Gia đình sẽ quyết định xây dựng các nhân cách sống
- "Trốn" Tết đi du lịch nguy cơ nhạt dần các giá trị cổ truyền
- Bài cuối: Lỗ hổng nền tảng đạo đức gia đình
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi cho rằng, khác biệt lớn nhất so với cổ truyền là gia đình 1 thế hệ phát triển. Trước đây do điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội thì một gia đình thường là hai thế hệ, ba thế hệ, thậm chí là bốn thế hệ (tứ đại đồng đường), và những gia đình càng nhiều thế hệ, càng sống hòa thuận càng được ngợi ca.
Tuy vậy, bước vào đời sống hiện đại ngày nay, những gia đình một thế hệ ngày càng phát triển. Ví dụ như ngay ở nông thôn, cưới vợ cho con, ai cũng nghĩ ngay đến việc ra riêng cho con. Bởi vì làm ăn kinh tế, tính tự do của cá nhân.
Xu hướng ra riêng nó mang tính phổ cập. Những trường hợp điều kiện kinh tế không có mà người ta đành phải ở chung. Ví dụ như trong phố chật nhưng vì không có đủ điều kiện kinh tế mua nhà ở riêng thì người ra đành phải ở chung… Tất nhiên, việc ra ở riêng nó thúc đẩy sự phát triển xã hội, sự phát triển kinh tế, đặc biệt nó thúc đẩy tính tự do, chủ động của các gia đình nhỏ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ. |
PV: Ông đánh giá thế nào về những thay đổi ấy trong các gia đình hiện đại ngày nay?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Một gia đình tứ đại đồng đường, tính trên dưới, tôn ti trật tự hiện nay không được ngợi ca. Và nó đang dần trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ của gia đình cổ truyền. Nó cũng là một điều tất yếu trong sự phát triển của xã hội.
Tất nhiên cùng với sự phát triển đó, sự phát triển của kiến thức, truyền thông, đặc biệt là sự cạnh tranh kinh tế cũng làm cho các gia đình hiện nay có những khiếm khuyết. Sự vận động nào nó bao hàm cái khiếm khuyết đó. Hiện nay có những vấn đề mà tôi đang băn khoăn.
Đầu tiên, kỹ năng nuôi dạy con cái trong gia đình, trong đó kỹ năng nuôi có thể phát triển nhưng kỹ năng dạy có những khuyết điểm. Ví dụ như trước đây chúng tôi ngày xưa đến kỳ nghỉ hè, các ông bố bà mẹ đông con nhưng họ dạy con trong hè rất chu đáo. Họ không có những bức xúc về chuyện học hè hay chơi hè cho trẻ con.
Cách của họ thế nào? Đúng như Bác Hồ đã nói, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Bước vào hè, đầu tiên người ta quan tâm, con ôn luyện bài vở thế nào. Thứ hai là con lao động ra sao. Cuối cùng là vui chơi và an toàn như thế nào. Một bà mẹ có 5 đứa con, người ta phân công rất rõ ràng, công việc tùy theo từng đứa một. Đứa này đi mót lạc, đứa này đi nhặt phân, đứa kia trồng rau, đứa kia giữ em. Ông bố bà mẹ nhìn vào công việc nhìn vào sức của từng đứa con để phân công rất rõ ràng.
Còn trẻ con ai cũng có việc của mình, việc rất vừa sức. Tuy vậy, người ta không đặt mục tiêu kinh tế mà đặt mục tiêu về rèn luyện kỹ năng. Mỗi mùa hè là mỗi kỹ năng. Còn về mặt ôn luyện, người ta dành buổi tối nhắc nhở con ôn luyện chuẩn bị cho năm học mới một cách rất tự nguyện. Như thế vẫn có thời gian ôn luyện, mà vẫn có thời gian rèn luyện kỹ năng, mà đặc biệt vẫn được chơi. Chơi thường những đêm trăng sáng, chơi với đội thiếu nhi. Nhưng vẫn có những quy định cực kỳ khắt khe về chuyện chơi. Ví dụ như khi tắm không bao giờ được rủ nhau tự đi tắm ngoài sông. Chỉ được tắm vào buổi chiều trên bến có đông người. Đó là luật nếu không thì sẽ xảy ra đuối nước…
PV: Đó là cách dạy con của thời trước, còn bây giờ theo ông là thế nào?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Tuy nhiên, hiện nay lại không như vậy, tức là không giao việc gì cho con cả. Tôi thấy rất lạ, từ nông thôn trở đi, trẻ nghỉ hè không được giao việc gì mặc dù là việc rất đơn giản như quét nhà, tưới rau. Trẻ nào cũng được vui chơi rất tự do, chính vì thế mới xảy ra đuối nước, tai nạn giao thông… rất đau lòng. Kỹ năng của các gia đình nhỏ hiện nay rất kém. Các gia đình bận rộn hiện có một mối nguy là quẳng Iphone, Ipad cho con chơi. Bố mẹ rảnh thì đi làm việc khác phục vụ cho con phục vụ, cho gia đình. Tôi là người chứng kiến rất nhiều gia đình con bị nghiện cái đó. Đặc biệt là nghiện game. Cái đó để lại hậu họa rất lớn về mặt thần kinh cho các thế hệ sau.
PV: Những tác động tiêu cực này đã tác động thế nào đến các mối quan hệ gia đình hiện nay, thưa ông?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Theo tôi, vấn đề lớn nhất là khi trẻ quan tâm quá nhiều đến những vấn đề như game chẳng hạn thì chúng lại quên đi các mỗi quan hệ gia đình, gia tộc và chúng bị hướng đến quan hệ ảo. Bởi vì thông tin nhập vào thế nào thì chúng ứng xử như vậy. Đứa nghiện game thì suốt ngày chỉ nghĩ đến game chứ không nghĩ đến chú, bác, dì… trong tổng thể gia tộc nữa.
Khi bảo có các em con của cô này, dì này đến chơi, nó cũng ừ nhưng đầu nó có để ý đến đâu. Nó chào một cách rất đãi bôi bởi trong đầu nó chỉ có chuyện game mà không có chuyện quan hệ gia đình, gia tộc. Nó sẽ bàng quan. Do đó, bố mẹ phải mở chiến dịch nói chuyện về gia đình, cho tộc cho nó, cấp thông tin vào đầu cho nó. Những tác động này ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ gia đình.
PV: Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, ông có thể nói đôi điều về những giá trị gia đình mà một gia đình Việt Nam luôn cần phải giữ gìn?
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Gia đình mãi mãi có một giá trị quyết định về việc xây dựng các nhân cách sống tốt đẹp cho con người nói chung, các thành viên trong gia đình nói riêng. Do đó ai cũng phải tự ý thức rất cao về điều đó.
Thứ hai, trong một gia đình xây dựng sự bền vững bằng cái cao nhất là sự tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm của mỗi thành viên.
Thứ ba, từng người một cố gắng sống cao nhất để người khác yên lòng. Chồng sống thế nào để vợ yên lòng, vợ sống thế nào để chồng yên lòng, con sống bố mẹ yên lòng, trong gia tộc cũng thế. Làm bất cứ việc gì những người trong gia đình họ tộc, xung quanh mình đều cảm thấy yên lòng. Nếu ai cũng nghĩ như thế thì xã hội về mặt đạo đức sẽ rất tốt đẹp.
PV: Xin cảm ơn ông!