Đau lòng từ những cuộc tình trái ngang

Bài cuối: Lỗ hổng nền tảng đạo đức gia đình

Thứ Hai, 08/06/2015, 08:33
Tình mẫu tử là thiêng liêng nhưng do những mâu thuẫn trong gia đình, những bất hòa trong cuộc sống vợ chồng, rồi để trả thù người đang sống, nhiều người mẹ đã chọn cách hành xử tiêu cực, sau khi tự sát, cũng tước đi quyền được sống của những đứa con dứt ruột sinh ra. Hành động của những người này đáng trách hơn là đáng thương!
>> Đau lòng từ những cuộc tình trái ngang

Sự ích kỷ đáng bị lên án  

Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt u buồn của người cha mất con, anh Nguyễn Phồn Tiến và sự tuyệt vọng đến tột cùng của người mẹ, chị Phạm Thị Hương, khi họ mất đi đứa con trai yêu thương nhất, cháu Nguyễn Xương Sung (1 tuổi), vào ngày họ có mặt tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hải Dương, viết đơn bãi nại cho kẻ thủ ác… 

Nỗi đau của những con người ấy dường như nhân lên gấp bội phần khi kẻ gây án lại chính là người em gái út trong gia đình, đối tượng Nguyễn Thị Liên (23 tuổi, trú tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Trong giây phút đau khổ đó, sự vị tha của họ lại là ngọn lửa làm ấm lên trái tim băng giá của người cô ruột lầm lạc. Liên đã khóc vì ân hận.

Vụ án được làm sáng tỏ, Nguyễn Thị Liên đã khai nhận nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, lý do vì có mâu thuẫn với bố, mẹ cháu Sung. Được biết, trong thời gian vợ chồng bất hòa, Liên chuyển về sinh sống cùng bố, mẹ đẻ, vẫn thường qua lại với vợ chồng anh Tiến, chị Hương. Ông Miên, bố đẻ của Liên không đồng ý, bởi ông không muốn Liên giao du với chị Hương.

Đối tượng Liên tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Hải Dương.

Nguyên nhân là do trước đó, ông này đã cấm, cản, không đồng ý cho anh Tiến lấy chị Hương nhưng anh Tiến không nghe lời. Bị bố chồng phản đối, chị Hương yêu cầu Liên không được xuống nhà chơi. Bên cạnh đó là những bất hòa nảy sinh trong trong cuộc sống gia đình, với mối quan hệ phức tạp em chồng, chị dâu. Sự cố chấp của ông Miên vô tình đã đẩy mâu thuẫn của em chồng, chị dâu vốn đã chẳng mấy tốt đẹp đến bên bờ vực thẳm. 

Một nguyên nhân khác là sự thiếu hiểu biết pháp luật, trình độ nhận thức của Liên cũng còn hạn chế, đối tượng học chưa hết cấp 1, trong khi đang gặp những bất hạnh trong hôn nhân dễ dẫn đến có tâm lý tiêu cực. Sự việc chỉ có vậy nhưng đã hằn trong suy nghĩ của Liên việc trả thù chị dâu và anh trai. 

Khoảng 15h ngày 10/3, phát hiện cháu Sung tha thẩn chơi một mình, Liên bế thốc cậu bé đi về khu vực giếng nước rồi nhẫn tâm thả cháu xuống. Hành động tội lỗi của Liên khiến một cháu bé vô tội phải ra đi; một người cha, người mẹ phải chịu cảnh đau đớn mất con. Và có một đứa trẻ khác (con Liên) cũng côi cút, thảm thương khi mẹ vào tù.

Khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ trọng án đau lòng như vậy. Theo Đại tá, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, thì những vụ án này báo động về sự yếu kém về nhận thức pháp luật, sự thiếu hụt về kỹ năng sống của một bộ phận người dân, do không thể thích ứng và điều chỉnh với những biến đổi khôn lường của cuộc sống hằng ngày. Họ quá ích kỷ mà quên đi trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ. 

Cho đến bây giờ, người dân ở TP Việt Trì (Phú Thọ) vẫn không thể quên vụ việc đau lòng xảy ra trên nhánh sông Việt Trì. Trước đó, vào khoảng 8h ngày 1/9/2014, tại nhà bà Nguyễn Thị Đa (ở tổ 22, phố Hồng Hà 1, Bến Gót, Việt Trì), giữa vợ chồng chị Lê Thị Hương Mai (SN 1986) và anh Lê Hải Sơn (SN 1984) xảy ra mâu thuẫn. 

