Tân Trào những ngày Tháng Tám mùa thu lịch sử

Thứ Ba, 18/08/2015, 10:24
Giữa Tháng Tám mùa thu lịch sử, trở lại Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), nơi mà cách đây 70 năm, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Quốc dân Đại hội được tổ chức với hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, chúng tôi cũng như bao người con đất Việt thấy thật tự hào. Thủ đô kháng chiến một thời giờ đã trở thành vùng nông thôn mới đầy khởi sắc.

Ký ức về một thời hào hùng

Chúng tôi trở về với Khu di tích lịch sử Tân Trào – cái nôi cách mạng của quân và dân ta. Những ngày này khi cả nước đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào và Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, mọi ngả đường đều rợp cờ hoa. Mới tờ mờ sáng, con đường liên thôn xã Tân Trào đã đông kín người. Đến từ các vùng miền khác nhau, mọi người về đây để ôn lại ký ức hào hùng một thời của dân tộc ta.

Bác Ma Thanh Dẩu, người thôn Yên Thượng, xã Trung Yên (huyện Sơn Dương) năm nay đã 69 tuổi hồ hởi cho biết, năm nào cũng vậy, vào dịp này - giữa Tháng Tám mùa thu lịch sử, bác lại cùng con cháu trong gia đình về thăm Tân Trào. Đối với bác, từ thuở thiếu thời, sớm được người cha của mình kể về địa danh gắn liền với những chiến công oanh liệt nơi Khu căn cứ cách mạng Tân Trào như: Bình Ca, Cầu Cả, Khe Lau… Khi lớn lên, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1966, cậu thanh niên Ma Thanh Dẩu đã viết đơn xung phong đi chiến trường Quảng Trị, góp sức mình cho những trận đánh vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thành kính thắp nén nhang dưới mái Đình Tân Trào, bác Dẩu thầm nguyện sẽ tiếp tục làm cái gì đó cho quê hương, cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Lán Nà Nưa – nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền.

70 năm trôi qua, sáng nay, cũng một ngày mùa thu trong xanh, các thành viên trong đoàn du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh đứng trước lán Nà Nưa, chăm chú lắng nghe chị Nông Thị Khánh Ly, hướng dẫn viên của Ban Quản lý khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào giới thiệu về từng chi tiết, kỷ niệm lịch sử gắn với điểm di tích này. Lời giới thiệu ấm và truyền cảm về nơi khởi phát câu nói chân lý của Bác: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…” khiến du khách càng cảm phục trước sự lựa chọn, chớp thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền sáng suốt của Bác.

Anh Phan Văn Thanh, 32 tuổi, du khách đến từ Thuận Thành (Bắc Ninh) bảo, với những địa danh, di tích và bài học kinh nghiệm lịch sử để lại sẽ là động lực cho các thế hệ sau này nỗ lực, góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá Ma Quang Trung, Trưởng Công an huyện Sơn Dương cho chúng tôi biết, những ngày Tháng Tám lịch sử, đã thành thông lệ, Khu di tích lịch sử Tân Trào lại đón hàng ngàn lượt du khách khắp nơi trên cả nước hành hương về nguồn, tham quan, ôn lại lại ký ức hào hùng của dân tộc. Năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào; 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, số lượng này tăng gấp 2-3 lần so với thường ngày. Công tác đảm bảo ANTT theo đó cũng được siết chặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

Đông đảo người dân đến thăm Khu di tích Tân Trào.

“Thay da đổi thịt” theo năm tháng

Giao thông Tân Trào giờ rất thuận lợi. Đâu đâu, đường cũng đều trải thảm nhựa phẳng lì. Đi trên con đường chạy dọc dòng sông Phó Đáy dẫn từ thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương) tới khu Quảng trường Tân Trào, xã Tân Trào, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự khởi sắc của bộ mặt vùng nông thôn mới ở đây. Hai bên đường, những cánh đồng lúa, vườn chè xanh mướt. Nhiều nóc nhà cao nằm nối nhau. Các cụ cao niên nơi đây kể rằng, khi xưa con đường này là con đường độc đạo, rất khó đi. Vào những ngày nắng việc đi lại đã vất vả, ngày mưa lại càng khó khăn gấp bội phần. Giờ thì khác xưa nhiều lắm.

Tân Trào trong những năm qua được sự quan tâm của các cấp chính quyền đã có sự “thay da đổi thịt” rõ nét. Các cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm của nhiều thôn bản khang trang bề thế. Thêm vào đó, được sự tạo điều kiện, giúp đỡ của tỉnh Tuyên Quang về quy hoạch, đầu tư, Tân Trào giờ đã trở thành Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt gắn với du lịch sinh thái. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đi kèm theo đó cũng đã tạo nguồn thu đáng kể cho bà con nơi đây. Chị Trịnh Thị Xuyến, ở xã Tân Trào bán hàng nước giải khát trước cổng Bảo tàng khu di tích Tân Trào tâm sự, nhờ có Khu di tích mà gia đình chị đã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chị chia sẻ, vào những giờ rảnh rỗi, không phải lên nương, làm ruộng, chị đã kinh doanh thêm dịch vụ nước giải khát ở đây. Ngày đông khách, lợi nhuận thu về cũng đến vài trăm ngàn đồng. Cuộc sống, sinh hoạt được cải thiện đáng kể.

Năm 2012, xã Tân Trào được chọn là xã điểm của tỉnh Tuyên Quang về xây dựng nông thôn mới. Dưới sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đến nay nơi đây đã được những kết quả ấn tượng. Tân Trào là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vừa được công nhận đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tin vui của đông đảo bà con các dân tộc trong vùng. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Trào Nguyễn Văn Hòa, thời gian qua xã đã sắp xếp giao khoán lại cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất. Cùng với đó, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, địa phương đã xây dựng các mô hình chăn nuôi trồng cây đặc sản; xóa nhà tạm cho các hộ dân v.v... qua đó, giúp bà con ổn định cuộc sống, thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

 Những gì chứng kiến ở Tân Trào thời điểm này càng cho chúng tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, vùng đất Tân Trào nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng với vị thế quê hương cách mạng - Thủ đô khu giải phóng.

Trần Huy
.
.
.