Báo chí đã “cứu” nhiều di sản của Hà Nội
- Đề nghị công nhận 4 di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội
- Điện Biên khai hội Thành Bản Phủ và công bố 2 di sản văn hóa phi vật thể
- Đề nghị UNESCO công nhận hát xoan là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại
- Khai mạc trưng bày di sản văn hoá Tây Nguyên
- Đề trình “Nghệ thuật sơn mài” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Với vị trí của một miền đất hội tụ, kết tinh và tỏa sáng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Hà Nội có số di tích đứng đầu cả nước với gần 6.000 di tích, trong đó có một di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp thành phố.
Thế nhưng, việc quản lý, bảo vệ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể ở những di tích này còn nhiều hạn chế. Báo chí có vai trò gì trong việc bảo tồn văn hóa vật thể của Hà Nội, là câu hỏi xuyên suốt hội thảo tổ chức ngày 11-6 tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử có uy tín.
Nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu và nhà quản lý tham gia hội thảo. |
Không khó khăn gì để nhìn thấy thực trạng quản lý di sản ở Hà Nội hiện nay còn yếu kém. Đó là trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các di tích chưa được phân công rõ ràng, thiếu sự phối hợp giữa nhà quản lý với người sử dụng, khai thác.
Việc đầu tư nâng cấp, tôn tạo, trùng tu các di tích văn hóa vật thể chưa được triển khai theo một quy trình khoa học, chặt chẽ và toàn diện. Việc khai thác du lịch bừa bãi tồn tại bên cạnh vấn nạn thất thoát đồ cổ và xâm lấn di tích vv…
Giáo sư sử học Lê Văn Lan trăn trở với hiện trạng xâm lấn di tích đang diễn ra ở nhiều nơi, như gò Đống Thây (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sau 10 năm được qui hoạch, tôn tạo là đầy rác và lều của những người tứ phương lấn chiếm.
GS. Lê Văn Lan trăn trở với tình trạng di tích ở Hà Nội bị xâm lấn. |
Hoàng thành Thăng Long có diện tích 140ha nhưng giờ chỉ còn 20ha. Dự án trưng bày hiện vật Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa tiến triển được là bao, dù số hiện vật khai quật được tới hàng triệu. Nguyên do vì nhiều bộ, ngành cùng quản lý khu vực này. Tình trạng “năm cha ba mẹ” cũng diễn ra ở đền Ngọc Sơn.
Hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng các di tích lịch sử, văn hóa thời gian gần đây cũng được ra, trong đó, vụ thay đổi toàn bộ hoa văn họa tiết, gác khánh và nhà Tổ của chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ) được đưa ra như một điển hình về “thảm họa trùng tu” di sản.
Rồi việc tự ý thay đổi thiết kế tại đình Quang Húc (huyện Ba Vì), xây bình phong không đúng mỹ thuật tại lăng Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây), hay tự ý đưa tượng Phật Dược Sư vào Di tích lịch sử Quốc gia chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), tự ý đưa ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt vào Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) … đã gây bức xúc dư luận, là những minh chứng về sự yếu kém trong quản lý di sản.
Có ý kiến cho rằng, thái độ im lặng của chính quyền địa phương ở những nơi có di tích bị xâm phạm, xuống cấp đang là tình trạng phổ biến. Di tích bị mất cổ vật, hay bị mất cấu kiện chưa được quan tâm. Ở Hà Nội, việc xâm phạm di tích rất nhiều và ở nhiều mức độ, mà không ai chịu trách nhiệm.
“Thảm họa trùng tu”ở chùa Trăm Gian phát hiện nhờ báo chí. |
Cùng với việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng khi để các vi phạm liên tục diễn ra, còn có nguyên nhân ở sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân.
Thực tế, có nhiều di tích nằm trong rừng sâu, nên không lực lượng nào có thể quản lý được nếu không dựa vào dân. Trong khi đó, ngay giữa lòng Hà Nội, biết bao cổ vật đã bị mất mát khi làm chiếc cầu vượt cuối đường Văn Cao, bởi xe ủi, gầu xúc đã phát nát một đoạn thành đẹp nhất, chứa nhiều hiện vật quí giá ở đường Hoàng Hoa Thám.
Vì thế, việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về di sản văn hóa cho nhân dân hiểu để họ cùng bảo vệ. Trong vấn đề này, vai trò của báo chí là rất cần thiết. Đây là quan điểm của nhà khảo cổ học Nguyễn Lân Cường.
Trong nhiều vụ việc, báo chí đã đóng vai trò đáng kể khi phát hiện các vụ vi phạm di tích để kịp thời cứu được di sản, cũng như đưa ra những kiến nghị để bảo tồn như vụ trùng tu chùa Trăm Gian, chùa Một Cột, lăng Ngô Quyền, hay vụ cố tình vùi lấp di tích khảo cổ ở đoạn dốc Tam Đa-Hoàng Hoa Thám…
Việc báo chí phát hiện các di tích bị xâm phạm đãgiúp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý biết được thực trạng. Đặc biệt, việc phản biện về chính sách, về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản của báo chí đã gợi mở ra nhiều vấn đề cho những nhà quản lý văn hóa, để đạt tới vị thế cảnh giới về văn hóa và “điều trần về văn hóa”.
Vì thế, vai trò của báo chí đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Hà Nội là rất quan trọng.
Tuy nhiên, không phải vụ việc nào báo chí cũng kịp thời bảo vệ di sản. Với quan điểm này, giáo sư Hoàng Chương đưa ra ví dụ về sự xuống cấp của di tích Bánh Ít –một trong những công trình đền tháp lớn nhất còn lại của vương triều Chămpa ở Bình Định - chỉ được báo động khi một tờ báo của Anh lên tiếng, lúc đó báo chí trong nước mới vào cuộc.
Có tờ báo còn “tiếp tay” làm mờ bản sắc văn hóa dân tộc khi ca ngợi những việc làm phi nghệ thuật truyền thống.
Báo chí thường xuyên quan sát và bảo vệ làng cổ Đường Lâm . |
Một vấn đề nữa được các đại biểu đặt ra là những người làm báo muốn bảo vệ được di sản văn hóa, phải có kiến thức về di sản văn hóa để đọc được các tầng nghĩa trong di sản và tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị của di tích.
Vị đại biểu của Ban Tôn giáo Chính phủ lưu ý các nhà báo khi phản ánh các vụ xâm phạm di tích cần phải đi đến tận cùng vụ việc, vì có không ít vụ báo đăng nhưng khi kiểm tra, xác minh lại không hoàn toàn là sự thật.
Đã có rất nhiều ý kiến của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu và quản lý ở nhiều phương diện được đặt ra tại hội thảo “Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội”, không chỉ chỉ ra thực trạng di sản văn hóa vật thể Hà Nội, mà còn kiến nghị các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa, trong đó, xác định vai trò của báo chí là rất quan trọng.