Siết chặt dần quản lý du lịch outbound

Thứ Ba, 16/04/2019, 09:49
Sau một thời gian bị phản ánh còn bị thả nổi trong hoạt động quản lý cũng như xây dựng chính sách, đánh giá về tác động đến kinh tế của du lịch Việt Nam, du lịch outbound (hoạt động đưa người từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài) đang dần được quan tâm nhiều hơn.


Đây được cho là hoạt động kịp thời nhằm đưa hoạt động du lịch outbound vào nề nếp, bảo vệ người Việt đi du lịch ở nước ngoài trước nhiều xu hướng du lịch mới nhưng khó quản lý hơn.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch outbound hiện nay đang có sự dịch chuyển đáng kể theo nhiều xu hướng mới. Thay vì chỉ phụ thuộc vào thông tin và tour, tuyến định sẵn do các đơn vị lữ hành cung cấp, ngày càng nhiều người Việt đi du lịch nước ngoài chọn các tour tự túc, tự đặt vé, tự đặt dịch vụ, tự thiết lập lịch trình của mình. 

Ngày càng nhiều người trẻ tự tìm kiếm thông tin, đi tour lẻ ra nước ngoài.

Trong xu thế internet phát triển, khả năng ngoại ngữ, năng lực tiếp cận với kiến thức thế giới ngày càng thuận lợi hơn thì đây là xu thế tất yếu nhưng công tác quản lý du lịch outbound cũng vì thế mà phức tạp hơn. Thay vì các thị trường truyền thống và các tour du lịch thông thường ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Đông Nam Á, ngày càng nhiều khách du lịch hướng tới các chuyến đi để trải nghiệm, khám phá. 

Các quốc gia, khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Úc, châu Mỹ được lựa chọn nhiều hơn. Ngoài đi du lịch, du khách còn kết hợp mua sắm, nghỉ dưỡng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, du học càng phát triển. Thế hệ trẻ thường lựa chọn phương thức đi du lịch mới. Họ sử dụng công nghệ, internet để tìm kiếm thông tin, điểm đến và tham khảo, đưa ra quyết định cho chuyến đi. 

Nếu như trước đây, thông tin về sản phẩm, điểm đến chủ yếu là thông qua gia đình, bạn bè giới thiệu thì bây giờ là internet chiếm tới 80% quyết định hướng đi của khách du lịch. Để tránh các biến động về giá cả ở các mùa cao điểm của du lịch, du khách sử dụng các kỳ nghỉ riêng vào nhiều thời điểm khác nhau.  Nhiều câu lạc bộ chia sẻ thông tin được thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả…

Cũng theo ông Ngô Hoài Chung, xu hướng người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng đông chứng tỏ chất lượng đời sống của người dân Việt Nam đã được nâng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc du lịch outbound cần được quan tâm và cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu cần coi du lịch như một phần để đánh giá chất lượng cuộc sống của con người. 

Mặt khác, các nhà kinh tế cũng dự báo, đến năm 2020, có khoảng 1/3 số gia đình Việt Nam từ tầng lớp trung lưu trở lên, tức là có khoảng hơn 30 triệu lượt người đi du lịch. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch nói chung, trong đó có phát triển du lịch outbound. Những con số này cần được quan tâm khi xây dựng chính sách, đánh giá về tác động đến kinh tế của du lịch Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, quản lý và phát triển du lịch outbound có định hướng, bền vững là cần thiết nhưng có làm được hay không phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Phải có sự điều chỉnh chính sách và những chính sách này, người làm du lịch phải trình lên, được Quốc hội lắng nghe, điều chỉnh. 

Đây là hoạt động mang tính lâu dài, không thể thay đổi tức thời. Vì vậy, việc cần làm trước mắt là phải có những cảnh báo cho du khách Việt Nam về những điểm đến tiềm ẩn nhiều rủi ro, định hướng họ tới những điểm đến có lợi về nhiều mặt. Ví dụ như cùng số tiền ấy thì nên đến nơi nào được chào đón tốt nhất, đẹp nhất, vui nhất, học hỏi được nhiều tốt đẹp. Những điểm đến này, ngành du lịch phải tuyên bố chính thức, rộng rãi. 

Còn hiện nay, Việt Nam hầu như không có thông tin về mặt này, không có ai chỉ đạo, khách đi đến đâu là tùy ngẫu hứng của các công ty, không có định hướng. Như thế là không có định hướng thị trường. Việc không có cảnh báo nên đến hay không nên đến mà như thế là đang làm khó cho chính người dân trong nước có nhu cầu du lịch nước ngoài. Vì chưa có nơi nào làm nên Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ nhận trách nhiệm này. 

Một số vấn đề như ứng xử của người Việt đi du lịch nước ngoài làm mất hình ảnh đẹp về đất nước, văn hóa, con người Việt cũng cần được chấn chỉnh. Hiệp hội sẽ tổ chức một đợt vận động nâng cao hình ảnh du lịch Việt, bằng cách là mỗi người dân tự nâng cao hình ảnh của mình, hướng dẫn cho họ làm như thế nào ứng xử cho có văn hóa thông qua những việc tưởng như đơn giản nhưng rất cụ thể như ăn trông nồi ngồi trông hướng, nhập gia tùy tục như thế nào… 

Hiệp hội đã ký thỏa thuận với kênh tuyền hình VOV về du lịch. Như thế sẽ có cả một kênh để vận động có cả một chương trình về ứng xử, văn hóa của người Việt đi ra nước  ngoài. Doanh nghiệp ủng hộ các chương trình trên kênh để giới thiệu các chương trình như nội dung trên và quảng bá cho chính doanh nghiệp… 

Về tình trạng  doanh nghiệp Việt Nam gom khách cho doanh nghiệp nước ngoài, trong thời gian tới, Hiệp hội  cùng với các doanh nghiệp du lịch bàn bạc, tìm giải pháp, xây dựng quy định chặt chẽ hơn khi ký kết với đối tác, nhất là quan tâm đưa thêm các điều khoản như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người Việt đi du lịch nước ngoài.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho hay, hiện nay, Tổng cục đã xây dựng, lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu về bộ quy tắc ứng xử cho người Việt Nam đi nước ngoài với tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phát miễn phí. 

Tổng cục cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như Công an, Đại sứ quán các nước, các đơn vị lữ hành quốc tế… để tạo điều kiện cho người Việt đi du lịch nước ngoài được thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo được các vấn đề về giá cả, an ninh an toàn, chất lượng dịch vụ cũng như những quyền lợi chính đáng khác.

Ngành du lịch từ trung ương đến địa phương cũng cần có sự phối hợp đồng bộ hơn. Nhưng để nhận thức đúng, có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho du lịch outbound phát triển vẫn đang là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp du lịch hiện nay.

N.Nguyễn
.
.
.