Đến khoảng 9 giờ, chị Mai cùng cháu Nghĩa đi xe máy BKS 19B1-050.83 ra khỏi  nhà. Chị Mai tự đi xe máy chở cháu Nghĩa xuống Bạch Hạc rồi dựng xe ở đường bê tông dân sinh sát tường rào của Trạm quản lý đường sông số 1 Việt Trì. Tại đây, chị Mai dùng điện thoại nhắn tin cho anh Sơn với nội dung trách móc anh Sơn và thông báo cho anh Sơn là chị và con trai sẽ tìm đến cái chết. 

Theo Tiến sĩ Thìn, hậu quả đau lòng đó có thể ngăn chặn nếu có sự can ngăn của người có uy tín hoặc sự vào cuộc kịp thời của cơ quan, đoàn thể nơi xảy ra mâu thuẫn.

Ngăn ngừa những vụ thảm án, cần sự vào cuộc của cả xã hội

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng này, Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn cho biết: Những vụ án trên, cũng như những vụ án tương tự xảy ra trong thời gian qua cho thấy một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. 

Điều không bình thường ở chỗ, không phải là do mâu thuẫn trong tình cảm dẫn đến những hành vi phạm tội nghiêm trọng (bởi điều đó vẫn thường xảy ra trong cuộc sống), mà chính là mức độ lạnh lùng, tàn bạo của các bị can trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội; là ở chỗ chỉ từ những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt nhưng đã dẫn đến những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội; là ở chỗ nạn nhân của những vụ án lại là những người trong gia đình hoặc có quan hệ tình cảm gắn bó; là ở sự gia tăng của loại tội phạm này. Sự căng thẳng, xung đột trong cuộc sống với nhiều sức ép này đã khiến nhiều người phạm tội với những lý do hết sức lạ lùng.

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này, nhưng trước hết cần phải nói đến nền tảng giáo dục từ gia đình. Một gia đình ly tán, đổ vỡ; xung đột, thường xuyên mâu thuẫn, bạo lực hoặc mắc tệ nạn xã hội, thậm chí phạm tội, rất khó nuôi dưỡng, giáo dục những thành viên trở thành những người sống tốt, có đạo đức, sống có trách nhiệm. Cũng có những gia đình lo kiếm tiền, ít quan tâm quản lý, giáo dục con cái hoặc chiều chuộng con quá mức, phương pháp giáo dục con không đúng đắn cũng rất dễ biến những đứa trẻ khi lớn lên có những hành vi lệch chuẩn.

Sự xuống cấp về đạo đức, sống buông thả, thực dụng, ích kỷ, vô trách nhiệm, thích hưởng thụ, lười lao động, chạy theo vật chất, cùng với sự cạnh tranh, xung đột từ  sức ép của đồng tiền… đã làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột, căng thẳng. Bởi thế, khi gặp hoàn cảnh bất lợi, không phù hợp với lợi ích, tình cảm của mình đã dẫn người ta thực hiện hành vi phạm tội. 

Sự thiếu hiểu biết về cuộc sống và pháp luật cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng. Nếu người ta nhận thức một cách rõ ràng hành vi phạm tội của mình nhất định sẽ bị phát hiện và phải bị pháp luật trừng trị; và những hành vi đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản… nhiều khi phải trả cái giá rất đắt, thậm chí bằng chính mạng sống của mình thì chắc hẳn người ta sẽ không dám hành động.

Trong một số trường hợp, do thiếu kỹ năng sống nên khi gặp những hoàn cảnh bất lợi, họ không thể ứng xử đúng đắn, dẫn đến các hành vi tiêu cực như trả thù, tự sát… Hành vi phạm tội của những vụ án trên thường gây sốc trong dư luận và bị lên án gay gắt. Sự phản ứng đó của xã hội không chỉ là lên án một hành vi phạm tội tàn bạo, dã man, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, mà còn vì nó đã chà đạp lên những đạo đức truyền thống, những giá trị căn bản, tốt đẹp của con người và xã hội. 

Theo Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn: Trước hết cần phải tạo được nền tảng đạo đức cho mỗi người trong xã hội. Đây có thể coi là tạo ra sức “đề kháng” trước những tác động tiêu cực từ cuộc sống. Xây dựng một gia đình êm ấm, hòa thuận, thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mỗi người với gia đình và với xã hội sẽ góp phần giảm bớt những yếu tố bất lợi gây ra những hành vi phạm tội. Hãy bắt đầu từ gia đình, từ những thành viên bé nhỏ nhất. Mặt khác, phải tạo ra được sức ép từ cộng đồng, từ dư luận xã hội nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi. Dư luận điều chỉnh hành vi. Dư luận ấy phải phát huy ngay tại địa bàn dân cư, tại cơ quan, nơi làm việc, nơi công cộng, trên hệ thống truyền thông…

Xuân Mai
.
.
.