Tản mạn xứ Trầm hương

Thứ Hai, 21/08/2017, 20:46
Khi đề cập đến “rừng trầm, biển yến” ở khu Nam Trung bộ, rất nhiều người nhắc tới câu ca dao “Khánh Hòa là xứ Trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về”. Trầm hương kết tinh trong cây Dó giữa rừng sâu núi thẳm ở nhiều vùng miền trên đất nước, nhưng thời xa xưa chỉ có Khánh Hòa là nơi kết tụ loại sản vật quý hiếm này nhiều nhất và tốt nhất, nên vùng đất này mệnh danh là xứ Trầm hương.


1.Sớm tinh khôi, tôi ngồi trong quán cà phê ở phố biển Nha Trang hiền hòa, thơ mộng, nghe một doanh nhân trải nghiệm trong giới mua bán Trầm nói về sản vật ở đại ngàn. Theo mạch chuyện của ông, tôi được biết Dó bầu có tên khoa học Aquilaria agallocha; Dó gạch có tên khoa học Aquilaria malaccensis.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trầm là sản phẩm do bệnh lý cộng sinh tế bào gỗ Dó tạo thành, liên quan cấu trúc di truyền loài cây, độ tuổi, thời tiết, thổ nhưỡng…Theo giới “đi địu”, có ba căn nguyên tạo Trầm. Đó là dấu vết tác động của thiên nhiên trên thân cây sau giông bão, sấm sét; tác động của con người từ mảnh bom đạn chiến tranh, vết chặt bằng rìu rựa và tác động của sinh vật đục khoét.

Nghệ nhân xoi Trầm từ cây Dó bầu.

Sau hàng chục năm, vết thương thân cây Dó tiết ra nhựa sống bảo vệ và hấp thụ dần những yếu tố sinh thái, môi trường nên một phần thân gỗ hóa Trầm với hình dạng lạ lẫm, nhưng không phải cây Dó nào cũng tạo ra sản vật này. Giới “đi địu” nghiệm rằng, Trầm ẩn bên trong những vết chấm màu tím, đỏ, nâu lồi lõm trên vết thương lâu năm của cây Dó, nên dân gian có câu “Đau thương Dó hóa thành Trầm”.

Thời xưa, Dó bầu sinh trưởng tự nhiên rất nhiều trong rừng già ở Khánh Hòa. Nói sản vật này, “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có nêu: “Vùng núi các huyện đều có Kỳ nam, Trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có Kỳ nam phải nạp thay bằng Trầm hương”.

Trầm hương Khánh Hòa.

Những cánh rừng phía Bắc Khánh Hòa kết tụ nhiều Trầm, nên ca dao có câu: “Cây quế thiên thai mọc ngoài khe đá, Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”. Trong “Phủ biên tạp lục -1776”, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) khẳng định: “Kỳ nam hương xuất tự đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là thứ tốt nhất, xuất tự Phú Yên và Quy Nhơn là thứ hai”. Địa danh Bình Khang, Diên Khánh thời xưa thuộc tỉnh Khánh Hòa sau này.

Trầm tạo ra từ lõi cây Dó với hai loại Trầm hương và Kỳ nam, gọi chung là Trầm Kỳ. Thời xưa, sản vật này được xếp bên cạnh ngà Voi, sừng Tê giác, ngọc Trai, Yến sào, chim Sâm cầm…nên các vị vua nhà Nguyễn cho khắc hình tượng Trầm hương, Kỳ nam trên Cao đỉnh và Nhân đỉnh, đặt trong Thế miếu Hoàng thành Huế. Trầm hương thơm nhẹ, sắc nhạt, vị đắng và cay, khi đốt khói trắng xoay quanh, tan nhanh. Trầm hương có bốn loại chính là: kiến, rễ, tốc, mắt tử. Kỳ nam nhiều tinh dầu, mùi thơm ngào ngạt, vị chua, cay, ngọt, đắng; khi đốt khói lam xanh bay thẳng, chậm tan. Kỳ nam phân loại: “Nhất bạch, Nhị thanh, Tam huỳnh, Tứ hắc”.

2. Khi nghe tôi hỏi chuyện “Ngậm ngãi tìm Trầm”, ông Đinh Tấn Ba (65 tuổi) trú ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh - người có hơn 20 năm “đi địu” chia sẻ: “Thời xưa giao thông cách trở, rừng thiêng nước độc, sông suối hiểm trở, rắn rết, thú dữ nhiều nơi; ngoài đồ nghề săn Trầm thô sơ và tư trang, người “đi địu” không có đèn pin, điện thoại, thuốc tây chữa bệnh, không có nhiều kinh nghiệm đối phó khẩn nguy, không có thông tin dự báo thời tiết…Khi ốm đau, tai họa chỉ hái cây lá rừng, thắp hương khấn vái thần linh, trông chờ cơ may trúng Trầm nhờ.

