Khắc phục tình trạng ném tiền lẻ và cướp lộc

Thứ Bảy, 03/02/2018, 08:48
Thương mại hóa lễ hội, sử dụng lễ hội để trục lợi hay những tập tục mang tính bạo lực đã trở thành “điệp khúc” trong mỗi mùa lễ hội.

Để đảm bảo tổ chức lễ hội một cách an toàn, tiết kiệm, văn minh mà vẫn đảm bảo văn hóa truyền thống của từng địa phương, cộng đồng, ngày 2-2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, với sự tham gia của đại diện các địa phương, ban quản lý các di tích.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có khoảng hơn 1.000 lễ hội và các lễ hội này thường chỉ tập trung vào 3 tháng đầu năm. Vì vậy, sức ép với cơ quan quản lý văn hóa rất lớn.

Để đảm bảo lễ hội an toàn, lành mạnh, văn minh, đúng bản sắc văn hóa phải cần đến rất nhiều bộ, ngành cùng chung tay góp sức. Vệ sinh an toàn thực phẩm cần đến ngành Y tế, an ninh trật tự cần có vai trò của lực lượng Công an, hệ thống kinh doanh dịch vụ cần đến ngành công thương… 

Cơ quan quản lý là đơn vị thường trực nhưng nếu các đơn vị phối hợp không chủ động, tích cực nhập cuộc thì rất khó quản lý, tổ chức lễ hội đạt kết quả như mong muốn. Nhiều ban tổ chức lễ hội còn thực hiện quy định mang tính đối phó.

Du khách chen chân tại Hội Lim 2017.

Như lễ hội Chùa Hương, khi đoàn kiểm tra đến, tất cả đã được sắp xếp rất chỉn chu. Hàng quán nghiêm chỉnh, thậm chí phân vạch thẳng tắp, sạch đẹp. Thế nhưng, khoảng 3 tiếng sau, lãnh đạo lẳng lặng quay lại thì sẽ thấy quang cảnh khác hẳn.

Đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng trần tình, việc tổ chức lễ hội được phân cấp rất rõ, kể cả về trách nhiệm nhưng xảy ra sự cố thì thường nghĩ ngay đến người làm văn hóa. Lượng khách thập phương đổ về đông, rất dễ xảy ra tình huống phát sinh ngoài dự kiến và không phải lúc nào ban tổ chức cũng trở tay kịp.

Nhiều bức xúc khác cũng được các địa phương bày tỏ như lễ hội Chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, ban tổ chức tuyên truyền người dân không chèo kéo khách đi thuyền nhưng người đi trẩy hội vẫn bị đội ngũ mời chào dạo dọc đường vào. Đây lại là địa bàn của dân nơi khác. Chưa kể, địa phương quyết liệt cấm đổi tiền lẻ thì ở nhiều địa bàn khác, ngay ở trung tâm thành phố, dịch vụ này lại rất sôi động. Nghịch lý này khiến ban quản lý khó thuyết phục người dân ở chính cộng đồng mình.

Thực tế, không thể phủ nhận là năm 2017, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nếp. Như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều địa phương thì đánh giá về công tác tổ chức lễ hội cần cụ thể, rõ ràng, khen thưởng xứng đáng. Tránh tình trạng năm nào cũng nhận xét chung chung là tổ chức năm nay tốt hơn năm trước, đánh đồng kết quả tổ chức lễ hội ít người tham gia với các lễ hội quy mô lớn, dài ngày, sức ép cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh, mặc dù lễ hội những năm qua đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm, khiến dư luận bức xúc. Để xảy ra tình trạng này, ban tổ chức không thể đổ lỗi tại lễ hội đông người.

Những lễ hội lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Đền Trần…, ban tổ chức phải có sự quyết liệt hơn trong công tác quản lý. Năm 2018, ban tổ chức lễ hội Đền Trần phải cam kết bằng được các giải pháp để khắc phục tình trạng ném tiền lẻ vào kiệu rước và cướp lộc trên bàn thờ. Ban tổ chức phải tuyên truyền rằng đó là những hành vi bất kính, làm giảm đi ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội.

Riêng về công tác kiểm tra tổ chức lễ hội, bà Trịnh Thị Thủy cho biết, năm nay, công tác thanh tra, giám sát sẽ được Bộ tiến hành đột xuất, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các địa phương xử lý các vấn đề nổi cộm. 

Theo Thứ trưởng, nếu có phương thức giải quyết vấn đề một cách phù hợp, sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương với giải pháp chấn chỉnh đồng bộ thì công tác lễ hội sẽ có nhiều chuyển biến tích cực…

Ngọc Nguyễn
.
.
.