Quản lý du lịch đường thủy: Muộn còn hơn không!

Thứ Năm, 02/06/2011, 10:33
4 vụ chìm tàu du lịch nghiêm trọng khiến hàng chục người chết và bị thương chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm qua, mà mới nhất là vụ chìm tàu Dìn Ký khiến 16 người thiệt mạng, đã là hồi chuông báo khẩn cấp về những lỗ hổng trong quản lý hệ thống tàu du lịch, nhà hàng nổi trên sông và tàu chở khách thông thường.

Chiều 1/6, Bộ VH, TT&DL và Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hội nghị trực tuyến ở cả 3 điểm cầu là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, với trên 100 đại biểu của các bộ, ngành liên quan và các địa phương có hoạt động du lịch đường thủy tham dự, nhằm làm rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp.

Quản lý du lịch đường thủy: Quá thiếu và quá yếu…

Chỉ đến khi ngồi lại với nhau, những người có trách nhiệm mới giật mình khi hóa ra, bấy lâu nay hoạt động du lịch đường thủy như đứa con rơi. Có quá nhiều điều bị bỏ ngỏ. Phương tiện du lịch đường thủy nội địa chủ yếu chịu sự điều chỉnh của Luật Giao thông đường thủy nội địa, chứ không chịu tác động của Luật Du lịch. Các quy định cụ thể liên quan đến phương tiện, bến bãi… du lịch đường thủy còn thiếu. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong vấn đề này đã rõ, nhưng qui định trách nhiệm của ngành Du lịch trong phối hợp quản lý chưa thấy đâu. Một số quy định có liên quan nhưng lại thiếu thống nhất và khó thực hiện.

Tất cả những cái đó đã dẫn đến thực trạng: Giữa Bộ VH, TT&DL và Bộ Giao thông vận tải, giữa các bộ, ngành và địa phương chưa phối hợp trong quản lý phương tiện, bến bãi, luồng lạch… du lịch đường thủy. Thiếu các quy định, hướng dẫn, quản lý thống nhất về vấn đề này. Việc quản lý phương tiện du lịch đường thủy chưa thống nhất, dẫn tới nhiều hành vi mất an toàn cho du khách, nhưng lại không có cơ sở để xử lý. Cho đến nay, chưa một bộ, ngành nào có con số thống kê, phân loại chính xác số lượng, chất lượng phương tiện, bến bãi phục vụ du lịch, nên đã không quản lý, kiểm soát được, khiến các phương tiện du lịch đường thủy rất phong phú, nhưng phát triển tự phát, là điều rất đáng lo ngại.

Hội nghị trực tuyến về du lịch đường thủy.

Đặc biệt, cũng vẫn chưa có tiêu chuẩn thống nhất về phương tiện, bến bãi phục vụ du lịch đường thủy, nên bất cứ phương tiện nào chở khách đường thủy đều có thể chở khách du lịch. Có hàng ngàn con thuyền đánh cá được sử dụng chở khách trong lễ hội Nghinh Ông, là nguy cơ tiềm ẩn cho du khách.

Cả ngành Du lịch lẫn Giao thông vận tải đều có thâm niên, cũng như đã bước vào hội nhập mạnh mẽ, mà vẫn chưa có tiêu chuẩn, định nghĩa, phân loại cụ thể về tàu du lịch. Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hàng hải cũng không điều chỉnh loại hình này. Hệ thống bến, nhà hàng nổi, các phương tiện thủy phục vụ vui chơi giải trí như mô tô nước, xuồng kéo dù, cũng đang nằm ngoài sự quản lý. Thực trạng dẫn đến mất an toàn giao thông du lịch đường thủy đang ở mức báo động.

Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ những bất cập: ở Quảng Ninh có khoảng 7.000 phương tiện đường thủy, có nhà hàng nổi được làm bằng thùng phuy, phao xốp nhưng không qui định số lượng thùng, phao như thế nào thì được chở bao nhiêu người. Trong khi chế tài qui định tuổi của lái xe khách không quá 35 thì lại không có qui định tuổi đối với thuyền trưởng, dù họ mang trên vai tính mạng của nhiều người.

Các nhà quản lý cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân gây nên những tai nạn thảm khốc trong du lịch đường thủy thời gian qua là do con người, khi chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thiếu chấp hành quy định pháp luật liên quan, thậm chí cố tình vi phạm: Nơi đỗ của con tàu Dìn Ký là không được phép và đã được thanh tra, xử lý nhiều lần, nhưng vẫn vi phạm. Tàu hết hạn đăng kiểm và đã bị xử lý, vẫn hoạt động.

Chất lượng nhân viên phục vụ trên phương tiện du lịch đường thủy không phù hợp điều kiện, yêu cầu thực tế khi người điều khiển tàu Dìn Ký không có bằng, nhân viên phục vụ không có kinh nghiệm và khả năng đối phó các tình huống nên đã đóng kín cửa tàu khi có dông bão, còn tàu QN5198 chìm là do công nhân vận hành quên khóa van vv… Nhiều chủ đầu tư không có kiến thức nghiệp vụ, kỹ thuật.

Con tàu Dìn Ký bị chìm ngày 20/5 là một cảnh báo về tai nạn du lịch đường thủy.

Đại diện lực lượng Cảnh sát đường thủy không từ chối trách nhiệm chung của cơ quan quản lý đường thủy, nhưng cho biết: Lực lượng rất mỏng, nên hiện nay, bình quân mỗi cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát đường thủy phải đảm nhận 100km đường thủy là rất khó khăn cho việc kiểm tra, quản lý. Thực tế cũng cho thấy, việc sử dụng áo phao hiện là vấn đề nóng bỏng trong du lịch đường thủy, cũng như mũ bảo hiểm ở đường bộ, nhất là khi, lúc con tàu Dìn Ký chìm, thì chỉ có áo phao nổi.

Công tác quản lý phương tiện, bến bãi phục vụ du lịch trên đường thủy còn chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu sự phối hợp giữa TW và địa phương, giữa các cơ quan chức năng có liên quan. Đặc biệt, công tác tuyên truyền giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu trong khi việc kiểm tra, xử phạt còn thiếu kiên quyết, chế tài chưa phù hợp. Vai trò, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo.

Muộn còn hơn không...

Các đại biểu đã thống nhất: Không nên để chạy theo sự vụ, khi có tai nạn mới tính đến biện pháp như hiện nay, giống như nhà nổi Hồ Tây cũng bỏ lỏng nay đang xiết lại. Cần có giải pháp lâu dài bằng việc thành lập BCĐ liên ngành để thiết lập TTAT giao thông đường thủy du lịch, gồm các bộ, ngành có liên quan, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một nội dung quan trọng cần làm ngay là nhanh chóng tổng rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với các nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch đường thủy, từ thuyền viên, phục vụ buồng, phòng, đầu bếp v.v…

Cùng với việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các điểm du lịch đường thủy tập trung lượng lớn khách du lịch, cần phải tăng cường công tác dự báo, công tác truyền thông

Thanh Hằng
.
.
.