng An xưa với mái tóc đã bạc trắng. Cụ Thúy vui mừng kể, năm 1945, khi ấy cụ là một cô bé 14 tuổi, ngày 23-8, vào lúc trời sẩm tối, cụ thấy một cụ già râu tóc bạc cùng một đoàn người đến nhà. Ngày ấy cụ hoàn toàn không biết đoàn người ở lại nhà mình có Bác Hồ. Cụ già và những người đi cùng ở lại nhà cụ 2 ngày. 

Trong tâm trí cụ khi ấy chỉ biết một cụ già tóc bạc, râu dài, người gầy nhưng đôi mắt rất sáng và vầng trán cao. Mãi đến ngày 2-9, khi dự mít tinh ngày độc lập, cụ mới biết đó là Bác Hồ. Và từ đó, gia đình đã rất trân trọng và gìn giữ tất cả những đồ vật mà Bác đã dùng trong 2 ngày Bác lưu lại nhà. Mỗi đồ dùng khi đó giờ đã trở thành kỷ vật vô giá về Bác, nhắc nhở chúng ta về một thời cách mạng còn gian khó, cũng nói lên đức giản dị, tiết kiệm khiêm nhường của một vị lãnh tụ.

Ngôi nhà được đón Bác lần thứ hai vào ngày 24-11-1946. Đó là những ngày quân Pháp bắn phá nhiều nơi ở Hà Nội và cả nước đang chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến.

Khách tham quan và tìm hiểu tư liệu về ngôi nhà lịch sử.

Ngôi nhà di tích hiện được vợ chồng ông Cao Ngọc Dũng trông nom và gìn giữ. Gian giữa ngôi nhà là một bàn thờ có ảnh Bác Hồ, nến đèn và hoa tươi. Vốn gốc gác Hà thành từ lâu đời nên gia đình có khu đất vườn rộng rãi. Toàn bộ phần đất sân và ngôi nhà lưu niệm, gia đình ông Dũng đã hiến tặng cho Nhà nước từ năm 1996, phần đất bên cạnh ông xây dựng một ngôi nhà mới để tiện bề chăm sóc, qua lại.

Không những chăm nom, coi sóc, ông Dũng còn rất nhiệt tình với những đoàn khách tham quan. Khách đến đây sẽ thấy cảm kích trước tấm lòng của vợ chồng ông. 

Ông kể, hằng năm cứ đến ngày 23-8, cả nhà ông lại tập trung gặp gỡ để ôn lại những kỷ niệm về Bác. Những năm gần đây, một số thầy cô giáo dạy Lịch sử thường dẫn học sinh đến tham quan ngôi nhà và giảng dạy lịch sử cho học sinh. Với những đoàn khách đông như vậy, gia đình ông lại có một cách tiếp đón rất đặc biệt. Vừa giới thiệu về ngôi nhà, ông thường mời cả nhóm tham quan cùng thưởng thức món xôi, cốm Phú Thượng đặc sản quê ông.

Phía trước ngôi nhà khắc 4 chữ Hán, có ý nghĩa là Trăng thanh gió mát. Đúng là khi đến đây mới thấy hết giá trị của không khí thiên nhiên nơi đây. Ngôi nhà với kiến trúc cổ, màu gạch tường đã rêu theo thời gian, chiếc bể nước cổ - một thứ đồ vật mà khó tìm lại nơi chốn đô thành này; và đặc biệt, gió từ sông Hồng thổi qua đê, tràn vào ngõ một thứ gió mát rượi. Cảnh quan, khí hậu và cả con người – chủ nhân ngôi nhà thật đáng quý trọng biết bao.

Được biết, ngày 23-8-2019, UBND thành phố Hà Nội đã công nhận ngôi nhà là di tích lịch sử cấp thành phố.

Đây là một địa chỉ rất giá trị để mọi người, và nhất là những thế hệ trẻ tham quan và học hỏi trau dồi và giáo dục kiến thức lịch sử văn hóa.

Ngô Chuyên
.
.
.