Hãy cứu di chỉ Vườn Chuối sắp bị “xóa sổ”

Thứ Hai, 18/01/2010, 14:45
Báo CAND đã có bài phản ánh làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều cổ vật trong lòng đất, đặc biệt là gò Vườn Chuối. Hơn 40 năm qua, gò Vườn Chuối là một di chỉ khảo cổ quan trọng còn chứa đựng nhiều hiện vật có giá trị, rất cần được bảo vệ. Thế nhưng, với dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, di chỉ khảo cổ học này có thể sẽ bị xóa sổ.

Bảo tàng trong lòng đất

Một ngày cuối tháng 12/2009, có mặt tại gò Vườn Chuối, PV Báo CAND được mục kích 2 ngôi mộ cổ thuộc thời kì văn hóa Đông Sơn vừa phát lộ, trong đó có một mộ cải táng còn khá nguyên vẹn.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử (Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Qua khai quật hai hố với tổng diện tích 60m2 tại di chỉ gò Vườn Chuối, kết quả thu được rất khả quan. Hai tầng văn hóa ở đây là văn hóa Đồng Đậu và văn hóa Đông Sơn. Tầng văn hóa Đồng Đậu còn khá nguyên vẹn với nhiều hiện vật như rìu đá, trang sức bằng đá, chày bằng đá, vòng đeo tay, khuyên tai bằng các loại đá cứng như đá ngọc, đá đen; một số loại bình gốm, nồi, bát, dọi xe chỉ...

Đáng chú ý, ở hố khai quật thứ hai, cách bề mặt gò khoảng 30 - 40cm, đã phát hiện 2 mộ cổ thuộc văn hóa Đông Sơn, gồm 1 mộ hung táng và 1 mộ cải táng. Mộ hung táng gần như đã hóa hết; đồ tùy táng gồm rìu lưỡi xéo bằng đồng, sợi dây đồng, mũi tên đồng và 1 nồi gốm đặt ở phía dưới chân người. Mộ cải táng, cốt được xếp lại vào một quách gỗ, còn khá nguyên vẹn.

Lần tìm những tư liệu về gò Vườn Chuối, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất cổ xưa. Đợt khai quật đầu tiên năm 1969, thu được 48 đồ đá, 8 đồ đồng và nhiều đồ gốm. Đợt khai quật thứ hai năm 2001, thu được nhiều đồ đồng, đồ gốm, hạt gạo cháy, xương động vật...

Đáng chú ý, đợt khai quật lần thứ ba cuối tháng 12/2009, đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong tầng văn hóa màu xám đen, dày trung bình từ 0,5 cho đến 1m, đã phát lộ nhiều hiện vật có niên đại từ 3.500 đến 3.000 năm cách nay, được làm bằng các chất liệu đá, đồng, xương, gốm. Đồ đá chủ yếu bằng bazan và đá ngọc được chế tác khá tinh xảo. Nhiều hiện vật phong phú khác như đục, rìu, bôn, bàn mài, khuôn đúc, vòng, khuyên tai, hoa tai, thanh đồng, dây đồng, lưỡi câu, mảnh đồng, xỉ đồng. Đồ gốm có dọi xe chỉ, bi gốm và hàng vạn mảnh gốm các loại; trong đó có nhiều mảnh gốm trang trí hoa văn rất đẹp, cầu kì.

Có thể khẳng định, gò Vườn Chuối là một trong những di chỉ khảo cổ quan trọng, tiểu biểu thời Hùng Vương và làng Lai Xá có bề dày lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, đáng được coi là một "Bảo tàng trong lòng đất".

Bảo tồn di tích Vườn Chuối là thiết thực kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Thế nhưng di tích Vườn Chuối đang có nguy cơ bị xóa sổ. Trung tuần tháng 1/2010, khi chúng tôi trở lại Lai Xá, ở đây đang biến thành một đại công trường và di tích Vườn Chuối đang bị "ngoạm" dần bởi hàng trăm con người, xe máy hối hả giải phóng mặt bằng cho dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch. Theo ông Phạm Văn Hùng, Đội trưởng An ninh thôn Lai Xá, với tốc độ này thì chỉ sau Tết Nguyên đán Canh Dần, toàn bộ gò Vườn Chuối sẽ bị vùi lấp và nhiều công trình sẽ mọc lên ngay trên chính khu "Bảo tàng dưới lòng đất" Vườn Chuối.

Khu di tích Khảo cổ gò Vườn Chuối đứng trước nguy cơ “xóa sổ”.

Theo bản đồ quy hoạch chi tiết Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch được niêm yết tại thôn Lai Xá, tổng diện tích khu đất xây dựng là 170,29ha, diện tích đất ở là 41,45ha. Trong đó, biệt thự là 12,91ha, nhà liên kết vườn 20,3ha, nhà cao tầng 8,24ha. Ngoài ra, còn có đất cho công trình hỗn hợp là 12,45ha, quảng trường, cây xanh 7,31ha và công viên, hồ, mặt nước, đường giao thông, bãi đỗ xe, đất công trình công cộng, dịch vụ thương mại... Chủ đầu tư công trình là Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng, Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Vietracimex làm đơn vị tư vấn.

Thiết nghĩ, trong lúc cả nước đang xúc tiến các hoạt động hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc bảo vệ di tích gò Vườn Chuối là điều rất cần thiết, là trách nhiệm trước tiền nhân và cả hậu thế.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung: Sớm có giải pháp bảo vệ di chỉ gò Vườn Chuối

Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, những đồ trang sức bằng đá tại di chỉ này có hoa văn khá đẹp không kém gì đồ trang sức của văn hóa Phùng Nguyên. Về đồ đồng, thu được một số mũi tên đồng, mũi nhọn bằng đồng, nhiều sỉ đồng, một lò đúc đồng cùng các khuôn đúc đồng. Ngoài ra, còn thu được một số hạt gạo đã cháy, xương động vật... Một số nồi gốm còn nguyên vết muội bám, củi gỗ đang cháy dở còn cả than, cùng một số hố bếp hình lòng chảo... chứng tỏ đây từng là nơi cư trú của cư dân cổ cách nay 3.000 năm.

Gò Vườn Chuối nằm trọn trong dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch của TP Hà Nội. Chúng tôi đã liên hệ với Bảo tàng Hà Nội đề nghị báo cáo thành phố bảo vệ di tích này theo quy định của Luật Di sản văn hóa; theo đó, trước khi tiến hành giải phóng mặt bằng tại nơi có di tích lịch sử, văn hóa, cần phải tiến hành thám sát, khai quật đánh giá giá trị của di tích... Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ hồi âm nào. Nếu TP Hà Nội không có biện pháp kịp thời, rất có thể di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối sẽ bị xóa sổ hoàn toàn

Trần Duy Hiển
.
.
.