Liên kết di sản thế giới trong khu vực để hút khách du lịch

Thứ Bảy, 28/05/2016, 06:44
Đây là vấn đề được các nhà quản lý văn hóa, du lịch tại các địa phương có di sản được UNESCO công nhận tại ba nước Việt Nam, Thái Lan, Lào đưa ra tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 50 năm khám phá di sản thế giới Ban Chiang vừa được tổ chức tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan) ngày 26-5.


Từ câu chuyện của Ban Chiang

Ban Chiang là một khu vực khai quật khảo cổ tại huyện Nong Han, thuộc tỉnh Udon Thani (Thái Lan), cách thành phố Udon 47km về phía Đông. Đây cũng là di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1992. Di chỉ khảo cổ này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1957 bởi Steve Young - một sinh viên nhân chủng học của Đại học Havard, Mỹ.

Ngay lập tức, khu di chỉ này đã thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà khảo cổ cũng như người dân. Cuộc khai quật khảo cổ lần đầu tiên được bắt đầu vào năm 1967, trong đó có những ngôi mộ cổ xưa có niên đại trước thời kỳ đồ đồng, thuộc nền văn hóa neolithic - nền văn hóa cuối thời kỳ đồ sắt.

Ông Anandha Chuchoti, Giám đốc Cục Nghệ thuật - Bộ Văn hoá Thái Lan cho biết, để bảo vệ khu di chỉ đồng thời quảng bá di sản này đến với đông đảo du khách, Chính phủ Thái Lan đã cho xây dựng một bảo tàng để lưu giữ và trưng bày những cổ vật đã được tìm thấy.

Bảo tàng ở Ban Chiang, xã Ban Chiang, huyện Nong Han, gồm có 2 phần. Phần một là tòa nhà  lưu giữ các cổ vật: bên trong trưng bày đồ tạo tác thời xưa, văn hóa cổ Ban Chiang, công cụ và đồ dùng tái hiện công nghệ và môi trường xung quanh vào thời cổ xưa cùng các bình đất nung có từ 4.000 đến 7.500 năm. Phần hai là bảo tàng ngoài trời trong khuôn viên chùa Po Si Nai.

Cơ quan Mỹ thuật đã bảo tồn được tình trạng của các khai quật khảo cổ cho thấy cách chôn đồ đất nung và tùy táng cùng với người chết. Bảo tàng Quốc gia Ban Chian được xem là bảo tàng mở đầu tiên tại Thái Lan. Bình đất nung Ban Chiang được biết trên toàn thế giới vì Ban Chiang là nguồn gốc của nền văn minh thời tiền sử vào thời  xa xưa.

Các nhà khảo cổ tin rằng thiết kế trên đồ đất nung Ban Chiang là loại cổ nhất trên thế giới. Theo các chuyên gia, học giả quốc tế, Ban Chiang là một di sản văn hoá không chỉ của Thái Lan mà còn là của nhân loại.

Nhưng, không giống như những di sản khác của Thái Lan đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới đều rất thu hút khách du lịch, di chỉ khảo cổ Ban Chiang lại không thu hút được sự quan tâm của du khách.  Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã có nhiều chương trình, kế hoạch quảng bá nhưng số lượng người dân và các nhà khoa học nghiên cứu văn hoá di sản, khảo cổ học biết đến di sản còn hạn chế.

Hút khách du lịch bằng xây dựng tour di sản thế giới trong khu vực

Thu hút du khách đến với di sản văn hóa thế giới Ban Chiang là một bài toán lớn không chỉ của tỉnh Udon Thani mà còn là trăn trở của những người làm công tác quản lý di sản Luang Prabang (Lào) - vịnh Hạ Long (Việt Nam).

Ông Hồ Chí Đức, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Quảng Ninh cho biết, di sản của mỗi nước có một đặc thù riêng, vịnh Hạ Long (Việt Nam) là di sản thiên nhiên; Ban Chiang (Thái Lan); Luang Prabang (Lào) là di sản văn hoá. Với đặc thù của từng di sản nếu tạo được sự liên kết bền vững thì 3 di sản sẽ tạo nên những điểm hấp dẫn du khách.

Theo đó, chuỗi tour di sản văn hoá, thiên nhiên sẽ là điểm nhấn, bên cạnh đó là các điểm đến hấp dẫn lân cận khu di sản sẽ bổ trợ cho các sản phẩm du lịch thêm phong phú. Trong đó, Quảng Ninh rất mong muốn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về di sản để người dân hiểu rõ hơn về giá trị di sản, yêu mến và thúc đẩy sự khám phá từ đó sẽ có sự dịch chuyển khám phá di sản giữa các nước trong khu vực.

Đồng tình với quan điểm này, ông Somock Phanthavong, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Văn hoá và Du lịch Luang Prabang (Lào) cho rằng, tuyên truyền quảng bá về những giá trị di sản là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh của điểm đến tới du khách. Bên cạnh đó, việc hình thành điểm đến, phát triển du lịch, liên kết di sản thế giới trong khu vực giữa ba tỉnh Quảng Ninh - Luang Prabang - Udon Thani là rất cần thiết cần phải xây dựng và duy trì hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, tạo thành tour tuyến và có cam kết, trách nhiệm thực hiện giữa các nước trong việc đón khách.

Để thực hiện được mục tiêu liên kết 3 điểm di sản thế giới đưa vào hành trình tour, điểm đến thì cần có thời gian, cơ chế chính sách rõ ràng và sự làm việc nghiêm túc của các nước sở tại.

Theo bà Achaphan Buncharoen, chuyên gia du lịch của Tổng cục Du lịch Thái Lan - Văn phòng Udon Thani thì trong những năm gần đây hợp tác di sản Quảng Ninh - Luang Prabang - Udon Thani đã được các nước tích cực triển khai hợp tác quảng bá du lịch, thúc đẩy sự hợp tác trao đổi khách giữa các nước trong khu vực.

Theo đó, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tham gia trao đổi, tập huấn nhân sự để từ đó rút ngắn khoảng cách về văn hoá và nghiệp vụ cho nhân viên du lịch Quảng Ninh - Luang Prabang - Udon Thani, xây dựng những đoàn famtrip đi khảo sát để xây dựng sản phẩm cho 3 di sản ngày một hoàn thiện hơn, hấp dẫn du khách ngày một nhiều hơn.

Trên thực tế, tiềm năng du lịch của ba tỉnh, nơi có các di sản thế giới là Vịnh Hạ Long, Luang Prabang, Ban Chiang được UNESCO công nhận là rất lớn, các sản phẩm du lịch của mỗi địa phương cũng hết sức độc đáo. Sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa ba địa phương sẽ góp phần tạo lập được mạng lưới du lịch hấp dẫn trong “Tam giác di sản” vịnh Hạ Long - Luang Prabang - Ban Chiang. 

Lưu Hiệp
.
.
.