Ca khúc "Nối vòng tay lớn" bất ngờ được cấp phép!

Thứ Năm, 13/04/2017, 08:42
Câu chuyện gây tranh cãi nhiều ngày gần đây khi Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 và chưa cấp phép phổ biến một số ca khúc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chiều 12-4, một buổi đối thoại giữa cơ quan báo chí truyền thông với cơ quan quản lý Nhà nước về âm nhạc đã diễn ra tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại diện nhiều cơ quan truyền thông chỉ ra khá nhiều nội dung thiếu chuẩn xác của  cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoạt động cấp phép lưu hành, phổ biến ca khúc, công bố thông tin thời gian qua.

Cụ thể, danh mục ca khúc được lưu hành trên website của Cục Nghệ thuật biểu diễn “vênh” với danh sách trên trang web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Danh mục tác phẩm sáng tác trước năm 1975 của các tác giả khu vực miền Nam thống kê cả nhạc sĩ Văn Cao và một số nhạc sĩ khác người miền Bắc…

Đêm nhạc chủ đề "Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn. Ảnh: Độc Lập.

Riêng về việc cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc trước 1975, báo chí đặt vấn đề: Cục Nghệ thuật biểu diễn cấm vì 5 bài hát này sai tên tác giả, sai ca từ nhưng trước khi cấm, Cục đã trực tiếp hỏi ý kiến chủ sở hữu của tác phẩm hay chưa? Với những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó ca khúc “Nối vòng tay lớn” đã rất phổ biến, từng được biểu diễn khắp nơi trên cả nước, vì sao đến thời điểm này, Cục mới yêu cầu thực hiện thủ tục xin cấp phép phổ biến?

Các quy định mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đang áp dụng vào thực tế liệu có phù hợp với đời sống không? Cục có ý định đề nghị xây dựng văn bản, quy định khác cho phù hợp không?...

Ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, không phải chỉ có 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 bị tạm dừng lưu hành như báo chí nêu, mà là 10 ca khúc. Cục hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác cũng như cơ sở pháp lý để đưa ra lệnh tạm dừng.

Về lý do Cục chưa chấp thuận phổ biến 4 ca khúc: Nối vòng tay lớn, Ca dao mẹ, Huế - Sài Gòn – Hà Nội, Đêm thấy ta là thác đổ trong chương trình âm nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ do Trường Đại học Y Dược Huế và gia đình nhạc sĩ tổ chức, ông Hoàn cho biết, đây là việc hoàn toàn đúng pháp luật, được áp dụng theo Nghị định 79 năm 2012 của Chính phủ và Nghị định 15 năm 2016 của Chính phủ về quản lý nghệ thuật biểu diễn.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn trao đổi với báo chí chiều 12-4.

Mặc dù các ca khúc này đã được biểu diễn trong rất nhiều chương trình từ trước đến nay nhưng hoàn toàn chưa có trong danh mục được cấp phép vì chưa có một đơn vị, cá nhân nào đứng ra xin phép. Các chương trình được cấp phép biểu diễn trước đây là do các địa phương tự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đây là các ca khúc tốt, không có vấn đề gì về mặt nội dung nên các địa phương thường “du di”. Đến thời điểm này, Cục quyết định thực hiện đúng theo quy định của pháp luật vì cho rằng đây là việc làm cần thiết trong thúc đẩy thực thi bản quyền.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cũng cho biết, quy định pháp luật cho phép cơ quan quản lý nhà nước phát hiện vi phạm là có quyền xử phạt, không cấp phép, không cần biết chủ sở hữu có biết hay không…

Chưa kể, các thủ tục xin cấp phép ca khúc không khó. Vấn đề là phải có đơn vị đứng ra làm thủ tục. Đây không phải là chuyện xin cho như báo chí nêu, mà là việc tuân thủ quy định của luật pháp. Cục không thể tự nắm thông tin tác giả nào sáng tác ca khúc nào, vì hằng ngày, hằng năm đều có các tác giả sáng tác ca khúc mới.

Có ca khúc được lưu hành, được cộng đồng chấp nhận, có “đời sống” riêng, nhưng cũng có ca khúc được sáng tác nhưng không được sử dụng, hoặc “đời sống” chỉ rất ngắn…

Với danh mục thống kê ca khúc được phép lưu hành, phổ biến có sự “vênh” nhau giữa trang web của Cục và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tuấn khẳng định, chính xác nhất vẫn là danh sách của Bộ. Danh sách của Cục có thể ít hơn vì… dung lượng của Cục nhỏ hơn, không tải hết (?!). 

Liên quan đến danh mục cấm ca khúc sáng tác trước năm 1975, ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, nếu gia đình tác giả hoặc có cá nhân, tổ chức đưa ra bằng chứng chứng minh tác phẩm đúng tác giả, đúng bản quyền…, Cục sẽ thẩm định, xem xét cấp phép lại.

Với 4 ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép phổ biến, ngày 12–4, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản cho phép phổ biến ca khúc “Nối vòng tay lớn” vì Trường Đại học Y Dược Huế đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định.

Ngọc Nguyễn
.
.
.