Bỏ ngỏ quản lý du lịch "outbound"

Thứ Bảy, 30/03/2019, 09:53
Chỉ riêng năm 2018, có khoảng 10 triệu lượt người từ Việt Nam đi du lịch nước ngoài (du lịch Outbound). Tuy nhiên, nhiều năm nay, mảng hoạt động này gần như nằm ngoài sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Vụ việc 152 du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan cuối năm 2018 chỉ giống như một phần nổi của du lịch outbound Việt Nam trong vài năm gần đây. Siết lại hoạt động này như thế nào đang là bài toán đặt ra cho cả người làm quản lý lẫn người làm hoạt động du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: Phát triển du lịch phải được cân bằng  ở cả “3 chân” là du lịch nội địa, du lịch inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam) và outbound (đưa khách du lịch từ Việt Nam ra nước ngoài). Thế nhưng, hiện nay, du lịch outbound chưa được quan tâm, kể cả về mặt quản lý. 

Các thống kê du lịch hiện nay mới chỉ dừng ở số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch nội địa, hoàn toàn không có thống kê kết quả hoạt động của du lịch outbound. 

Trong khi đó, đây là mảng hoạt động lữ hành vô cùng quan trọng, đóng góp đáng kể vào GDP của đất nước thông qua sử dụng dịch vụ vận chuyển, lưu trú và cả các dịch vụ khác ở những điểm trung chuyển trong nước trước khi họ ra nước ngoài. Chưa kể, việc người dân đi ra nước ngoài là cơ hội rất tốt để học hỏi, giao lưu văn hóa, thậm chí là tìm cơ hội đầu tư… 

Ngược lại, nếu người Việt đi du lịch nước ngoài vi phạm pháp luật, có những ứng xử thiếu văn hóa sẽ tác động rất xấu đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Vụ việc 152 du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan cuối năm 2018 đã khiến một nửa số doanh nghiệp từng được hưởng chính sách visa Quan Hồng của Đài Loan đã bị cắt khỏi danh sách ưu tiên. Trong khi đó, cá nhân và đơn vị gây ra việc này đã được xác định chính xác là không phải đơn vị du lịch, nhất là những đơn vị lữ hành quốc tế.

Du lịch ở nước ngoài là nhu cầu ngày càng cao của người Việt.

Phân tích hiện trạng hoạt động kinh doanh du lịch outbound tại Việt Nam hiện nay, bà Nghiêm Ái Phương, Trưởng phòng Outbound, chi nhánh Saigontourist tại Hà Nội cũng cho rằng, du lịch outbound Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng thách thức, khó khăn cũng rất nhiều. 

Nhu cầu người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng đông nhưng rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn hạn chế trong việc cấp visa cho người Việt. Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các đơn vị làm du lịch outbound đang dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó cạnh tranh phá giá là vấn đề nhức nhối. 

Các đơn vị lữ hành có uy tín phải có đội ngũ nhân viên đủ trình độ, đáp ứng yêu cầu của công việc và những quy định liên quan như cấp phép hành nghề. Nhưng rất nhiều công ty không có chức năng làm du lịch outbound vẫn nhộn nhịp hoạt động, cạnh tranh phá giá.

Khách đi du lịch mua giá tour thấp nhưng thực tế đơn vị lữ hành cắt giảm dịch vụ, cung cấp dịch vụ thấp tại các điểm đưa du khách đến vì họ cho rằng, du khách không biết, không có điều kiện so sánh. Những tour du lịch như thế, khách còn bị buộc vào các điểm mua sắm, thậm chí là mua sắm giá cao, chất lượng hàng hóa không tương xứng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Transviet Travel cũng cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn nhận và quản lý hoạt động du lịch nước ngoài. Bởi lẽ, những vi phạm của du khách Việt thời gian qua đang làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động du lịch và làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh quốc gia nhưng chưa thực sự được cơ quan quản lý quan tâm đúng mức và rất ít vụ việc bị đưa ra pháp luật, chịu hình phạt tương xứng.

Cũng theo ông Đạt, hợp tác du lịch giữa hai nước, không chỉ có nhận khách mà không đưa khách ngược lại. Nếu thiếu lượng du khách Việt Nam đi quốc tế thì cũng không tạo điều kiện cho các hãng hàng không phát triển các đường bay tới Việt Nam, hoặc ảnh hưởng tới lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, du lịch outbound Việt Nam đang đóng góp tích cực cho phát triển du lịch dù còn tồn tại nhiều vấn đề. Việc kiểm soát hoạt động du lịch outbound chưa đáp ứng yêu cầu trong khi quy định cấp phép cho doanh nghiệp lữ hành, kể cả outbound đang rất dễ dàng. 

Để hoạt động này quy củ, phải trông chờ vào sự phối hợp đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thực tế, hoạt động phối hợp này chưa tương xứng. Hiện tại, Chính phủ đã bắt đầu quan tâm hơn đến du lịch outbound. 

Riêng với du khách Việt ra  nước ngoài, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Du lịch soạn thảo bộ quy tắc ứng xử để năm 2019 có thể đưa lên các chuyến bay và một số điểm khác, phát cho du khách trước khi đặt chân đến nước bạn. 

Tất nhiên, "ứng xử văn hóa là câu chuyện dài, đòi hỏi sự kiên trì, kể cả về mặt tuyên truyền lẫn tăng cường chế tài xử phạt vì tính đối phó của người Việt rất cao", ông Chung nhấn mạnh.

N.Nguyễn
.
.
.