Độc đáo lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Hai, 03/09/2018, 07:48
Đối với người dân ở quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Lệ Thủy, Quảng Bình) thì Tết âm lịch có thể không về, nhưng Tết Độc lập thì dù ở đâu cũng dứt khoát phải sắp xếp về quê cho bằng được. Người dân nơi đây thường nhắc nhở nhau "Dù ai đi tây về đông/Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà/Về nhà xem hội quê ta/Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay".


Để mừng đón Tết Độc lập, người dân Lệ Thủy thường tổ chức rất nhiều trò chơi, và ăn tết từ 2 đến 3 ngày. Độc đáo nhất trong các lễ hội mừng Tết Độc lập nơi đây là lễ đua thuyền trên sông Kiến Giang.

Từ thế kỷ thứ XV, tiến sĩ đời nhà Mạc, Dương Văn An một người con của quê hương Lệ Thủy đã ca ngợi về lễ hội đua thuyền của quê mình trong “Ô châu cận lục”. Như vậy lễ hội đua thuyền ở vùng đất này đã có từ hàng trăm năm trước. Sau 1945, kể từ khi nước nhà giành được độc lập, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Ðộc lập đã trở thành máu thịt với người dân Lệ Thủy.

Bắt đầu thời tiết sang thu, khắp làng trên, xóm dưới ở mảnh đất này đã rạo rực, tất bật chuẩn bị thuyền bơi và tập luyện cho thanh niên nam nữ trong làng. Thuyền đua thường được ghép từ 5 tấm gỗ ghép lại gồm đáy thuyền gọi là tấm tiếp, hai tấm tè và phía trên là hai tấm mạn. 

Để đóng thuyền bơi, người dân trong làng chọn những cụ già có kinh nghiệm, uy tín tìm thầy, chọn gỗ đóng thuyền, đặc biệt là chọn người bỏ mực (tiêu chuẩn kỹ thuật đóng thuyền) để khi thuyền đóng xong đảm bảo kích thước, độ dày mỏng của ván thuyền, khả năng lướt nước…

Hàng vạn người theo dõi, cổ vũ lễ hội đua thuyền ở Lệ Thủy, Quảng Bình sáng 2-9-2018.

Chính vì vậy, không làng nào nơi đây chấp nhận chọn thợ của làng khác về đóng thuyền bơi cho làng mình, vì sợ bị thợ bỏ sai mực. Thuyền đóng xong dài khoảng 17m, lòng thuyền rộng chừng 1,2m. Các làng dành nhiều thời gian để đua thuyền thử, người địa phương gọi là "thụa". Sau đó đưa thuyền lên bờ cân chỉnh để lướt nhanh hơn.

Không khí gần ngày khai hội càng rộn ràng, người làng nhiều đêm không ngủ. Để kiểm tra tốc độ thuyền người ta đứng trên bờ để xem thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4”. Có nghĩa là, mỗi nhịp bơi, mái chầm xuống nước của trai bơi ngồi cặp trước đẩy ra sau cũng là điểm của mái chầm người thứ 3 hoặc người thứ 4 đưa xuống nước. Tốc độ của thuyền đi “ốp 4” chắc chắn sẽ nhanh hơn thuyền đi “ốp 3”.

Nhưng thuyền đi “ốp 3” hay “ốp 4” không phải do trai bơi quyết định mà do kỹ thuật của thợ đóng thuyền. Đóng được thuyền đi “ốp 4” phải là những thợ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm. Được biết, mỗi thuyền đua có tổng cộng khoảng 30 người gồm 13 cặp thanh niên trai tráng, ngoài ra còn có người đánh mõ, người tát nước, lái chính 2 người và lái đề 1 người (gọi là bộ phách lái). Thành tích của mỗi thuyền không chỉ tùy thuộc vào sức khỏe của các trai chèo mà còn tùy thuộc vào bộ phách lái để điều khiển thuyền.

Sáng sớm 2-9, khắp các ngả đường, người dân đổ về hai bên bờ sông Kiến Giang, có nhiều người ở xa phải đi từ ba, bốn giờ sáng song ai cũng vui, nét mặt rạng ngời. Khi cuộc đua bắt đầu, mặt sông Kiến Giang dậy sóng. Sau phát súng lệnh, các con thuyền lao về phía trước trong sự reo hò, cổ vũ của hàng vạn người dân.

Trên sông, theo sau các thuyền bơi là hàng trăm thuyền máy rợp cờ, trống hội thúc giục liên hồi động viên thuyền bơi, đua. Trước đây, mỗi dịp ngày 2-9, lúc sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều sắp xếp để về ăn Tết Độc lập với bà con quê hương, năm nào bận việc nước Đại tướng không về được thì gia đình Đại tướng về.

Đứng bên dòng Kiến Giang hôm nay, lòng người như chùng xuống khi nghĩ tới hình ảnh Đại tướng lên thuyền đi dọc bờ sông động viên các đội bơi và căn dặn bà con quê hương gìn giữ truyền thống cách mạng, giữ gìn ngày hội lễ Tết Độc lập quê mình.

Tự hào về lễ hội đua thuyền quê hương Lệ Thủy, Giáo sư, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí, nguyên lãnh đạo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã viết bài hát “Bơi đua quê mình” với ca từ rất xúc động như: "Trai này! Bơi bơi bơi/ Gái này! Ðua đua đua/Mời về Lệ Thủy, xem này bơi đua/Tháng tám mùa thu người người háo hức/Làng làng rạo rực, đóng thuyền luyện quân/Những chàng trai xuân, những cô gái đảm/Kiến Giang dòng lụa tưng bừng ngày đêm"…

Dương Sông Lam
.
.
.