Làm sống lại những ký ức hào hùng trong không gian trưng bày “Hà Nội ngày trở về”
- Những ký ức hào hùng của người trinh sát vũ trang nội đô
- Sống lại ký ức hào hùng từ những kỷ vật vô giá
- Kỷ vật đánh thức ký ức hào hùng
- Ký ức hào hùng về những ngày đầu tiếp quản Thủ đô
Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2018).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội) cho biết, chuyên đề: “Hà Nội ngày trở về” giới thiệu về những chặng đường đấu tranh gian nan của quân, dân Việt Nam trong 9 năm trường kỳ kháng chiến để viết nên khúc ca khải hoàn Giải phóng Thủ đô; đồng thời quay trở về khoảnh khắc Hà Nội tưng bừng, hào sảng của một mùa thu lịch sử 64 năm về trước cũng như từ thời khắc trọng đại ấy, Hà Nội và cả nước đã vươn mình đi lên với những bước chuyển quan trọng.
Đông khách tham quan trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”. |
Tại buổi lễ khai mạc, tôi cũng như các đại biểu, khách tham quan đã gặp các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia công tác tiếp quản Thủ đô 64 năm về trước như: Trung tướng Phạm Hồng Cư, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò), Đại tá Dương Niết tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, Đại tá Lê Duy Tư tiếp quản Tòa án tối cao…
Trong cái nắng nhẹ, điểm chút se lạnh của ngày mùa thu, những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử như: Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND), Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND), Đại tá Dương Niết đã khiến người nghe, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc chiến đấu sáng tạo và kiên cường của quân, dân ta trong việc đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô.
Đạn bom không thể chia cắt được tinh thần đoàn kết dân tộc, sự vươn mình của một Thủ đô Hà Nội. Có mặt trong khán phòng diễn ra buổi lễ khai mạc và nghe tâm sự của Thiếu tướng Công an Nguyễn Đức Minh: “Lúc về tiếp quản Nhà tù Hỏa Lò, nơi mà trước đó, tôi đã có gần 10 năm bị địch giam cầm, tôi phấn khởi lắm.
Những ngày đầu, tôi không sao ngủ được, vì vui quá, vui vì Thủ đô đã được giải phóng…” cũng như những câu chuyện của các bác đã từng “vào sinh, ra tử” vì độc lập chủ quyền đất nước, Thiếu úy Vũ Thị Khánh Huyền, ĐVTN Trung đoàn Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cơ quan đại diện ngoại giao – Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) xúc động nói: “Những gì em được nghe, xem hôm nay đã tiếp thêm động lực, ý chí để thế hệ trẻ phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đoàn viên thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động – CATP Hà Nội tham quan trưng bày chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”. |
Không gian trưng bày được chia thành 2 nội dung chính “Ra đi… hẹn một ngày về” và “Hà Nội ngày trở về” gồm các tư liệu, hiện vật, hình ảnh và những lời phỏng vấn nhân chứng lịch sử cùng những câu chuyện trong 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao gian nan, thử thách để biết lời thề sắt son quyết giải phóng Thủ đô Hà Nội, đất nước, đoàn tụ với gia đình trở thành hiện thực; rồi những câu chuyện của 64 năm về trước khi người dân hân hoan đón chào đoàn quân trở về giải phóng, tiếp quản Thủ đô, sự đổi thay của Thủ đô và đất nước trên con đường hội nhập và phát triển… đã dội về những ký ức hào hùng của quân và dân ta trong người xem.
Những công trình kiến trúc được tiếp quản ngày nào, giờ trở thành những di sản văn hóa: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”. Bên tấm hình lưu lại thời khắc Tiểu đoàn Bình Ca trên cầu Đuống tiến về giải phóng, tiếp quản Hà Nội vào ngày 8-10-1954 trưng bày trong khu di tích, Đại tá Lê Duy Tư, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca tham gia tiếp quản Tòa án tối cao tại Hà Nội bồi hồi nhớ lại: “Khoảng 6h ngày 8-10-1954, chúng tôi đến cầu Đuống. Bên ta và Pháp đều không rõ thời gian nên 7h thì quân Pháp đưa đoàn xe trong đó có 5 xe bọc thép ra đón chúng tôi.
Vì sợ quân Pháp hoang mang, hỗn loạn và không muốn nhân dân biết bộ đội đã về nên quân Pháp đề nghị phải bọc kín xe trong suốt quá trình di chuyển về Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Nhưng trên vài xe, anh em đã vén bạt nhô người ra ngoài, có xe còn giương một lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió rất đẹp”. Nói rồi, Đại tá Lê Duy Tư giới thiệu cho tôi về từng đồng chí, đồng đội của mình có mặt trong tấm hình năm xưa…
“Hà Nội ngày trở về” cũng thu hút được sự chú ý của nhiều đoàn khách nước ngoài. Anh Kees Verburg, người Hà Lan lần đầu tiên đến Hà Nội và tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: “Tôi đã biết đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ nhỏ thông qua báo chí, truyền thông. Hôm nay, có dịp đến đây, được trực tiếp tham quan, tận mắt xem các tư liệu, hình ảnh, chứng tích lịch sử, tôi thấy rất khâm phục và thêm yêu quý người dân Việt Nam hơn”.