Những ký ức hào hùng của người trinh sát vũ trang nội đô

Thứ Hai, 05/02/2018, 11:02
Chiến tranh lùi xa nhưng chiến công về những trận đánh vang dội giữa đô thành Sài Gòn của những chiến sĩ trinh sát vũ trang nội đô mãi mãi in đậm trong ký ức hào hùng của người cựu binh già - Thiếu tá Lê Việt Bình, từng tham gia nhiều trận đánh lớn trong những thời khắc lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ lính Đặc công thành đến trinh sát vũ trang nội đô

Sinh ra ở vùng quê Hưng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình đầy nắng gió, khi vừa tròn 20 tuổi, tốt nghiệp hệ phổ thông 7/10, Lê Việt Bình được Công an Đặc khu Vĩnh Linh tuyển dụng vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Tại đây, vào đêm 17-7-1964 ông cùng đồng đội vượt sông Bến Hải vào Nam diệt ác, giải phóng được một phần vùng đồng bào ba huyện: Hướng Hóa, Cam Lộ và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; mở rộng an toàn đường mòn Hồ Chí Minh, để hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Dịp Tết Nguyên đán 1966, Lê Việt Bình được cử ra Bắc dự khóa Đặc công thành do Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Biên phòng) tổ chức. Sau 8 tháng được học Đặc công thành để thọc sâu, đánh hiểm trong hậu cứ và phục vụ cuộc chiến lâu dài phía trước, ông cùng đồng đội lên đường vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại đây ông được phân công về Đội trinh sát vũ trang B5, Ban An ninh T4 (khu Sài Gòn - Gia Định).

Theo ông kể lại, trước đây, An ninh T4 đã có các tiểu ban như Bảo vệ chính trị, điệp báo, hậu cần, an ninh vũ trang, giao liên... Đến tháng 4-1965, An ninh T4 lập thêm một tiểu ban mới: Trinh sát vũ trang. Khác với An ninh vũ trang chuyên hoạt động ở vùng nông thôn và vùng ven với nhiệm vụ chống các trận càn quét, bảo vệ căn cứ, bảo vệ các lãnh đạo..., địa bàn chiến đấu của trinh sát vũ trang là vùng nội đô Sài Gòn - Gia Định. 

Là một bộ phận trọng yếu của lực lượng An ninh T4, nhiệm vụ của trinh sát vũ trang không chỉ là điều tra nghiên cứu, thu thập tình hình phục vụ tác chiến, mà chủ yếu là tiêu diệt Việt gian ác ôn… nhằm làm thất bại các ý đồ chiến lược của Mỹ -Thiệu, đập tan ách kìm kẹp của địch, tạo điều kiện phát triển các phong trào đấu tranh của đồng bào đô thị. 

Với Lê Việt Bình, để tạo vỏ bọc hợp pháp, ông được phân công vào hoạt động trong nội thành, móc nối và cư trú tại một gia đình cách mạng tại khu vực Phú Lâm và sử dụng giấy tờ giả với tên gọi Lê Xuân Đường (bí danh Hai Đường), hằng ngày hành nghề hớt tóc dạo bằng xe đạp để kiếm sống, đồng thời để che mắt địch và nắm địa bàn.

“Chúng tôi phải tự tạo thế hợp pháp về giấy tờ, nhà ở, thân thế và làm đủ mọi nghề để hoạt động trong lòng địch”, ông Bình nhớ lại.

Trinh sát vũ trang nội đô Lê Việt Bình ngày nay.

Bước vào Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Hai Đường cùng đồng đội đã tiếp nhận vũ khí và được cấp trên phân công hỗ trợ lực lượng địa phương tiến công và nổi dậy.

Cùng với lực lượng vũ trang thành phố, kết hợp từ ngoài đánh vào, bên trong nổi dậy. Khoảng 1h ngày 4-5-1968, bắt đầu đợt 2 Mậu Thân, đường sá vắng tanh, quân địch ra thiết quân luật, giới nghiêm ngoài đường, chỉ có cảnh sát và quân đội ngụy. Các trinh sát B5, gồm Trần Hoàng Sinh, Lê Việt Bình, Nguyễn Văn Nốp được lãnh đạo giao nhiệm vụ tiêu diệt tên cảnh sát ác ôn Nha đô thành và đồng bọn. Trận đánh đã diễn ra nhanh gọn tại đình Hưng Phú…

Chiến công nối tiếp chiến công

Cuối năm 1968, đồng chí Tư Trọng, Trưởng ban An ninh T4 giao cho trinh sát vũ trang B5 thực hiện nhiệm vụ đánh diệt tên Trung tướng tình báo Linh Quang Viên. Mục tiêu, đối tượng và nhiệm vụ trên giao đã khẳng định: đây là trận đánh lớn nhưng cũng cực kỳ khó khăn của đơn vị, cần phải tính toán thật kỹ và chu đáo.

