Nét đẹp văn hóa trong Tết cơm mới của người Pa Cô

Thứ Năm, 23/01/2020, 01:00
Trước Tết Nguyên đán, khi vừa thu hoạch xong vụ mùa, đồng bào dân tộc Pa Cô ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tổ chức Tết cơm mới, hay còn gọi lễ hội A Za. Tết cơm mới có nét đặc trưng riêng, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô trong dãy đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ…


Ngày cuối năm, khi ông mặt trời vừa chiếu những tia nắng ban mai xuống núi rừng thì cũng là lúc người Pa Cô ở thôn A Năm (Hồng Vân, Thừa Thiên-Huế) tất bật lo soạn lễ cúng Tết cơm mới ngay tại nhà mình. 

Chúng tôi ghé thăm nhà già Hồ Văn Mười (72 tuổi), ở đầu thôn, đúng lúc già Mười và các con đang chuẩn bị gạo, nếp, mổ gà, lợn để làm mâm cơm cúng thần linh và tổ tiên. Sau hơn 2 giờ đồng hồ chuẩn bị xong xuôi các vật phẩm, già Mười chọn vị trí trang trọng nhất trong căn nhà để treo những tấm vải Zèng quanh tường làm không gian hành lễ. 

Theo già Mười, Tết Nguyên đán người Kinh ở miền xuôi có bánh chưng, bánh tét thì Tết cơm mới của người Pa Cô không thể thiếu bánh a quát, một loại bánh truyền thống cũng được làm từ nếp, song không có nhân. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình để người dân làm các lễ vật cho lễ cúng. 

“Đồng bào Pa Cô quan niệm rằng, ngoài cúng ông bà tổ tiên thì Tết cơm mới còn cúng các vị Giàng đã đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào. Đó chính là Giàng Tro (thần Nông), đại diện cho giống cây trồng; Giàng Pơnanh (thần Chăn nuôi), đại diện cho gia súc; Giàng Sưtarinh (thần Đất), đại diện cho đất đai và Giàng Panuôn (thần Buôn bán). Khi làm lễ tạ ơn các Giàng, tên các Giàng và những ước nguyện cầu mong bình an, sung túc sẽ được chủ nhà nói to liên tục trong 3 lần cho đến khi hết tên tất cả các Giàng thì thôi”, già Mười cho hay.

Đồng bào Pa Cô dâng lễ vật cúng Giàng vào dịp Tết cơm mới.
Người Pa Cô tổ chức lễ cúng Tết cơm mới tại gia đình.

Sau lễ cúng Giàng trong nhà xong, khi tiếng kẻng vang lên, nhiều già trẻ, gái trai trong trang phục truyền thống tập trung tại căn nhà moong (nhà sàn dài) nằm giữa thôn. Trong sân nhà moong, 2 cây nêu cao chót vót được dựng thẳng với dải lụa đỏ bay phất phới. Đại diện từng gia đình tay bưng lễ vật gồm cơm trắng, xôi, bánh a quát, gà, lợn… đứng thành vòng tròn bao quanh cây nêu để chuẩn bị cho các nghi lễ chính cúng Giàng chung là những vị thần bảo hộ cho làng và những người có công lập làng. 

Già làng Quỳnh Quyền chia sẻ những nét đẹp văn hóa của Tết cơm mới rằng, đây là lễ hội truyền thống quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện miền núi A Lưới và người Pa Cô nói riêng, để thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa khi đã cho bà con dân bản một vụ mùa bội thu trong năm qua. 

Tết cơm mới của đồng bào Pa Cô ngày nay đã có một số nghi lễ đã bị thất truyền. Giờ đây bà con dân bản chỉ thực hiện những nghi lễ chính còn được lưu truyền, gìn giữ được. 

Và, theo phong tục truyền thống, cây lúa là đại diện cho tất cả các giống cây trồng đã cho bà con cái bụng được no ấm nên lễ vật dâng lên các Giàng luôn có một đĩa cơm trắng được làm từ những hạt gạo ngon nhất. 

Đặc biệt, lễ cúng Tết cơm mới không thể thiếu những cành hoa tre màu trắng (tâng họt) được cắm trên mỗi lễ vật và các tấm vải Zèng để cúng thần linh. Sau nghi lễ cầu nguyện, bà con dân bản cầm hoa tre ném lên mái nhà moong để cầu mong một năm mới bình an và đủ đầy lương thực…

Đại diện các dòng họ dâng lễ vật cúng Giàng tại nhà moong.

Qua trao đổi với các già làng, chúng tôi còn biết thêm rằng, theo phong tục truyền thống, lễ hội A Za của đồng bào Pa Cô được tổ chức còn có ý nghĩa tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. 

Già làng Hồ Văn Hạnh (70 tuổi, ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung), người có nhiều năm nghiên cứu về các lễ hội của đồng bào Pa Cô cho biết thêm, A Za thường được người dân địa phương chia làm 2 lễ hội khác nhau, đó là A Za và A Za Koonh. 

Nếu A Za được tổ chức đều đặn hằng năm thì A Za Koonh chỉ được tổ chức 5 năm 1 lần với các nghi lễ bài bản, trang trọng gồm lễ tẩy rửa, lễ xua đuổi các linh hồn dữ, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho Giàng Xứ, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cỗ và nghi lễ tiễn khách. 

Và mỗi khi đến dịp Tết cơm mới, người Pa Cô dù đi làm ăn ở khắp mọi miền đất nước đều trở về quê hương đoàn tụ chung vui lễ hội. Trong không khí rộn rã, vui tươi của ngày Tết cơm mới, nam thanh nữ tú của các bản làng diện những bộ trang phục được thêu dệt hoa văn độc đáo, cùng nắm tay nhau hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng khèn với điệu múa zả zả, pơchiêngcoon, cầu nguyện cuộc sống bình an, sung túc, đủ đầy…

Lãnh đạo Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, lễ hội A Za – Tết cơm mới của đồng bào Pa Cô là loại hình văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, do trải qua hàng trăm năm nên lễ hội đang dần bị mai một, đặc biệt là các nghi lễ và điệu múa. 

Trước thực trạng đó, từ năm 2018, Sở đã phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội A Za”. 

Hiện Sở VH&TT đã và đang thu thập, bổ sung thêm các nguồn tư liệu về những điệu múa, điệu hát và nghi lễ trong dân gian liên quan đến phong tục văn hóa Tết cơm mới của người Pa Cô; khuyến khích, vận động các già làng truyền dạy các điệu múa, điệu hát lại cho thế hệ trẻ. 

Mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên-Huế là từng bước hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VH,TT&DL công nhận lễ hội A Za trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam...

Anh Khoa
.
.
.