Đề xuất 3 phương án bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối

Thứ Sáu, 25/10/2019, 09:07
Đoàn khai quật di chỉ Vườn Chuối vừa báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả sơ bộ đợt thăm dò, khai quật mới nhất, đồng thời đề xuất 3 phương án bảo tồn, phát huy giá trị của di chỉ này.


Di chỉ Vườn Chuối là tên gọi một cụm di chỉ khảo cổ thời đại kim khí phân bố ở các gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng, gò Chiền Vậy, thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. 

Đây là di chỉ nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, các nhà quản lý văn hóa, nghiên cứu chuyên môn lịch sử, khảo cổ học, bảo tàng học Việt Nam. Tuy nhiên, do đô thị hóa, cảnh quan tự nhiên bị các công trình cơ sở hạ tầng và kiến trúc xâm lấn, không thể nhận diện được cảnh quan hiện hữu so với trước đây, khi các địa điểm khảo cổ mới được phát hiện.

Với mục đích không để di tích bị biến mất khỏi bản đồ khảo cổ học, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội “tổ chức thám sát, khai quật khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối; tiếp tục thu thập hồ sơ và tổng hợp giá trị của di chỉ Vườn Chuối qua các lần khai quật” làm cơ sở “đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn đối với di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối”. 

Thành phần đoàn công tác bao gồm các chuyên gia và cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hoài Đức, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Thăm dò, khai quật di chỉ Vườn Chuối.

Kết quả thăm dò, khai quật xác định vị trí và hiện trạng các địa điểm thuộc cụm di chỉ Vườn Chuối cho thấy, hiện nay các gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ là nghĩa trang của người dân Lai Xá; gò Cây Muỗng đã trở thành một phần khu dân cư thôn Lai Xá; gò Chiền Vậy nay đã nhập vào địa phận xã Di Trạch và cũng đã trở thành một phần của Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội. Các địa điểm trên hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn, không còn khả năng triển khai nghiên cứu. 

Ba địa điểm gò Vườn Chuối, gò Dền Rắn và gò Mỏ Phượng nằm trong phạm vi dự án xây dựng khu đô thị mới của Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng. Cảnh quan môi trường khu vực đã thay đổi hoàn toàn do quá trình san lấp tạo mặt bằng xây dựng khu đô thị. Riêng gò Vườn Chuối vẫn còn giữ được hình dạng ban đầu nhưng tình trạng san lấp mặt bằng cũng đã tiến sát đến chân gò. 

Gò Vườn Chuối còn bị con đường vành đai 3.5 của thành phố Hà Nội cắt qua một nửa. Hiện nay quá trình thi công tuyến đường đã tiến sát chân gò và đang tạm thời dừng lại đợi kết luận của UBND thành phố Hà Nội về phương án bảo tồn di tích.

Kết quả thu được qua đợt thăm dò khai quật ghi nhận Cụm di chỉ Vườn Chuối là một cụm di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, có nhiều tư liệu góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích Vườn Chuối và thời Tiền Sơ sử ở khu vực thành phố Hà Nội, góp phần làm rõ không gian cư trú và lan tỏa của cư dân giai đoạn Tiền Đông Sơn - Đông Sơn trên đất Hoài Đức và Hà Nội ở buổi bình minh lịch sử.

Dịp này, Đoàn khai quật cũng đã đề xuất 3 phương án bảo tồn di chỉ. Trong đó, phương án 1 là bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di chỉ Vườn Chuối, khoanh vùng khu vực bảo tồn bằng các mốc giới. Trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào. Trong phạm vi khu vực bảo tồn, các cơ quan chuyên môn tiếp tục thăm dò, khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích và xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. 

Tuy nhiên, phương án này có xung đột gay gắt giữa di sản văn hóa với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố Hà Nội. Bởi, vị trí phân bố di tích Vườn Chuối hiện đang nằm trong khu vực thi công đường Vành đai 3.5 của thành phố Hà Nội. 

Nếu con đường được thi công theo phương án đã được phê duyệt như hiện tại thì 1/2 diện tích phân bố, tương đương với 6.000m2 di chỉ Vườn Chuối sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Phần diện tích còn lại của di chỉ Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng là đất dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Theo thiết kế, nửa phía Đông di chỉ Vườn Chuối là khu công viên cây xanh.

Phương án 2 là dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện, thông báo cho các đơn vị Chủ đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.5 và Chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng. 

Phương án này không chú ý bảo tồn di sản văn hóa, mà chỉ chú trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội đạt được lợi ích trước mặt nhưng phá hủy hoàn toàn một nguồn tài nguyên di sản văn hóa quý báu của thành phố Hà Nội và Việt Nam.

Phương án 3 là bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Đồng thời với việc khai quật nghiên cứu làm rõ những giá trị đặc trưng của di tích là xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa. Đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng, chủ đầu tư dự án xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần phải thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng. 

Phương án này kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông của thành phố nhưng khối lượng công việc rất lớn, nguồn kinh phí lớn và đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo thành phố để có thể triển khai và hoàn thành tốt công việc.

N.Hoa
.
.
.