Quạt Trầm hương do Công ty Trầm Hương Khánh Hòa chế tác gửi tặng các quan chức tham dự Hội nghị cao cấp APEC 2017 lần thứ nhất tại Nha Trang.

Nhiều người “đi địu” mất tích, vĩnh viễn ra đi vì tai họa ập đến do rắn cắn, thú vồ, lũ cuốn. Không ít người ốm đau, thương tật do sốt rét, thương hàn, trượt chân từ cành cây, dưới sông suối. Có người lạc giữa đại ngàn khi lương thực đã hết, phải ngậm gừng dại có vị thơm dịu, cho ruột đỡ cồn cào được ví như củ ngải để có sức đi tiếp hành trình dài ngày, khi trở về kiệt sức, râu tóc mọc dài, trông như người rừng, nên dân gian có câu “Ngậm ngải tìm trầm”.

Ông Nguyễn Trọng Tiết (51 tuổi) trú ở xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh– người bám đuổi giấc mộng Trầm hương hơn 20 năm, cho biết: “Mỗi nhóm đi địu có 4 - 6 người, không xung khắc tuổi tác, cung mạng. Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt xuất hành, người đi địu ăn chay, tịnh tâm vài ngày. Ngoài tư trang, lương thực, rìu, rựa, dũm thép xoi Trầm còn có dầu gió, thuốc cảm sốt và lễ vật cầu khấn thần linh. Suốt hành trình đi địu không gây sự, không nói chuyện xúi quẩy, tâm tính ôn hòa, nói năng kiêng dè bằng tiếng lóng như muối gọi là diêm, gạo gọi là mễ, tảng đá gọi là gộp, cọp phải gọi là thầy, ong đốt gọi là uông ké…”.

Trầm hương Khánh Hòa mang đậm nét văn hóa - lịch sử gắn liền truyền thuyết người Chămpa về Nữ thần Ponagar tạo nên Trầm hương có mùi hương tao nhã, tinh khiết. Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Công ty Trầm Hương Khánh Hòa chia sẻ: “Trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt xưa, Trầm hương là báu vật trời đất ban tặng, được ví như linh khí đất trời, chứa đựng nguồn năng lượng linh thiêng tạo ra sức lực dồi dào, hóa giải xung khí. Bao đời nay Trầm hương được xông đốt trong nghi lễ nhiều tôn giáo, bày tỏ lòng thành kính con người với các đấng thần linh, tổ tiên, trời đất.

3. Hàng chục năm qua nhiều nhóm “đi địu” ở Khánh Hòa trúng đậm Trầm hương sau những chuyến xuyên rừng vất vả, gian nguy. Không ít người trở thành đại gia sau những thương vụ mua bán Trầm. Khánh Hòa là điểm đến của giới kinh doanh Trầm và đã có hàng trăm doanh nghiệp, cửa hàng chế tác, kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ, linh vật, tác phẩm nghệ thuật.

Sản phẩm chuỗi hạt từ Trầm hương.

Giữa tháng 2-2017, Công ty Trầm Hương Khánh Hòa gửi tặng các quan chức tham dự Hội nghị cao cấp APEC 2017 tại Nha Trang 100 chiếc quạt Trầm hương. Từ thế kỷ thứ III, những thương nhân Ấn Độ, Trung Quốc đã đến Khánh Hòa lùng mua Trầm hương chuyển sang Ả Rập theo con đường tơ lụa trên biển. Và nhiều thập kỷ qua, Trầm hương Khánh Hòa đã đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Khi nguồn Trầm tự nhiên cạn kiệt, nhiều nông dân ở Khánh Hòa trồng Dó bầu để tạo Trầm. Ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa cho biết, hơn 350ha Dó bầu trồng ở các huyện Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Diên Khánh.

Làng nghề xoi Trầm từ cây Dó ở xã Vạn Thắng đã hình thành, hàng loạt sản phẩm mỹ nghệ từ Trầm ra đời bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân. Gần đây, Công ty Trầm Hương Khánh Hòa phối hợp Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Harvard - Mỹ, Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan để hợp tác, chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy Trầm hương, mở ra triển vọng mới cho người nông dân khi tạo ra Trầm với năng suất, chất lượng cao.

Đi qua làng nghề xoi Trầm ở Vạn Thắng và len lỏi trong vườn cây Dó bầu giữa buổi sáng tiết trời dịu mát, tôi nghe trong gió có tiếng người xưa vọng về: “Khánh Hòa là xứ Trầm hương. Non cao biển rộng người thương đi về”.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.