Phục dựng Điện Kính Thiên - Cần sự vào cuộc quyết liệt, làm đến nơi đến chốn

Thứ Hai, 10/05/2021, 07:27
Sau gần 20 năm kể từ khi ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long được bàn thảo, đề án này tiếp tục nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, khi Hà Nội có nhiều động thái tích cực hơn trong thúc đẩy các hoạt động nhằm đưa ý tưởng nói trên thành hiện thực.

Nhiều nhà khoa học và quản lý văn hóa cho rằng đây là cơ hội tốt và đến nay, tư liệu để phục vụ phục dựng Điện Kính Thiên đã phong phú hơn. Tuy nhiên, việc phục dựng này vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ nhiều phía, kể cả các nhà khoa học lẫn cơ quan quản lý, cụ thể là TP Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Liên quan đến phục dựng Điện Kính Thiên, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, sau khi lãnh đạo Hội Khảo cổ học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Sử học TP Hà Nội làm công văn chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất nguyện vọng của giới học thuật nước nhà cho triển khai, tiến tới xây dựng, tái hiện không gian Điện Kính Thiên, Thủ tướng đã giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với UBND TP Hà Nội thực hiện các bước tiếp theo.

Vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội và đại diện một số cơ quan đơn vị khác cũng đã làm việc với lãnh đạo Trung tâm về đề án này. Mới đây nhất, Trung tâm và Viện Khảo cổ học đã hoàn thành đợt khai quật khảo cổ 1.000m2 tại khu vực phía Đông Bắc nền chính Điện Kính Thiên. Kết quả của đợt khai quật là cơ sở quan trọng, hướng tới phục dựng Điện Kính Thiên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trao đổi ngay tại hội thảo khoa học công bố kết quả đợt khai quật khảo cổ nói trên, TS Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học TP Hà Nội cho rằng, sau nhiều năm tổ chức khai quật, đến nay, chúng ta mới khai quật được khoảng 6% của Hoàng thành Thăng Long. Nếu cứ tiếp tục làm như thế thì 30 năm nữa chúng ta cũng khó hiểu được hết về khu Điện Kính Thiên. Vì vậy, các nhà khoa học, cơ quan quản lý muốn phục dựng Điện Kính Thiên thì phải bàn cụ thể và có sự quyết tâm hơn nữa. Chính những nhà khoa học phải đề xuất với các cấp lãnh đạo là mục tiêu làm gì, làm trong bao nhiêu năm, từ mục tiêu đó phải đề ra kế hoạch cụ thể. Nếu cứ khai quật mỗi lần 1.000m2 như thế thì có thể cuối thế kỷ cũng chưa thể làm được.

Khai quật khảo cổ khu vực Đông Bắc nền Điện Kính Thiên thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, khoa học.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, việc bảo tồn, phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long nói riêng, văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội làm khá tốt trong thời gian qua. Nhưng di sản Hoàng thành còn nhiều tiềm năng và cần được phát huy tốt hơn nữa, cần nhiều kết quả thiết thực hơn. Việc phục dựng Điện Kính Thiên một cách đến nơi đến chốn cũng là hoạt động như thế.

Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, để phục dựng Điện Kính Thiên, cần tăng cường hoạt động khai quật khảo cổ học theo hướng làm đến nơi đến chốn. Khai quật khảo cổ tại di sản Hoàng thành thời gian qua có nhiều thành tựu quý, đã khẳng định được đây là nơi các triều đại phong kiến nối tiếp nhau thực thi quyền lực. Nhưng cộng đồng vẫn kỳ vọng rất lớn vào việc phát huy các di sản, kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học. Họ muốn biết ông cha đã thực thi quyền lực như thế nào ở Hoàng thành? Những sự kiện, việc gì đã xảy ra ở đây?...

Hoạt động khai quật khảo cổ phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể, dù có thể là 10 năm hay 100 năm. Việc phục dựng Điện Kính Thiên, nếu thấy hợp lý thì phải quyết tâm hơn. Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long cần tranh thủ được càng nhiều ý kiến thiết thực của các nhà khoa học càng tốt. Việc phục dựng Điện Kính Thiên không làm được nguyên xi như trước nhưng phải giữ được hồn cốt, chuyển tải và tiếp nối được tư tưởng của ông cha.

TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đặt vấn đề: Phục dựng Điện Kính Thiên không chỉ là công việc của kiến trúc mà còn là nhiều công việc khác. Nội thất Điện Kính Thiên ra làm sao chưa được các nhà khoa học đặt ra. Nếu phục dựng Điện Kính Thiên cần quan tâm đến nội thất, giống như xây một ngôi nhà phải có nội thất đi kèm… Như thế, hoạt động nghiên cứu cần có nhiều nhánh.  Riêng về hoạt động khai quật khảo cổ, sau mỗi lần khai quật, ban quản lý nên có mái che giữ lại các hố khai quật, cân nhắc nên giữ lại cái gì để bảo tồn và sẽ phát huy nó như thế nào trong khu vực Điện Kính Thiên mà chúng ta đang muốn tái hiện lại.

Nhà nghiên cứu Phạm Thế Huy, Khoa Đông Phương học, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, việc phục dựng Điện Kính Thiên có một số bài toán cần giải quyết. Ví dụ, phục dựng Điện Kính Thiên ở thời điểm nào? Thời Lê Sơ hay Lê Trung Hưng? Nếu phục dựng Điện Kính Thiên ở thời Lê Sơ thì các tư liệu về kiến trúc thời kỳ này chưa đáp ứng được. Muốn phục dựng ở thời Lê Sơ thì hoạt động khai quật khảo cổ học phải đẩy mạnh hơn, đồng thời mở rộng sang các mảng khác. Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long nên có một số dự án để nghiên cứu về chữ viết để hỗ trợ các nhà khảo cổ học, mở rộng nghiên cứu tư liệu ở nước ngoài… 

“Việc phục dựng Điện Kính Thiên là cần thiết và cần thúc đẩy nhanh nhưng cũng cần đặc biệt cẩn trọng. Bởi lẽ, phục dựng rất tốn kém, nếu làm sai thì khó có cơ hội làm lần thứ 2”, ông Phạm Thế Huy nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến của các nhà khoa học, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, nên thành lập Ban riêng, tập trung cho việc phục dựng Điện Kính Thiên. Về tư liệu, ngoài tài liệu từ khảo cổ còn có thể tìm ở các nguồn khác, kể cả sử liệu ở nước ngoài, những ghi chép của các sứ thần Trung Hoa khi sang Việt Nam qua các triều đại… Kinh nghiệm phục dựng Điện Kính Thiên thì có thể học hỏi ở nhiều mô hình đã thành công ở trong và ngoài nước. Tất nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các nhà khoa học thì câu chuyện kinh phí cho phục dựng cũng là vấn đề cần được quan tâm…

Ngọc Nguyễn
.
.
.