Dẫm đạp để tranh cướp lộc: Méo mó lễ hội, hỗn loạn niềm tin

Thứ Sáu, 03/02/2017, 17:36
Hình ảnh hàng ngàn người chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để tranh cướp lộc ở chùa Hương vào sáng ngày khai hội mồng 6 Tết Đinh Dậu, một lần nữa đã cho thấy văn hóa lễ hội đang bị xuống cấp thê thảm bởi sự thiếu hiểu biết và niềm tin mông muội của một số người. Bởi thần linh là giá trị noi theo, chứ không phải là để cầu xin.

Những năm gần đây, nhiều lý do, trong đó có sự truyền thông của báo chí đã khiến cho kích thước và mức độ của nhiều hội làng ngày càng mở rộng, có đông người tham gia. Nhưng, sự tranh cướp lộc đã cho thấy, nhiều người đi lễ hội, lễ chùa mà không có những kiến thức tối thiểu về hoạt động này.

Theo  TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, đúng ra thì không thể có việc cướp lộc. Vì trước năm 1945, các hội làng rất quy củ, có trình tự, nghi thức trang nghiêm trong thời điểm thiêng, không gian thiêng. 

Các trò diễn trong hội làng ngày xưa có tính biểu trưng, kể cả một số hội có cảnh diễn "cướp" lấy khước các linh vật đã qua tế lễ. Thế nhưng, hành động cướp lộc giờ đây chỉ cho thấy sự vô tổ chức, hoàn toàn trái với ngày xưa.

Tranh cướp lộc ở chùa Hương  (ảnh: Zing)

Đáng lo ngại là tình trạng cướp lộc đang ngày càng diễn ra ở mức độ gia tăng, không còn ở phạm vi đình, đền hoặc một số lễ hội dân gian như trước, mà lan sang cả không gian chùa vốn là nơi chỉ phù hợp với sự thanh tịnh, nơi người ta đến để tìm sự tĩnh tâm, hướng thiện chứ không phải để bon chen. 

Trước tình trạng này, theo TS. Nguyễn Quốc, người dân cần hiểu rõ hơn về tục "cướp lộc" ở một số hội làng. Ví như hội Gióng ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngày trước, sau các cảnh rước kiệu 28 vị nữ tướng thì có cảnh múa của ông Hiệu Quân trên một chiếc chiếu nhằm diễn tả việc đánh giặc Ân của Thánh Gióng. 

Sau màn múa đó, người dự hội xông vào “cướp” chiếc chiếu mà ông Hiệu Quân đứng để múa, rồi tước chiếu thành nhiều mảnh. Ai nấy cố giành một sợi và buộc vào cổ tay, gọi là lấy “khước” -chỉ sự may mắn vì có “lộc” của Thánh Gióng. 

Ở một số hội làng khác cũng có tục cướp lộc nhưng chỉ là số ít, còn đa phần các hội làng cổ truyền ở ngoài Bắc không có tục này. Nhưng gần chục năm nay, cảnh tranh giành lộc diễn ra ở hầu hết các hội lớn, đặc biệt là đêm 14 tháng Giêng tại “đền Trần”. Hình ảnh xấu xí này đã trở thành “gương phản chiếu” và giờ đây có nguy cơ lan rộng ra các hội khác. Hành vi lệch chuẩn chính là biểu đạt của niềm tin hỗn loạn.

Rõ ràng là, dù dư luận đã lên tiếng sau nhiều mùa lễ hội, nhưng công tác quản lý lễ hội vẫn chưa thay đổi nhiều. Thiếu tầm nhìn, thiếu hiểu biết đã dẫn đến việc tổ chức, phục dựng nhiều lễ hội mà không có sự chọn lựa cùng với quan niệm sai lầm về “khôi phục nguyên trạng”. 

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về giá trị, ý nghĩa của lễ hội thì lại chưa song hành, khiến hầu hết người đi dự hội hoàn toàn không hiểu gì về lễ hội mà họ tham dự.

Hội Gióng 

Nhiều Ban quản lý lễ hội dường như chỉ quan tâm đến việc thu phí mà không ngó ngàng  gì đến nội dung tối thiểu về lễ hội cần cung cấp cho người dự - điều đúng ra là mục đích tổ chức lễ hội. Chính vì thế mà đã “đẻ” ra những hành vi lệch chuẩn, mà việc tranh cướp lộc ở chùa Hương là một ví dụ điển hình.

TS. Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển cho rằng, tranh cướp lộc thánh lộc thần ở nhà chùa là điều trái với giáo lý nhà Phật. Việc tung lộc cho du khách đáng ra không nên bởi sự nghiêm cẩn, trang trọng cần có của nhà chùa.

GS. Nguyễn Chí Bền,  Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nêu quan điểm: Để  tình trạng cướp lộc tái diễn nhiều năm qua, có trách nhiệm của cả nơi quản lý lễ hội lẫn người dự hội. Nơi quản lý lễ hội phải đổi mới cơ chế tổ chức lễ hội cho phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng đã tăng cao và người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức về giá trị của lễ hội cổ truyền khi tham dự.

TS. Nguyễn Quốc Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra người chịu trách nhiệm không ai khác là chính quyền sở tại, nơi các hội diễn ra. Bên cạnh đó, sự lạm dụng niềm tin thần linh ở người dân, ở một bộ phận cán bộ, đã trở thành hiện tượng không thể chấp nhận cả về khía cạnh tâm linh, cả về khía cạnh xã hội. 

“Chúng ta tôn trọng niềm tin thần linh của mọi người, nhưng chúng ta cương quyết phê phán và lên án các hành vi lạm dụng, sai lệch và không còn phù hợp với bối cảnh mới. Ta không chống thần linh/minh, không chống niềm tin vào thần linh. Ta chống và phê phán kẻ nào lạm dụng thần linh để ngu dân và khêu gợi sự mê muội. Đó cũng là trách nhiệm của mọi trí thức.” – Vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo nhấn mạnh.

Để chấn chỉnh những vấn nạn của lễ hội hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng, người dự hội cần trang bị kỹ năng hành xử trong lễ hội, không thể vì cá nhân mà tuỳ tiện, coi thường cộng đồng. Bên cạnh đó, nhà quản lý phải biết chắt lọc, hướng dẫn, quy định và nhất là phải phân loại được lễ hội, thay vì một chính sách chung cho mọi loại lễ hội. Đặc biệt, không chỉ người dân, mà nhà quản lý cũng phải nâng cao nhận thức về lễ hội mới có thể quản lý tốt.

Điều này có thể minh chứng bằng việc mùa hội trước, khi xảy ra đánh nhau, cướp lộc ở lễ hội đền Sóc và lễ hội cướp phết (Hà Nội), thay vì phê phán và tìm biện pháp ngăn chặn thì ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội khi đó lại cho rằng đó là hành vi “cướp có văn hóa”, đã khiến dư luận một phen “nổi sóng”. 

Nếu không có chiến lược quản lý có tầm với sự hiểu biết về lễ hội của các nhà quản lý phải được nâng lên, thì những vấn nạn của các lễ hội như việc tranh cướp lộc, chen lấn xô đẩy, lạm dụng tín ngưỡng dân gian sẽ còn tiếp tục trong những mùa lễ hội sau, làm méo mó hình ảnh của các lễ hội truyền thống. Trong nhiệm vụ này, vai trò của truyền thông rất quan trọng.


Thanh Hằng
.
.
.