Kỷ vật đánh thức ký ức hào hùng

Thứ Hai, 21/03/2016, 09:16
Triển lãm “Kỷ vật lịch sử CAND” tại Bảo tàng Quân khu 9, TP Cần Thơ do Bảo tàng CAND phối hợp với Công an TP Cần Thơ và Bảo tàng Quân khu 9 tổ chức đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố đến tham quan…

Những kỷ vật gắn liền với  cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND được trưng bày đã tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy gian khổ nhưng hết sức vẻ vang.

Trong cuốn sổ ghi lại những dòng cảm xúc, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã viết: “Vô cùng trân trọng các chú, các anh đã gìn giữ và trao tặng để giáo dục cho thế hệ sau này cùng quyết tâm bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”.

Trần Mai Phúc Minh, một người dân TP Cần Thơ đã không giấu được sự xúc động: “Biết bao cuộc đấu tranh đã nổ ra, biết bao con người đã hi sinh, biết bao các chiến sĩ đã lấy thân mình để bảo vệ hòa bình của đất nước, để ngày hôm nay tôi được đứng ở đây, giữa những hiện vật đã gắn liền với máu xương của những người đi trước. Không thể tự hào hơn khi ta là người Việt Nam”.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm Kỷ vật lịch sử CAND tại Bảo tàng Quân khu 9 từ ngày 8-3 đến 15-3.

Còn em Từ Quốc Phát, học sinh lớp 7A13, Trường PTCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bày tỏ: “Con rất ngưỡng mộ những công việc mà các cô chú Công an đã làm để giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Con nguyện phấn đấu học tập trở thành chiến sĩ Công an để giữ gìn bình yên cuộc sống…”.

Trong không gian trang trọng, ấm áp của khu triển lãm, hàng ngàn kỷ vật gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, công tác chiến đấu của các thế hệ Công an cả nước đã được trưng bày. Đó là chiếc xắc cốt sử dụng trong thời chiến tranh của Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Cần Thơ.

Chiếc đèn pin, một chiến lợi phẩm được thu được khi giải phóng thị xã Cần Thơ. Chiếc radio, một kỷ vật gắn bó với đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Trưởng Công an thị xã Sóc Trăng trong suốt thời gian dài. Và chiếc đèn dầu tự chế “vừa lạ vừa quen” là của đồng chí Mai Hồng Thắng, Đại đội trưởng Đại đội phòng thủ Ban An ninh tỉnh Vĩnh Long…

Những kỷ vật tuy thô sơ, cũ kỹ nhưng đã làm xúc động mạnh đối với người xem, bởi thông qua những kỷ vật ấy đã tái hiện, đánh thức ký ức hào hùng của một thời đấu tranh oanh liệt, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của các thế hệ Công an.

Em Nguyễn  Bích Thủy, Đoàn thanh niên TP Cần Thơ cho biết: “Đây là lần đầu tiên em đến tham quan kỷ vật lịch sử Công an nhân dân, em cảm thấy vô cùng xúc động và ngưỡng mộ các chú, các anh Công an trong điều kiện hết sức khó khăn, với những công cụ phương tiện thô sơ nhưng đã chiến đấu và chiến thắng của kẻ thù”.

Còn Trung úy Trịnh Nhân Hảo, Cảnh sát trật tự Công an quận Bình Thủy nói: “Tôi đã từng được nghe kể, hôm nay tận mắt chứng kiến những kỷ vật lịch sử của các chú, các bác qua các thế hệ được nâng niu, gìn giữ suốt mấy chục năm qua, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào về truyền thống hào hùng của lực lượng CAND. Là chiến sĩ Công an, tôi quyết tâm phấn đấu để giữ gìn tiếp nối truyền thống đó”.

Với mục đích sưu tầm lưu giữ những kỷ vật lịch sử - di sản văn hóa quý báu của CAND, sau hơn 3 năm phát động, cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND” do Tổng cục Chính trị CAND tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của lãnh đạo các cấp, các ngành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an và quần chúng nhân dân.

Ngày 8-3 vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bảo tàng CAND đã tổ chức lễ tiếp nhận thêm nhiều kỷ vật quý do các nhân chứng lịch sử, AHLLVTND, các lãnh đạo, cán bộ Công an khu vực ồng bằng sông Cửu Long trao tặng như: Máy điện đài phát sóng tín hiệu do An ninh khu 9 và An ninh Cần Thơ tự chế để liên lạc với Trung ương thời chống Mỹ. Chiếc đèn dầu tự chế của đồng chí Trần Thị Xuân, cán bộ an ninh thị xã Rạch Giá, Kiên Giang; Thư mời đồng chí Trương Thị Mỹ, Anh hùng LLVTND của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng…

Nói về kỷ vật này, bà Trương Thị Mỹ không giấu được sự xúc động: “Đây là một trong những kỷ vật quý giá nhất của cuộc đời cô, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi thư mời dự họp tại Hà Nội trong thời điểm đất nước đã thống nhất, non sông liền một dải là một vinh dự lớn đối với bản thân cô nên đã giữ gìn nó hơn 40 năm qua”.

Có thể nói, mỗi một kỷ vật, hiện vật được sưu tầm là sự khẳng định sự cống hiến hi sinh lớn lao của các thế hệ Công an đi trước, qua đó nhắc nhở các thế hệ sau này luôn trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống hào hùng, ra sức phấn đấu để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân.

Phan Tại
.
.