“Trận đánh đó từ lãnh đạo cho tới trinh sát đều có ý nghĩ là chúng tôi có thể hy sinh, nhưng chẳng hề có ai băn khoăn hay suy nghĩ gì cả”, ông Bình chia sẻ.

Ban chỉ huy B5 đã rà soát lại lực lượng trinh sát và chọn lựa những chiến sĩ xuất sắc nhất đảm nhiệm trận đánh, sau khi đã cân nhắc chọn lựa, đó là Nguyễn Văn Cạn (23 tuổi, Út Cạn), Võ Anh Đồng, Trần Hoàng Sinh (23 tuổi, Sáu Sinh), Trần Văn Cường (25 tuổi, Hai Đường, chính là Lê Việt Bình) và Đặng Văn Thôn (Chín Bắc).

Buổi sáng đó, tất cả nhóm trinh sát ra nổ máy xe, chuẩn bị chiến đấu thì lập tức mục tiêu xuất hiện, Út Cạn ngồi lên sau xe Anh Đồng và Hai Đường ngồi sau xe của Sáu Sinh đuổi theo mục tiêu. Đến ngã tư Bà Huyện Thanh Quan - Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ), đèn đỏ vẫn còn, đoàn xe giảm tốc và dừng lại. 

Ngay lập tức, Út Cạn ném quả mìn vào đầu chiếc xe du lịch màu đen, tên tướng trong xe sợ hãi, mở cửa xe nhảy chồm ra ngoài, bọn lính trên các xe jeep cũng nhảy xuống đường nằm tránh mìn, xe của Anh Đồng, Út Cạn vọt thẳng. 

Phía sau Hai Đường nhảy xuống khỏi xe của Sáu Sinh, phóng ra giữa đường, ném quả mìn vào ngay sau tên tướng và giữa hai chiếc xe jeep rồi ném tiếp quả lựu đạn, nhảy lên xe của Sáu Sinh rút lui. Những tiếng nổ rền vang, khói lửa phủ kín đoàn xe của tên tướng.

Toàn cảnh hiện trường trận đánh tên tướng Kiểm.

Điều bất ngờ, trận đánh của nhóm trinh sát vũ trang diễn ra lúc 9h thì 10h Đài Tiếng nói Sài Gòn báo tin: tướng 2 sao Nguyễn Văn Kiểm, Tham mưu trưởng an ninh biệt bộ Phủ Tổng thống, không phải tướng 3 sao Linh Quang Viên, bởi trước đó mấy ngày Nguyễn Văn Thiệu đã cách chức, hạ bệ Viên, đưa Kiểm lên thay.

Vụ đánh tên trùm tình báo mới ngoi lên đã làm chấn động dư luận ở Sài Gòn một thời gian dài. Ngay cả các tờ báo lớn ở Mỹ cũng ghi nhận sự lớn mạnh của đối phương ngay tại sào huyệt thủ đô Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam…

Chiến công nối tiếp chiến công, các trinh sát vũ trang nội đô liên tục đánh địch ngay giữa thành phố Sài Gòn, đập tan luận điệu huênh hoang của địch, mang lại niềm tin cho quần chúng yêu nước. Lực lượng vũ trang cách mạng vẫn ở bên cạnh đồng bào, tiếp tục giữ thế chủ động tấn công ngay tại sào huyệt của địch.

Sau đó trinh sát Hai Đường không may rơi vào tay giặc, chúng hành hạ tra tấn ông bằng mọi hình thức dã man nhất để rồi lưu đày ra Côn Đảo nơi địa ngục trần gian với bản án: Chung thân khổ sai. 

Suốt 5 năm trong các nhà tù đế quốc, trên mình đầy thương tích ông vẫn tỏ rõ bản lĩnh kiên trung. Cuối cùng cuộc đấu tranh với kẻ thù đã giành thắng lợi: ngày 26-2-1974 chúng buộc phải trao trả ông về với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Từ cõi chết trở về, người trinh sát vũ trang nội đô lại trở về với Cách mạng để cùng với quân dân cả nước đánh trận cuối cùng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình trên cả nước, Bắc Nam sum họp một nhà, giang sơn liền một dải.

Chiến tranh kết thúc, Thiếu tá Lê Việt Bình tiếp tục công tác trong lực lượng Công an nhân dân (Công an quận 6) rồi sau đó được cấp trên điều chuyển qua một số đơn vị, thực hiện một số nhiệm vụ khác nhau trước khi về hưu vào năm 2002. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã từng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhì; Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc.

“50 năm qua, tôi đã trực tiếp chiến đấu rồi làm việc trong thời bình…, tôi rất tự hào đã được góp một phần nhỏ bé tuổi thanh xuân và xương máu cho quê hương, cho miền Nam và cho đất nước. Mong sao thế hệ trẻ ngày nay hiểu được và trân trọng những mất mát, hy sinh mà thế hệ cha anh phải đổ máu xương để giành được hòa bình và mang lại ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay”, ông Bình rưng rưng xúc động. 

Phú Lữ
.
.